Mọi dữ liệu đều được chuyển về trung tâm điều khiển thông minh, từ đó ngành điện có thể xử lý, theo dõi tình trạng thiết bị điện trên toàn TP.HCM Ảnh: LÊ PHAN
"Người dân là trung tâm của chuyển đổi số, chúng tôi thay đổi để hài lòng người dân và phục vụ họ tốt hơn" - ông Luân Quốc Hưng, phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, khẳng định như vậy khi trao đổi với Phóng viên (PV).
PV: Theo ông, chuyển đổi số sẽ mang lợi ích gì cho người dân, doanh nghiệp và xã hội? Một vài ví dụ cụ thể về lợi ích mà khách hàng ngành điện sẽ được hưởng?
Ông Luân Quốc Hưng: "Thông điệp chúng tôi muốn gửi đến khách hàng dễ hiểu là 3M. Đối với chúng tôi khách hàng là trung tâm, khách hàng muốn gì ngành điện cũng đều đáp ứng hết, đúng nghĩa đáp ứng “mọi lúc, mọi nơi, mọi việc."
Tôi muốn chia sẻ từ trước đến nay ngành điện nói riêng và tất cả những ngành khác đều đã ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ khách hàng của mình. Tuy nhiên tùy vào mức độ quan tâm của doanh nghiệp, việc đầu tư chuyển đổi nhiều hay ít. Với ngành điện, chúng tôi chia chuyển đổi số thành hai mảng: mảng nội bộ và mảng khách hàng.
Đặt mình vào vai người sử dụng điện, chúng tôi hiểu rằng việc chuyển đổi như thế nào, bằng cách gì sẽ không quan trọng bằng việc người dân được hưởng gì, được phục vụ ra sao từ việc chuyển đổi.
Thứ nhất, tốt hơn ở chỗ không bị mất điện, có điện dùng liên tục với chất lượng cao (ổn định về tần số, điện áp) giúp sinh hoạt, sản xuất không bị gián đoạn, máy móc không bị dừng, mọi hoạt động trôi chảy suôn sẻ, thúc đẩy kinh tế phát triển và đảm bảo an sinh xã hội.
Thứ hai là, mọi dịch vụ điện đều được cung cấp trực tuyến, thông suốt và tiện lợi. Các yêu cầu đều được thực hiện trực tuyến nhanh chóng, hiệu quả. Người dân không phải gặp điện lực nhưng chắc chắn các yêu cầu đều được ghi nhận và xử lý.
Khách hàng dù ở nước ngoài hay đi công tác, khách hàng có yêu cầu thay, di dời côngtơ, yêu cầu cấp điện mới, yêu cầu sửa chữa điện, muốn xem hóa đơn... đều được thực hiện qua mạng. Đó có thể là ứng dụng trên điện thoại di động, website chăm sóc khách hàng, gọi điện cho tổng đài, nhắn tin hay thậm chí thông qua các ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook... miễn sao khách hàng thấy tiện lợi nhất.
Ngày trước, với mọi yêu cầu, khách hàng phải đến tận nơi, sau đó nâng cấp lên một bước là gọi tổng đài, còn hiện giờ mọi hình thức tương tác đều được điện lực tiếp nhận, xử lý thông qua "tổng đài đa kênh" như trên.
PV: Qua mỗi năm công nghệ thông tin càng phát triển vượt bậc hơn, ngành điện có chuẩn bị, định hướng gì để mình không bị "lỗi thời"?
Ông Luân Quốc Hưng: Đó chính là mảng nội bộ mà chúng tôi xây dựng trong quá trình chuyển đổi số. Đối với mảng này phải tự động hóa, mà muốn tự động hóa thì phải áp dụng kỹ thuật, công nghệ số. Hiện tại tất cả thiết bị quan trọng mà chúng tôi quản lý ở TP.HCM đều truyền tín hiệu về trung tâm xử lý.
Ngày trước chúng tôi phải đi đo đạc kiểu thủ công, còn bây giờ mọi thứ đều tự động báo về. Chúng tôi có trung tâm xử lý phân tích, đánh giá tất cả dữ liệu để giám sát, điều khiển, chẩn đoán xem thiết bị đang "khỏe" hay "yếu", có sự cố hay tiềm tàng sự cố. Trên cơ sở hệ thống tự phân tích dữ liệu, chúng tôi biết thiết bị nào yếu thì đi sửa, còn yếu quá thì thay. Từ đó hiệu suất vận hành tăng lên rất nhiều.
Quản lý thiết bị điện là một trong những mảng quan trọng trong chuyển đổi số. Chúng tôi có thể giám sát, điều khiển từng thiết bị từ xa 24/7, chẩn đoán được tình trạng của từng thiết bị để sửa chữa, bảo dưỡng, thay mới trước khi nó hỏng.
