Nhiều người Texas phải tìm đến công viên nước để giải nhiệt giữa nắng nóng. Ảnh: New York Times.
“Vùng nắng nóng sẽ mở rộng ra phía bắc thành phố Kansas và toàn bộ bang Oklahoma, tiến vào thung lũng sông Mississippi, cũng như tới cả khu vực xa xôi về phía tây của vùng cán chảo Florida và một phần phía tây Alabama”, ông Bob Oravec, dự báo viên chính của Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ (NWS), cho biết.
Trong khi đó, Texas vẫn là tâm điểm nắng nóng với mức nhiệt lên tới 43 độ C. Ông Oravec dự báo trời sẽ chưa thể mát trước dịp lễ quốc khánh Mỹ 4/7, theo AP.
“Ở đây quá nóng”, bà Cori Iadonisi, cư dân thành phố Dallas, nói. Bà cho biết mình thường xuyên khuyên bạn bè tới quê nhà Washington để tránh nóng.
“Bạn không thể đi ra ngoài. Bạn không thể đi bộ”, bà phàn nàn.
Hiệu ứng vòm nhiệt
Hiện tượng “vòm nhiệt” (heat dome) xảy ra khi một khối khí áp suất cao quanh quẩn ở một khu vực và không di chuyển đi nơi khác, CNN giải thích.
Do áp suất cao, thời tiết thường tương đối quang đãng - ít mây, nhiều nắng. Không khí cũng có xu hướng hạ xuống và ấm lên, khiến nhiệt độ tăng cao. Bên cạnh đó, vùng áp cao còn ngăn không khí nóng thoát ra, khiến tình hình thêm trầm trọng.
Hầu hết mức nhiệt kỷ lục được ghi nhận khi hiện tượng vòm nhiệt xảy ra. Hiện tượng này được dự báo sẽ tăng tần suất và cường độ do biến đổi khí hậu.
Vòm nhiệt không phải hiện tượng hiếm gặp trên thế giới. Trong đợt nắng nóng kỷ lục năm 2003, khoảng 30.000 người châu Âu đã thiệt mạng khi thời tiết trở nên cực đoan vào tháng 7-8. Nhiệt độ ở nhiều nơi vượt ngưỡng 40 độ C. Nắng nóng không chỉ xảy ra vào ban ngày mà còn cả vào ban đêm.
Tới năm 2015, hơn 2.000 người thiệt mạng tại Ấn Độ khi một đợt nắng nóng kéo dài trong nhiều tuần, có nơi ghi nhận nhiệt độ tới 48 độ C. Một số tuyến đường tại Delhi thậm chí chảy nhựa do quá nóng.
Cảnh báo nhiệt tại Mỹ hôm 26/6. Đồ họa: CNN.
Vòm nhiệt còn có thể đem nắng nóng tới xứ lạnh. Trong tháng 6 này, vùng Siberia (Nga) ghi nhận mức nhiệt kỷ lục tới 38 độ C, theo CNN,
Ngay cả nước Mỹ cũng không lạ gì sự tàn phá của các vòm nhiệt. Hơn 700 người đã thiệt mạng tại Chicago và khu vực lân cận năm 1995 khi một vòm nhiệt bao phủ miền Trung Tây nước Mỹ. Tuy nhiệt độ chưa đến 40 độ C, chỉ số nhiệt lên tới hơn 50 độ C. Nhiều người chết do nhiệt độ ban đêm cũng quá nóng, khiến cơ thể không kịp hồi phục.
Đối với đợt nóng hiện nay, giáo sư John Nielsen-Gammon, chuyên gia khí hậu của chính quyền bang Texas, nhận định áp suất không khí cao, nhiệt lượng từ Mặt Trời kết hợp với luồng gió nóng hơn bình thường thổi từ vịnh Mexico đã gây ra vòm nhiệt.
Ông Nielsen-Gammon cho biết thời điểm này trong năm là lúc vòm nhiệt thường xảy ra vì Mặt Trời không còn gay gắt vào tháng 7-8 sau khi đã qua hạ chí ngày 21/6.
“Một trong những điểm bất thường với làn sóng nhiệt lần này là chúng ta đã có tháng 4-5 tương đối ẩm. Thông thường, lượng ẩm bổ sung này đóng vai trò như điều hòa”, vị giáo sư giải thích. “Tuy vậy, lớp không khí phía trên quá nóng khiến tình trạng nắng nóng không thể bị ngăn chặn”.
Nguy cơ sức khỏe
Tình trạng nắng nóng gay gắt gây ra nguy cơ lớn với các nhóm người dễ bị tổn thương như trẻ em, người già hay công nhân làm việc ngoài trời. Một số dấu hiệu đổ bệnh do nắng nóng có thể kể đến như ra mồ hôi đầm đìa, buồn nôn, hoa mắt chóng mặt và choáng.
Bà Cecilia Sorensen, phó giáo sư tại trung tâm y khoa thuộc Đại học Columbia (Mỹ), chỉ ra khí hậu nóng lên khiến nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới nắng nóng ngày một lớn. Bà cũng cho rằng nắng nóng thể hiện sự bất bình đẳng về y tế.
“Đây là một trong những ví dụ cho thấy nếu bạn đủ giàu có để mua điều hòa, bạn sẽ an toàn hơn. Đây là vấn đề bình đẳng y tế khí hậu tương đối lớn”, bà Sorensen nói.
Một nhân viên bảo vệ tại Arlington, Texas uống nước để giải nhiệt giữa nắng nóng. Ảnh: AP.
Giới chức Mỹ cho biết hàng chục triệu người đang bị đặt dưới cảnh báo nắng nóng. Hồi cuối tuần trước, cơ quan vận hành lưới điện Texas phải kêu gọi người dân cắt giảm sử dụng điện do lo ngại nhu cầu có thể lập kỷ lục mới.
Dữ liệu từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho thấy nhiệt độ cao nhất ngày trung bình tại Texas đã tăng tới 2,4 độ C từ năm 1993 đến nay.
Nắng nóng không phải thiên tai duy nhất mà nước Mỹ mới phải đối mặt. Hôm 25/6 vừa qua, một trận bão càn quét qua Arkansas, Tennessee và một số bang khác của Mỹ, khiến ba người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người bị mất điện. Các hiện tượng thời tiết cực đoan được dự báo tiếp tục tăng tần suất do biến đổi khí hậu.
“Dù (hiện tượng vòm nhiệt) vẫn thường xảy ra, chúng đang ngày càng tồi tệ. Đây là điều chắc chắn”, ông Michael Wehner, chuyên gia khí tượng tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley (Mỹ), nói với Guardian.
Link gốc