Tin trong nước

Chúng tôi đón giao thừa những năm ấy

Thứ ba, 31/1/2017 | 19:56 GMT+7
Thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước là những năm khó khăn gian khổ nhất của Điện lực Đà Nẵng từ khi ra đời cho đến nay. 

Toàn cảnh khu vực Nhà máy điện Liên Trì năm 1975 (Ảnh: TL) 

Năm năm sau ngày thống nhất đất nước, các máy diesel phát điện của chế độ cũ còn lại đã bị khai thác cạn kiệt để phục vụ cho sự phát triển mạnh mẽ của công, nông nghiệp và sinh hoạt trong công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh.

Tình hình ngày càng căng thẳng khi yêu cầu cung ứng điện ngày càng tăng nhưng nguồn phát điện lại sự xuống cấp từng ngày. Lúc này Mỹ thực hiện cấm vận nên không thể nhập khẩu được bất kỳ loại vật tư phụ tùng nào để thay thế sửa chữa máy móc thiết bị. Anh em công nhân đã tận dụng vật tư phụ tùng cũ sửa chữa phục hồi, chế, độ lại để thực hiên công tác sửa chữa. Công suất máy cứ tụt dần theo năm tháng. Việc cắt điện có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi máy phát hỏng đột ngột (việc này xảy ra như cơm bữa). Lịch cắt điện hai không, ba không một có mà hầu như cũng không bao giờ được thực hiện đúng, chỉ có thể cắt nhiều hơn mà thôi.  

Ngày thường thì phải chấp nhận tình trạng này, nhưng những ngày tết thì không thể để cho dân thiếu điện  đón xuân được, đó là mệnh lệnh của lương tâm. Cha ông chúng ta chẳng đã từng nói rằng “đói cũng ba ngày tết, hết cũng ba ngày mùa” đó sao. Chính vì điều đó mà công tác chuẩn bị nguồn điện cho tết đã được lãnh đạo các cấp và anh em công nhân hết sức quan tâm. Đầu quý tư hàng năm chúng tôi đưa máy ra sửa chữa trung đại tu theo kế hoạnh. Bên cạnh đó chúng tôi còn phải đảm bảo nguồn cung cấp điện cho sản xuất công nông nghiệp để họ hoàn thành kế hoạch cuối năm, do vậy công việc vô cùng căng thẳng vất vả. Chúng tôi không có ngày nghỉ cuối tuần. Thời gian làm viêc không phải là 8 tiếng nữa mà là 10, 12 tiếng/ngày. Trong môi trường dầu mỡ nhầy nhụa, khói bụi nóng rát, tiếng ồn chát chúa anh chị em vẫn quên mình làm việc. Chúng tôi làm việc như vậy cho đến ngày giáp tết thì công việc cũng đã hòm hòm. Hai bảy, hai tám tết dân có đủ điện chuẩn bị tết cho gia đình mình. Từ đây đến giao thừa công suất phụ tải đạt đỉnh điểm cao nhất trong năm. Chúng tôi phải làm việc bằng mọi giá để có điện cho  dân vui tết.

Có một kỷ niệm vô cùng sâu sắc tôi không bao giờ quên. Chiều tối 30 tháng chạp năm 1986, trong lúc siết lại bu lông mặt bích đường ống cấp nước giải nhiệt phi 300 mm cho gian máy chính, một công nhân vô tình làm vỡ mặt bích nối ống, hệ thống cấp nước dừng khẩn cấp. Toàn bộ máy ở gian máy chính tê liệt, một nửa thành phố bị mất điện. Còn 6 tiếng nữa là đến giao thừa. Mọi người xanh mặt và toát mồ hôi hột. Giám đốc Đỗ Chanh lập tức có mặt trực tiếp chỉ huy xử lý sự cố. Những thợ cơ khí lành nghề nhất được điều động tức thời (thợ tiện có ông Biên, anh Long; thợ hàn gò có anh Hóa, Sâm, Hòa..). Mọi giải pháp được đưa ra bàn ráo riết. Sau gần 5 giờ vừa tìm kiếm vật tư, vừa cắt gọt gia công gò hàn anh em cũng làm xong một chi tiết như cũ (nếu bình thường công việc phải làm mất hai ngày). Trước giao thừa nửa tiếng, hệ thống nước làm mát hoạt động trở lại bình thường. Tất cả các máy phát điện đều vận hành lại, cả thành phố lại tràn ngập trong ánh sáng điện chan hòa và tiếng pháo mừng giao thừa cũng bắt đầu râm ran nổ khắp nơi. Hú hồn, chúng tôi mừng khôn tả. Một cái kết mỹ mãn và có hậu.  

Hơn 10 năm làm việc tại nhà máy, chưa có giao thừa nào tôi về nhà trước hai giờ sáng dù nhà chỉ cách nơi làm việc không quá 200 mét. Đêm giao thừa, từ Giám đốc đến các cán bộ chủ chốt đều sẵn sàng trực chiến ở những vị trí then chốt để chỉ huy xử lý sự cố. Mà sự cố về nguồn và lưới thì quá nhiều, nhất là lưới: nổ bình biến áp, nổ cầu chì, đứt dây (do chạm chập hay bị bắn đứt ) v.v… Khoảng gần hai giờ sáng khi nhân dân đã tắt đèn đi ngủ, lưới ổn, nguồn dần hạ tải chúng tôi mới ngồi lại với nhau uống ly rượu Lúa Mới hoặc vang Thăng Long, nhai vài cái kẹo, lát chả và chúc nhau những điều tốt đẹp nhất cho năm mới. Bao giờ chúng tôi cũng là người xông đất chính nhà mình vào đầu năm mới.  

Vào những ngày cuối năm, đi đâu cũng thấy nhân dân có điện để chuẩn bị tết đón xuân, lòng chúng tôi thấy nao nao hạnh phúc vô biên. Vì “hạnh phúc đơn sơ, ước mơ nho nhỏ” của  dân mà chúng tôi đã lao động hết mình trong nhiều ngày tháng gian khổ. Gần 40 năm đã qua đi, nhưng những dư âm gian khó nhưng hào hùng của Tết năm nào vẫn vang vọng mãi trong tôi. Đó là những tháng ngày không thể nào quên.

Nguyễn Văn Tuất - Cựu Quản đốc Phân xưởng Cơ điện Liên Trì
Theo: CPC