Một mái nhà cho thuê lắp điện mặt trời tại Thủ đô Delhi, Ấn Độ.
Chiến dịch này được khởi động từ 01/02/2017 tại thành phố Mumbai do Thủ tướng Ấn Độ – ông Sri Narendra Modi phát động với mục tiêu thu hút đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có điện mặt trời áp mái. Đến nay, có khoảng 2.500 công ty nước ngoài và 8.000 công ty, hộ dân ở Ấn Độ đã tham gia vào chiến dịch này.
Theo ông Anand Kumar, Bộ trưởng Bộ Năng lượng mới và tái tạo Ấn Độ: “Với chiến dịch này, các nhà phát triển năng lượng mặt trời sẽ được thuê không gian trên sân thượng các tòa nhà, hộ dân, lắp pin năng lượng mặt trời và lượng điện sản xuất ra sẽ được đưa lên lưới điện quốc gia. Hàng tháng, các công ty điện lực của Ấn Độ sẽ kiểm đếm sản lượng điện được bán ra, thanh toán cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các hộ gia đình, tòa nhà, doanh nghiệp đồng ý cho thuê sân thượng sẽ ký hợp đồng cho thuê tối thiểu là 10 năm, tối đa là 50 năm – thời gian vừa đủ để các nhà đầu tư yên tâm thu hồi được vốn đầu tư và có lợi nhuận từ việc lắp đặt điện mặt trời áp mái.
Tại một tòa nhà cao tầng khu trung tâm thủ đô New Delhi có diện tích cho mái cho thuê là 1.200 m2, nhà đầu tư sẽ phải trả mức giá thuê là 371.000 INR (rupee)/tháng (gần 122 triệu VNĐ). Trong khi đó, với công suất lắp đặt 150 kWp, hệ thống điện mặt trời tại đây sản xuất được 600 kWh/ngày, tương đương nhà đầu tư thu được hơn 990.000 INR/tháng (hơn 320 triệu VNĐ).
Để thúc đẩy chiến dịch, Chính phủ Ấn Độ cũng chi 50 tỷ INR hỗ trợ 10% vốn cho các nhà đầu tư lắp đặt pin quang điện trên các mái nhà cho thuê. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã làm việc với Bộ Năng lượng tái tạo, các công ty lớn về năng lượng tái tạo của Úc, ký hợp đồng mua pin quang điện và cung cấp cho các nhà đầu tư với giá ưu đãi, nhằm khuyến khích chiến dịch phát triển mạnh hơn. Theo báo cáo thường niên năm 2018 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), pin quang điện mặt trời của Úc là rẻ nhất thế giới và giá thành lắp đặt pin quang điện mặt trời trên mái nhà của các hộ gia đình Úc cũng thấp nhất thế giới.
Ấn Độ cũng đang yêu cầu Úc chuyển giao công nghệ sản xuất pin quang năng với giá hợp lý, giúp Ấn Độ phát triển ngành năng lượng tái tạo. Việc chuyển giao công nghệ được thực hiện thông qua hợp tác nghiên cứu giữa Trường Đại học New South Wales (trường Đại học nghiên cứu các lĩnh vực năng lượng tại Úc) và Viện Quốc gia về Năng lượng mặt trời Ấn Độ (NISE).
Các giải pháp trên cũng đã góp phần thúc đẩy công nghiệp năng lượng mặt trời tại Ấn Độ phát triển mạnh trong 3 năm trở lại đây. Đặc biệt, khi chiến dịch “Make in India Week” được đưa vào áp dụng, các công ty năng lượng tái tạo đã tích cực tiềm kiếm các mái nhà thuộc các khu liên hợp thương mại, khu trung tâm, nhà máy công nghiệp và thậm chí cả các bệnh viện để lắp đặt các tấm pin quang điện. Mái nhà của các tòa nhà Chính phủ và các văn phòng cũng được các nhà đầu tư hướng đến.
New Delhi, thủ đô của Ấn Độ hiện đang dẫn đầu cả nước về các dự án cho thuê mái nhà để sản xuất điện mặt trời áp mái. Ấn Độ hy vọng sẽ nâng công suất điện mặt trời áp mái từ 5 GWp hiện nay lên 40 GWp vào năm 2022.
Tại Ấn độ có khoảng 300 ngày nắng mỗi năm, phạm vi bức xạ mặt trời trung bình: 4-7 kW/giờ/m2 nên rất thích hợp cho việc phát triển điện mặt trời trên mái nhà.