Quản lý năng lượng

Chứng khoán tuần qua: Lượng đặt mua tăng mạnh

Thứ hai, 17/9/2007 | 00:00 GMT+7
Tuần từ 10 - 14/9, tại sàn Tp.HCM, lượng đặt mua tăng nhưng do khối lượng cổ phiếu không được khớp tăng mạnh hơn nên khối lượng và tổng trị giá khớp lệnh giảm.
Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng sụt mạnh nhưng lượng mua vào vẫn gấp 2 lần bán ra. VN-Index giảm 3,67 điểm còn HASTC-Index tăng 2,83 điểm với 8 phiên tăng liên tiếp.

Sau 5 phiên ở sàn Tp.HCM, lượng đặt bán và đặt mua diễn biến thất thường, hai phiên đầu tuần cầu cao hơn cung khá lớn, lên tới 4,77 triệu chứng khoán, hai phiên giữa tuần cung cao hơn cầu 0,31 triệu chứng khoán và phiên cuối tuần lượng đặt lại tăng mạnh, lớn hơn lượng đặt bán 2,59 triệu chứng khoán.

Tổng lượng đặt mua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt 62,69 triệu chứng khoán, tăng mạnh so tuần trước, hơn 32,82 triệu chứng khoán đặt mua không được khớp lệnh, tăng 8 triệu chứng khoán so với 4 phiên tuần trước.

Tổng lượng đặt bán đạt 55,67 triệu chứng khoán, hơn 25,77 triệu chứng khoán đặt bán không được khớp lệnh.

Tuần qua, lượng đặt mua cao hơn lượng đặt bán 7,02 triệu chứng khoán. Tổng khối lượng khớp lệnh 5 phiên giảm mạnh, đạt 29,874 triệu chứng khoán, giảm 5 triệu chứng khoán, tổng trị giá khớp lệnh cũng giảm hơn 600 đồng, còn 2.261,5 tỷ đồng.

Năm chứng khoán có khối lượng giao dịch khớp lệnh lớn nhất là STB với 3,322 triệu cổ phiếu, trị giá 183 tỷ đồng, VF1 đạt 1,658 triệu chứng chỉ quỹ, tổng trị giá 49,4 tỷ đồng, PET đạt 0,859 triệu cổ phiếu, trị giá 47,4 tỷ đồng, MHC với 0,967 triệu cổ phiếu, trị giá 39 tỷ đồng và PPC đạt 0,885 triệu cổ phiếu, trị giá 54 tỷ đồng.

Qua 5 phiên, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài sụt mạnh, lượng mua vào chỉ đạt 3,31 triệu chứng khoán, giảm hơn 2 triệu chứng khoán so với 4 phiên của tuần trước, tổng trị giá mua đạt 365 tỷ đồng, giảm 145 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài bán 1,74 triệu chứng khoán, giảm gần 700.000 chứng khoán, trị giá bán đạt 172 tỷ đồng, giảm 100 tỷ đồng so với 4 phiên của tuần trước.

Sàn Hà Nội, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài ít thay đổi so tuần trước, họ mua 440.700 cổ phiếu, trị giá mua 61,319 tỷ đồng và bán ra 325.000 cổ phiếu, trị giá bán 18,634 tỷ đồng.

Trong tuần này, thị trường có thể sẽ sôi động hơn do tác động của nhiều thông tin tốt lành: cuối tuần qua, Vinalines và Ngân hàng Citi N.A Việt Nam đã đạt được thỏa thuận vay vốn trị giá 130 triệu USD. Đây là lần đầu tiên Vinalines huy động thành công vốn vay từ thị trường quốc tế và đã nhận được phản hồi tích cực từ phía các nhà đầu tư.

Sau hợp đồng này, Vinalines sẽ tiếp tục ký hợp đồng vay 200 triệu nữa của ngân hàng nước ngoài để tiếp tục phát triển đội tàu. Vinalines cũng đang đầu tư nhiều dự án ở Bà Rịa-Vũng Tàu và Quảng Ninh với số vốn lên đến 1,5 tỷ USD.

Ngoài ra, Vinalines cũng có kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hiện Vinalines đang chọn nhà tư vấn và ngân hàng quốc tế bảo lãnh cho đợt phát hành trái phiếu dự kiến trong năm 2008.

Ông Yu Sang Ho, Tổng giám đốc Tập đoàn Đầu tư chứng khoán Hàn Quốc (KIS) cho biết đã giải ngân khoảng 60% trong 700 triệu USD vốn đầu tư mà KIS đã đầu tư vào Việt Nam, tập trung vào hai ngành là thực phẩm, nước giải khát và xây dựng, vốn đầu tư của Hàn Quốc vào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn gia tăng. Nhà đầu tư Hàn Quốc hiện đang dành mối quan tâm lớn, mong chờ các ngân hàng lớn của Việt Nam sẽ tiến hành cổ phần hóa trong thời gian tới.

Ông Yu Sang Ho nói, không chỉ KIS mà các quỹ đầu tư lớn, các tập đoàn nước ngoài cũng đang dành mối quan tâm lớn đến thị trường chứng khoán Việt Nam và nếu Chính phủ Việt Nam mở room, không những KIS mà các quỹ đầu tư nước ngoài cũng sẽ đổ vào thị trường Việt Nam lượng vốn khổng lồ.

Tổng quy mô của các quỹ đầu tư Hàn Quốc vào thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vào khoảng 1,2 tỷ USD, trong đó, KIS chiếm tới 50%. Một thông tin quan trọng nữa là Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHB) sẽ xác định xong giá trị doanh nghiệp vào cuối tháng 9/2007, hoàn tất đề án cổ phần hóa và trình Chính phủ trong tháng 10/2007 và Vietcombank đang chờ Chính phủ phê duyệt chính thức phương án chuyển đổi sở hữu.

 

Theo TBKTVN