Khách hàng sẽ không thấy mất điện nữa bởi vì đâu có sự cố gì. Còn nếu sự cố có bất ngờ xảy ra đi nữa thì lưới điện thông minh sẽ tự cô lập vùng sự cố sao cho phạm vi bị ảnh hưởng nhỏ nhất. Sau đó chúng tôi sẽ sửa thật nhanh để tái lập điện lại cho người dân.
Việc công nghệ thông tin thay đổi hằng ngày cũng đã được chúng tôi lường trước. Chúng tôi định hướng làm bài bản ngay từ đầu bằng việc đầu tư chuẩn hệ thống để không bị lạc hậu trong guồng quay phát triển.
Nền tảng chuyển đổi số của chúng tôi có khả năng cải tiến, mở rộng chứ không phải cứ mỗi năm lại làm lại một cái mới. Trong tin học có một thứ gọi là xây dựng kiến trúc doanh nghiệp, khác hoàn toàn quản trị doanh nghiệp thông thường.
Khi xây dựng kiến trúc doanh nghiệp thì có phương pháp bài bản, lớp lang, các dữ liệu đòi hỏi sự đồng bộ, thông suốt, về sau có thể tích hợp, mở rộng. Cái nào thông minh thì tích hợp thêm vào gói thông minh. Chúng tôi không ngại câu chuyện sang năm lại có công nghệ mới ra đời vì ngành điện thành phố đã có nền tảng từ đầu.
PV: Thông điệp mà Tổng công ty Điện lực TP.HCM muốn chuyển tới người dân và người dân có thể kỳ vọng gì ở ngành điện thành phố trong giai đoạn tới?
Ông Luân Quốc Hưng: Thông điệp chúng tôi muốn gửi đến khách hàng dễ hiểu là 3M. Đối với chúng tôi khách hàng là trung tâm, khách hàng muốn gì ngành điện cũng đều đáp ứng hết, đúng nghĩa đáp ứng "mọi lúc, mọi nơi, mọi việc".
Về định hướng quan trọng nhất của ngành điện trong những năm tới vẫn là hoàn thành chuyển đổi số. Chúng tôi đã đưa ra kế hoạch chuyển đổi số trong giai đoạn 5 năm (2021 - 2025), song quan trọng nhất là hai năm đầu, trong đó năm 2021 đã hoàn thành. Để cơ bản trở thành doanh nghiệp số thì chúng tôi có gần 150 dự án.
Trong năm 2021, chúng tôi đã hoàn thành một nửa, sang năm 2022 đã có kế hoạch cụ thể từng danh mục nhiệm vụ cần thực hiện, giờ chỉ cần hoàn thành những hạng mục chính để trở thành doanh nghiệp số. Từ năm 2023 trở đi sẽ đi vào chiều sâu, ứng dụng cao vào trí thông minh nhân tạo, máy học... để việc vận hành càng hiệu quả hơn nữa.
Trong ngành điện có những thang đo quốc tế để đánh giá năng lực. Thang đo mà tổng công ty đã đạt được thời gian vừa rồi chỉ số tiếp cận điện năng - tức đánh giá về việc khách hàng có thể tiếp cận điện như thế nào? Theo thang đo này, ngành điện TP.HCM đã giúp Việt Nam đứng thứ 27/190 quốc gia và nền kinh tế.
Đối với thang đo chỉ số lưới điện thông minh, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đang đứng thứ 53/86 công ty điện lực thuộc 37 quốc gia có lưới điện thông minh trên thế giới.
Tính trong khu vực Đông Nam Á chỉ đứng sau Singapore, ngang hàng với Kuala Lumpur (Malaysia) và Bangkok (Thái Lan). Chúng tôi phấn đấu từ giờ đến năm 2025 đặt mục tiêu vào tốp 50. Mọi sự phấn đấu của chúng tôi đều hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, sự tiện lợi, hài lòng cho người dân.
PV: Cảm ơn ông!
4 trung tâm trong chuyển đổi số ngành điện lực TP.HCM:
Thứ nhất là tài sản: quản lý thiết bị điện.
Thứ hai là khách hàng: dịch vụ tốt, dịch vụ trực tuyến mọi lúc, mọi nơi.
Thứ ba là người lao động: thực hiện phương châm 3M (mọi lúc, mọi nơi, mọi việc), nghĩa là tạo dựng môi trường số để có thể giải quyết mọi công việc tại bất cứ nơi đâu, vào bất cứ lúc nào.
Cuối cùng là dữ liệu làm trung tâm: quá trình ra quyết định đều phải dựa trên dữ liệu thông qua các phân tích chuyên sâu từ quá khứ, hiện tại tới xu hướng tương lai.
|