Một trong những thiết bị chống điện giật do Việt Nam sản xuất
Không được sử dụng thiết bị điện khi còn ẩm ướt
Trước khi sử dụng lại điện ở những khu vực vừa bị úng ngập, cần kiểm tra kỹ các thiết bị điện, công tắc, cầu dao..., bộ phận nào phát hiện hư hỏng cần sửa chữa hoặc thay thế ngay. Đặc biệt chú ý những công tắc, ổ cắm điện ở các vị trí thấp trong nhà đã bị ngập nước. Tuyệt đối không sử dụng các thiết bị điện khi thấy còn ẩm ướt.
Cần lưu ý không buộc dây vào cột điện hoặc dùng dây dẫn điện để phơi, móc quần áo và các vật dụng khác. Tuyệt đối không đóng/cắt cầu dao, công tắc điện, phích cắm khi tay còn ướt hoặc đang đi chân trần trên nền ẩm ướt. Không được cắm trực tiếp đầu dây dẫn điện vào ổ cắm, mà phải có phích cắm chắc chắn.
Trong trường hợp phát hiện thấy dây điện cao áp bị chạm hoặc đứt dây, phải đứng cách xa hơn 10m và báo ngay cho đơn vị điện lực đến xử lý, đồng thời cảnh báo người khác không được lại gần.
Xử trí khẩn cấp khi có người bị điện giật
Khi thấy có người bị điện giật, cần khẩn trương ngắt cầu dao điện hoặc lấy thanh tre, thanh gỗ kéo dây điện ra khỏi người nạn nhân. Sau đó, đặt nạn nhân nằm trên nền cứng, để cổ ngửa tối đa (trừ khi nạn nhân bị chấn thương cột sống).
Đấm vào vùng trước tim 5 cái, nếu tim không đập lại, phải khẩn trương hà hơi thổi ngạt và bóp tim ngoài lồng ngực: Để hai bàn tay chồng lên nhau, đặt vào phần dưới xương ức rồi ấn mạnh vào lồng ngực.
Nếu có 2 người tham gia cấp cứu, cứ ép tim ngoài lồng ngực 5 lần lại thổi ngạt 1 lần. Nếu chỉ có một người, cứ 15 lần ép tim lại thổi ngạt 2 lần. Thực hiện đều đặn như thế cho đến khi nạn nhân tỉnh, thở được, môi hồng trở lại, bắt được mạch ở cổ tay và có xe cấp cứu chuyển nạn nhân đến bệnh viện.
Nếu người bị điện giật có tổn thương phối hợp (như ngã làm gãy xương, chấn thương sọ não, chấn thương ngực, bụng hoặc đa chấn thương), tình trạng sức khỏe sẽ xấu hơn rất nhiều thì cần kiểm tra để xử trí ngay.
Cần lưu ý một số điều khi cấp cứu nạn nhân bị điện giật, đó là lúc ngắt điện, cần đề phòng nạn nhân bị ngã gây chấn thương khiến tai nạn nặng thêm. Người vào cứu tuyệt đối không dùng tay để kéo nạn nhân ra khi nguồn điện chưa được cắt.
Toàn bộ công việc cấp cứu ngừng tim chỉ thực hiện có hiệu quả nhất trong 3 phút, do vậy người cấp cứu phải thật bình tĩnh, khẩn trương, thực hiện đúng cách và tiến hành ngay tại nơi xảy ra điện giật. Chỉ chuyển nạn nhân đến các cơ sở y tế để cấp cứu hồi sức khi bệnh nhân đã tự thở lại và lấy được mạch.
Trên đường chuyển nạn nhân đến bệnh viện, vẫn phải tiếp tục công việc cấp cứu, theo dõi sát sao để phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng.