Đưa điện về xã YaChim.
Con số ấn tượng này là kết quả của chương trình điện khí hóa nông thôn trên địa bàn tỉnh Kon Tum thời gian qua, trong đó phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của ngành điện.
Ngay từ những ngày đầu tái thành lập tỉnh Kon Tum (tháng 8/1991), hệ thống điện trên địa bàn rời rạc, không liên kết với nhau. Quy mô chỉ gồm 19,8km đường dây 15 kV, 19 trạm biến áp với tổng dung lượng 2.403 kVA và 26,2 km đường dây hạ áp, sản lượng đạt 3,7 triệu kWh/năm.
Thời gian cấp điện hạn chế, một ngày có ba ngày không, chất lượng điện năng kém. Kéo theo đó, kinh tế của tỉnh lúc bấy giờ chỉ có nông nghiệp độc canh cây lúa, thu nhập bình quân đầu người thấp; công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có quy mô nhỏ, sản phẩm chưa nhiều, chất lượng thấp; thương mại-dịch vụ yếu kém; giao thông trong thế ngõ cụt; đời sống nhân dân khó khăn thiếu thốn về nhiều mặt, tỷ lệ hộ nghèo trên 60%.
Đến năm 1998, Chương trình điện khí hóa nông thôn tỉnh Kon Tum ra đời. Cùng với cả hệ thống chính trị trên địa bàn, Công ty Điện lực Kon Tum (PC Kon Tum) đã tham gia và đồng hành cùng chương trình này ngay từ những ngày đầu nhằm đưa điện đến với từng hộ dân, từng bước ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Trong giai đoạn (1998-2013) trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng và hoàn thành 1.298,51km đường dây trung áp; 934,60km đường dây hạ áp; 1.086 trạm biến áp với tổng dung lượng 231.371 kVA. Tổng số vốn đầu tư khoảng 583,73 tỷ đồng.
Đến ngày 31/12/2013, điện lưới quốc gia đã phủ gần kín các hộ gia đình trên toàn tỉnh Kon Tum.
Cụ thể, 99/99 xã phường (đạt tỷ lệ 100%); 802/830 thôn, buôn (chiếm tỷ lệ 96,62%); 103.722/104.873 hộ (đạt tỷ lệ 98,90%), cao hơn mức bình quân của cả nước.
Riêng khu vực nông thôn là 69.224/70.375 hộ, đạt tỷ lệ 98,36%. Đây thực sự là những con số rất ấn tượng trong điều kiện một tỉnh miền núi có xuất phát điểm rất thấp.
Những con số này cũng nói lên sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cũng như nỗ lực của ngành điện đối với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung và đồng bào các dân tộc ở Kon Tum nói riêng.
Trưởng thôn A Giói (làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) chia sẻ: “Cuộc sống và sinh hoạt của gia đình tôi cũng như cả làng từ khi có điện lưới quốc gia đã thuận tiện, sung túc hơn. Bữa tối chúng tôi không phải ăn cơm sớm. Chúng tôi được xem tivi để biết các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhờ đó, nhận thức của người dân cũng tăng lên, hủ tục dần xóa bỏ, mọi người học hỏi được nhiều thông tin làm giàu để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo; con cháu có điện sáng để học bài...”
Ông Nguyễn Đức, Giám đốc PC Kon Tum cho biết xác định rõ tầm quan trọng của Chương trình cấp điện cho các thôn, buôn chưa có điện thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt đối với tỉnh Kon Tum, thời gian qua, PC Kon Tum đã tích cực triển khai các khâu từ việc khảo sát đến thỏa thuận về hướng tuyến, phối hợp cùng chủ đầu tư đảm bảo dự án được thực hiện đúng tiến độ.
Điện lưới về khắp các thôn bản.
Việc đưa điện lưới quốc gia đến với các hộ dân chưa có điện đã góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, chính trị cho 5 tỉnh Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng.
Trên cơ sở chương trình điện khí hóa nông thôn giai đoạn 2013-2020 do Chính phủ đề ra, với những kết quả đạt được trong thời gian qua, tỉnh Kon Tum cũng vạch ra chương trình điện khí hóa nông thôn trên địa bàn, theo đó dự kiến nguồn kinh phí để đầu tư cấp điện cho các hộ sử dụng điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020 là khoảng 1.385,3 tỷ đồng.
Nguồn vốn để đầu tư nâng cấp mạng lưới điện phân phối trung, hạ thế dự kiến sẽ bố trí trong Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo và các dự án do ngành điện đầu tư khoảng 1.357 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh Kon Tum cũng sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị kinh tế, quốc phòng đầu tư phát triển lưới điện trên địa bàn.
Có thể khẳng định rằng sự đồng hành của PC Kon Tum trong sự nghiệp điện khí hóa nông thôn, sau gần 25 năm, đã góp phần nâng cao đáng kể quy mô hệ thống điện, nâng cao đời sống kinh tế-văn hóa-xã hội cho người dân, đồng thời giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh Kon Tum từ trên 60% xuống còn 15,88%, cũng như góp phần đáp ứng các tiêu chí về công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đến nay toàn tỉnh đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới là xã Hà Mòn, Đắk Mar (huyện Đắk Hà) và xã Đoàn Kết (thành phố Kon Tum)./.