Máy móc sẽ thay thế con người trong nhiều công đoạn sản xuất, đòi hỏi NLĐ phải nâng cao trình độ để không bị đào thải. Ảnh: NAM DƯƠNG
Ông Phạm Quốc Bảo - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) cho biết, trong năm 2018, EVNHCMC đã thực hiện hơn 76.300 lượt đào tạo, đạt chỉ tiêu 100% NLĐ được đào tạo ít nhất 40 giờ/năm/người. Trong đó, đang đào tạo dài hạn cho 4 tiến sĩ, 107 thạc sĩ, 141 kỹ sư và đã đào tạo để được công nhận cho 96 chuyên gia, kỹ sư ASEAN và công nhân lành nghề.
Việc đầu tư đào tạo trên đã góp phần đem lại kết quả sản xuất, kinh doanh rất đáng khích lệ cho Tổng Công ty số lần mất điện (SAIFI) và thời gian mất điện (SAIDI) bình quân đối với 1 khách hàng chỉ còn 1,57 lần và 124 phút, về đích sớm 2 năm so với lộ trình đến năm 2020; chỉ số tiếp cận điện năng đạt 87,94/100 điểm, xếp hạng 27/190 quốc gia và đứng thứ 4 trong khối ASEAN, vượt trước 2 năm so với chỉ đạo của Chính phủ…
Anh Mai Trần Đỉnh Phong - Phó phòng Điều hành Dự án 3, Ban Quản lý lưới điện TPHCM, thuộc Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) được cử đi học cao học tại Đại học Bách Khoa TPHCM. Hiện anh đang bước vào giai đoạn chuẩn bị bảo vệ luận văn tốt nghiệp.
Anh Phong, chia sẻ: “Trong thời kỳ Cách mạng 4.0, nếu không chủ động học tập, nâng cao trình độ thì sẽ tụt hậu, không đáp ứng nhu cầu trong tương lai. May mắn là chúng tôi được TCT hỗ trợ về tài chính và bố trí công việc hợp lý để học tập”. Anh Phong là một trong rất nhiều trường hợp mà EVNHCMC đã cử đi học để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của công việc trong thời kỳ Cách mạng công nghệ 4.0.
Ông Lê Xuân Thái, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSCPC), cho biết việc xác định công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực là khâu quan trọng quyết định sự phát triển của DN. Từ năm 2016, đơn vị đã có Đề án “Đào tạo Phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020”, với mục tiêu đảm bảo 100% NLĐ có quyền và cơ hội được học tập nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới nhằm phát huy năng lực cá nhân, đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đóng góp tốt nhất cho sự phát triển của TCT.
Các nội dung: Đào tạo nâng cao năng lực quản trị cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp 2, 3 và 4; Xây dựng và hoàn thiện tài liệu bồi dưỡng nghề cho khối lao động trực tiếp; Đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ trẻ để tiếp cận công nghệ tiên tiến và làm việc trực tiếp với chuyên gia nước ngoài, phát triển lực lượng kỹ sư ASEAN, chuyên gia lĩnh vực thí nghiệm điện, tự động hóa trong lưới điện, đào tạo chuyên sâu hoặc hình thức liên kết đào tạo.
Theo Liên đoàn lao động TPHCM, nhiều năm qua phong trào “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” và Phong trào “Bàn tay vàng”, là một trong những phong trào trọng tâm xuyên suốt được các cấp CĐ quan tâm thực hiện. Chỉ riêng trong năm 2018, đã có 1.190 CĐCS phối hợp đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, ôn lý thuyết, luyện tay nghề; tổ chức 411 hội thi tay nghề, nâng bậc thợ cấp cơ sở. Các phong trào thi đua này đã giúp 30.825 CNLĐ được nâng bậc lương, nâng bậc thợ góp phần ổn định việc làm, thu nhập cho NLĐ và vững vàng bước vào thời kỳ Cách mạng công nghệ 4.0.