Điện lực Ý Yên tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống điện nông thôn tại xã Yên Lộc, đáp ứng nhu cầu sử dụng tăng cao của nhân dân trong những ngày nắng nóng.
Trên địa bàn tỉnh Nam Định, nhu cầu sử dụng điện cũng tăng cao đột biến với công suất sử dụng lớn nhất đạt gần 700MW, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021; sản lượng điện thương phẩm trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 1.420 triệu kWh, tăng trưởng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.
Trong điều kiện thời tiết đang tiếp tục nắng nóng gay gắt, nhu cầu sử dụng điện vẫn tăng cao, dẫn đến nguy cơ thiếu điện cục bộ, phải cắt giảm luân phiên nên Công ty Điện lực Nam Định đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả từ kỹ thuật đến kinh doanh nhằm tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội.
Công ty đang phối hợp với Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, hệ thống truyền thanh cơ sở đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân thực hiện tốt Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 7-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025. Ngành Điện khuyến cáo khách hàng hãy sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả bằng các giải pháp ưu tiên sử dụng thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà, hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời; tắt các thiết bị điện khi không sử dụng; chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết và đặt mức nhiệt độ trên 25 độ C; hạn chế sử dụng đồng thời các thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn vào giờ cao điểm, trưa từ 12 giờ đến 15 giờ, tối từ 21 giờ đến 24 giờ; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất dịch chuyển sản xuất ra khỏi giờ cao điểm vào những ngày nắng nóng cực đoan...
Công ty Điện lực Nam Định đã xây dựng những kịch bản phù hợp với tình hình thời tiết nắng nóng, yêu cầu các phòng, ban chuyên môn, Điện lực các huyện và thành phố Nam Định thực hiện nghiêm. Trong đó, Trung tâm Điều khiển xa căn cứ dự kiến mức mang tải lưới điện 110kV, lưới trung thế từ 22 đến 35kV, xây dựng phương án đảm bảo cấp điện mùa hè, mùa mưa bão theo các chế độ vận hành bình thường, vận hành khi có sự cố lưới điện; không thực hiện cắt điện để sửa chữa gây mất điện cho khách hàng khi nhiệt độ ngoài trời trên 36 độ C. Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế, các Điện lực cơ sở căn cứ mức mang tải của các đường dây, của máy biến áp để rà soát lại thông số kỹ thuật trên chương trình đo xa, dự kiến mức mang tải cao điểm tiếp theo ở mùa hè năm 2022 để lập phương án đảm bảo cấp điện mùa nắng nóng, mùa mưa bão. Điện lực các huyện và thành phố Nam Định thường xuyên bố trí nhân lực ứng trực để kiểm tra, củng cố lưới điện; chuẩn bị đủ vật tư, thiết bị dự phòng, phương tiện, nhiên liệu, hệ thống thông tin liên lạc nhằm kịp thời thay thế, luân chuyển máy biến áp phân phối, cân đảo pha, san tải hạ thế, chống quá tải cục bộ...
Trước nguy cơ thiếu điện cục bộ mùa nắng nóng có thể xảy ra, hưởng ứng phong trào thi đua tiết kiệm điện, cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng đang tích cực chung tay cùng ngành Điện. Ông Vũ Văn Đích, chủ cơ sở sản xuất bánh nhãn Vân Đích ở thị trấn Yên Định (Hải Hậu) cho biết, bắt đầu từ mùa hè năm 2022, gia đình đã dịch chuyển giờ sản xuất khỏi các giờ cao điểm mà ngành Điện khuyến cáo để góp phần tiết kiệm chi phí tiền điện và bảo đảm an toàn cho hệ thống.
Ông Đinh Thanh Bằng, Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bằng, đơn vị chuyên sản xuất các loại máy cơ khí dân dụng, công nghiệp ở xã Xuân Tiến (Xuân Trường) cho biết, doanh nghiệp đã xây dựng và thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả như bảo đảm sử dụng đúng công suất, đúng biểu đồ phụ tải đã ký kết trong hợp đồng mua bán điện; thực hiện kế hoạch sản xuất hợp lý; hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị, máy móc có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm; hạn chế tối đa các thiết bị điện hoạt động không tải.
Ông Trần Thế Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Dũng, Khu công nghiệp Hòa Xá (thành phố Nam Định) cho biết, là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, sản lượng sản xuất khoảng 200 nghìn mét vải các loại/tháng, tạo việc làm thường xuyên cho 140 công nhân với thu nhập bình quân từ 7 đến 10 triệu đồng/người/tháng nên nhu cầu điện luôn rất quan trọng. Hiện tại, doanh nghiệp đang vận hành các loại máy tiêu tốn nhiều điện năng như máy nhuộm, lò hơi, lò dầu. Vì thế, từ đầu mùa hè đến nay, đơn vị đã chia ca sản xuất, cơ bản dịch chuyển khỏi khung giờ cao điểm, trong đó ca sáng bắt đầu từ 6 giờ, kết thúc lúc 14 giờ; ca chiều từ 14 giờ đến 22 giờ, góp phần tiết kiệm điện năng, bảo đảm an toàn trong sản xuất.
Ông Phùng Đình Thông, Chủ tịch 2 doanh nghiệp sản xuất thép lớn là Công ty TNHH Thắng Lợi và Công ty TNHH VICO, địa chỉ ở Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định) cho biết, trung bình mỗi tháng, đơn vị tiêu tốn gần 3 tỷ đồng tiền điện, đứng trong tốp doanh nghiệp tiêu thụ điện năng cao nhất nhì tỉnh. Hiện tại, ở 2 doanh nghiệp này đang có 8 máy biến áp điện, chuẩn bị xây dựng thêm 4 máy biến áp khác, nâng tổng công suất lên gần 27 nghìn KVA nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất. Để tiết kiệm năng lượng, giải pháp đang được 2 doanh nghiệp đang áp dụng là thường xuyên đổi mới công nghệ, từng bước đầu tư máy móc thiết bị theo tiêu chuẩn các nước châu Âu, dịch chuyển khung giờ sản xuất vào ban đêm, nhất là những ngày hè nắng nóng.
Bằng nhiều giải pháp hữu hiệu của ngành Điện, sự chung sức vào cuộc của các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân, hệ thống lưới điện và hoạt động cung ứng điện năng trên địa bàn tỉnh đang được vận hành ổn định. Trước xu thế nắng nóng tiếp tục tăng cao, ngành Điện đang đẩy mạnh tuyên truyền để khách hàng tiếp tục có những giải pháp phù hợp, hiệu quả trong sử dụng điện, góp phần quan trọng bảo đảm an toàn cho hệ thống điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.