Cụ thể, VN-Index đã rời mốc 470 điểm và HNX-Index cũng mất mốc 80 điểm, sau khi đạt các mốc trên từ ngày 4-5.
Diễn biến đáng chú ý của phiên giao dịch chủ yếu diễn ra trong đợt giao dịch buối chiều khi lực bán giá thấp tăng mạnh đã kéo chỉ số chứng khoán chính của sàn TPHCM từ mức 475 điểm của phiên sáng xuống còn 469,69 điểm khi kết thúc phiên chiều, giảm 10,41 điểm (2,17%) so với cuối tuần qua.
Tình hình tương tự cũng diễn ra với HNX-Index. Đóng cửa phiên chiều, chỉ số này còn 78,84 điểm, giảm 2,74 điểm (3,36%), trong khi hết phiên sáng chỉ giảm hơn 2%.
Trong tổng số hơn 700 mã chứng khoán niêm yết trên cả 2 sàn, phiên đầu tuần chỉ có 70 mã tăng giá, số mã giảm giá lên tới 536, số còn lại đứng giá. Chỉ tính riêng trong rổ VN30 chỉ có 2 mã tăng giá là 2 cổ phiếu ngân hàng VCB và CTG, còn lại đều chìm trong sắc đỏ.
Thanh khoản phiên này tăng nhẹ trở lại tại sàn TPHCM, có 110 triệu chứng khoán được chuyển nhượng, giá trị đạt gần 2.000 tỉ đồng, tăng 17,6% so với phiên trước. Con số này của sàn Hà Nội là 88,4 triệu đơn vị, giá trị 923,5 tỉ đồng, giảm nhẹ so với phiên cuối tuần.
Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho rằng, các thông tin mới về vĩ mô chưa đủ để nhà đầu tư tăng kỳ vọng vào khả năng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư là hợp lý, khi quyết định nới rộng về cung tiền, áp trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước chưa giải quyết đúng điểm trọng tâm cản trở dòng tín dụng – chính là việc doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu vay vốn.
Giải pháp tháo gỡ về tài khóa của Chính phủ cũng chưa đem lại nhiều kỳ vọng, khi chủ yếu chỉ tập trung vào các biện pháp giãn, giảm thuế, trong khi các biện pháp kích cầu về chi tiêu công chưa rõ ràng và cần thời gian để nguồn chi tiêu công tác động lan tỏa đến toàn nền kinh tế. Kết hợp với lo ngại về khả năng tăng giá điện, khi Cục Quản lý giá cho biết EVN đang xem xét một số phương án đề xuất tăng giá điện từ 5-10%, nhà đầu tư có xu hướng đẩy mạnh bán ra chốt lời.
Trong khi đó, Công ty chứng khoán Saigonbank-Berjaya (SBBS) cho rằng thanh khoản thị trường tiếp tục tăng, khối lượng khớp lệnh trung bình ngày tăng 8% trên sàn TPHCM và 2% trên sàn Hà Nội, chứng tỏ mặc dù thị trường điều chỉnh nhưng dòng tiền vẫn tiếp tục vào nhờ hỗ trợ từ yếu tố vĩ mô. Những phiên điều chỉnh vừa qua do yếu tố kỹ thuật nhiều hơn vì hoạt động chốt lời của những cổ phiếu tăng nóng và hoạt động đầu tư ngắn hạn. Chính vì vậy, các chỉ số rất khó khăn để vượt ngưỡng kháng cự mặc dù có những tin tích cực hỗ trợ.
Tuy nhiên, chính thanh khoản thị trường vẫn gia tăng cộng thêm kỳ vọng về chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ nên SBBS cho rằng tích lũy cổ phiếu vào lúc thị trường điều chỉnh là cơ hội để mua vào giá rẻ, tuy nhiên nên cẩn trọng với các doanh nghiệp có rủi ro tài chính cao.
The Saigon Times