Năng lượng tái tạo là xu hướng phát triển của thế giới. Việt Nam là nước có tiềm năng lớn phát triển ngành này.
Tập đoàn năng lượng Banpu (Thái Lan) có 90% doanh thu đến từ mảng kinh doanh khai thác than và vận hành các nhà máy nhiệt điện than. Là nhà sản xuất than lớn nhất Thái Lan nhưng giờ đây, Banpu cách đa dạng hóa nguồn thu nhập để giảm rủi ro phụ thuộc vào than khi giá của nhiên liệu hóa thạch này biến động thất thường
Giám đốc điều hành Banpu Somruedee Chaimongkol, nói: “Chúng tôi sẽ tích hợp than với năng lượng tái tạo nhằm tối đa hóa lợi nhuận và đáp ứng các yều cầu của xã hội”.
Năm ngoái, Banpu đã lắp đặt 150 MW công suất điện mặt trời. Banpu cũng sẽ chính thức đưa vào hoạt động một dự án điện mặt trời khổng lồ ở tỉnh Fukushima (Nhật Bản) vào cuối năm nay.
Tại Việt Nam, Bandu dự định xây dựng một dự án trang trại điện gió có công suất 80 MW ở tỉnh Sóc Trăng vào năm 2021. Chi phí đầu tư cho dự án vào khoảng 13 tỉ baht (408 triệu đô la). Đường bờ biển dài cho phép Việt Nam trở thành một trong những nơi lý tưởng nhất ở Đông Nam Á để phát triển các dự án năng lượng gió.
Trong khi đó, công ty điện lực nhà nước Tenaga Nasional ở Malaysia đang đầu tư phát triển năng lượng mặt trời. Hồi tháng 11 năm ngoái, công ty đưa vào vận hành một nhà máy điện mặt trời công suất 50 MW gần thủ đô Kuala Lumpur.
Chính phủ Malaysia đặt mục tiêu nâng đóng góp của năng lượng tái tạo lên mức 20% trong cơ cấu năng lượng quốc gia vào năm 2025.
Các nguồn năng lượng tái tạo chủ lực của ở Đông Nam Á cũng khác nhau nếu xét theo từng nước. Cũng giống như Indonesia, Philippines là nơi còn nhiều núi lửa hoạt động, do vậy, hai nước này có thể sản xuất mỗi nước gần 2 triệu kW công suất điện địa nhiệt/năm.
Thái Lan là nước dẫn đầu trong khu vực về sản xuất điện mặt trời với 2,7 triệu kW công suất điện mặt trời trong năm 2017. Con số này cao gấp 84 lần kể từ năm 2007.
Năm 2017, có tổng cộng 51,14 triệu kW điện được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo ở Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines, theo ước tính của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IREA). Con số này tăng 130% so với năm 2007 và tương đương mức sản lượng điện của 50 lò phản ứng hạt nhân. Sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á dự kiến tăng gấp ba lên con số 161,8 triệu KW vào năm 2025.
Theo: Kinh tế Sài Gòn Online