Chuyện những "người nhện" truyền tải điện

Thứ hai, 22/8/2022 | 10:30 GMT+7
Với lao động ngành truyền tải điện, để lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa đường dây cao thế, các anh thường xuyên phải trèo lên những trụ điện cao và treo mình cả ngày giữa không trung.

Việc kiểm tra tình trạng các cột và khả năng vận hành của tuyến truyền tải điện được thực hiện thường xuyên để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện cao áp.
 
Xa dây, xa cột lại nhớ nghề
 
Từ lâu, đường dây điện cao thế đã trở thành biểu tượng về sự phát triển của đất nước. Những cột điện khổng lồ, cao vút, in lên nền trời, kéo đường dây chạy dài tít tắp, đem ánh sáng văn minh tới các đô thị lớn, về tận những bản làng xa xôi của tổ quốc.
 
Ít ai hiểu rằng, phía sau ánh hào quang ấy là sự nguy hiểm, khó khăn, gian khổ của những người làm nghề truyền tải điện. Bất kể ngày đêm, cứ đến hẹn là người thợ lại khăn gói, bắt đầu hành trình dọc tuyến đường dây, dù trên đỉnh núi cao hay giữa rừng sâu.
 
Anh Đoàn Mạnh Hùng (50 tuổi), công nhân quản lý vận hành đường dây bậc 7/7, Đội truyền tải điện Đồng Hới, thuộc Truyền tải điện Quảng Bình đã có thâm niên 30 năm gắn bó với công việc duy tu, bảo dưỡng và vận hành đường dây siêu cao áp.
 
Suốt nhiều năm qua, dù không phải hướng dẫn viên cho các tour mạo hiểm, nhưng anh Hùng và những lao động truyền tải điện vẫn thường xuyên trekking, leo núi, vượt đồng bằng… theo sát đường dây.

Anh Hoàng Duy Khánh, công nhân quản lý vận hành đường dây bậc 6/7, thuộc Đội truyền tải điện Lệ Thủy (bên trái) cùng đồng nghiệp sử dụng flycam kiểm tra đường dây. Nhờ khoa học kỹ thuật, công việc của lao động ngành điện sẽ đỡ vất vả hơn.
 
Theo anh Hùng, tối thiểu mỗi tháng một lần, anh và đồng nghiệp phải thực hiện nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng đường dây điện trong khu vực mình quản lý. Bên cạnh đó, việc kiểm tra tình trạng các cột và sự vận hành của tuyến được thực hiện thường xuyên là để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện siêu cao áp 220 - 500kV.
 
"Người ta vẫn hay nói đùa, nghề của chúng tôi là "trụ cột quốc gia", bởi chúng tôi đu dây, bám cột cả ngày. Với đặc thù của đường điện cao thế, cột điện được làm không bám đường bộ mà cứ chạy thẳng tắp, mặc phía dưới là gì. Ở đâu có cột điện là ở đó có chúng tôi. Nghề truyền tải thì luôn vất vả, nguy hiểm, nhưng làm lâu cũng quen, xa dây, xa cột lại nhớ nghề ngay", anh Hùng chia sẻ.
 
Anh Hoàng Duy Khánh, công nhân quản lý vận hành đường dây bậc 6/7, thuộc Đội truyền tải điện Lệ Thủy cũng đã ngót nghét 17 năm trong nghề. Anh Khánh chia sẻ, các cột điện cao thế thường băng qua rừng, lọt giữa nơi hoang vu, ngự trên đỉnh núi... nên việc tiếp cận hết sức vất vả, có những lúc phải đi bộ cả ngày mới tới được vị trí cột điện cần sửa chữa, rồi trèo lên những cột điện cao cả trăm mét.
 
Khi sửa chữa đường dây, thợ điện như những "người nhện", treo mình giữa không trung, để đảm bảo không có đoạn cáp nào bị sờn hay có nguy cơ đứt, để đường truyền tải điện luôn thông suốt.
 
Bữa ăn vội ngay trên đỉnh cột
 
Với người làm truyền tải, làm việc trong điều kiện thời tiết nào, dù nắng hay mưa cũng đều vất vả khi luôn phải treo mình giữa không trung, không có phương tiện che chắn. Có những lúc mệt lả vì đi 1km trên cáp có khi mất cả tiếng.
 
Theo các lao động truyền tải điện, những lúc kiểm tra trên dây, kỹ sư, công nhân thường theo nhóm công tác 3 - 4 người cùng đi để hỗ trợ nhau nếu có sự cố và trao đổi công việc cho đỡ căng thẳng.
 
"Ngồi trên dây những ngày gió lớn cứ chao đảo như đu võng trên độ cao cả trăm mét. Lúc đó rất dễ có cảm giác như say sóng nhưng vẫn phải làm. Nghề của chúng tôi không dành cho người sợ độ cao, có bệnh lý về tim hay huyết áp. Chưa kể mỗi lần trèo lên cột mất rất nhiều thời gian, thế nên việc ăn trưa ngay trên đỉnh cột điện cao thế là... thường xuyên", anh Đoàn Mạnh Hùng chia sẻ thêm.
Những bữa ăn vội của lao động truyền tải điện trên đỉnh cột điện cao thế.
 
Công việc của lao động truyền tải điện thật sự đòi hỏi "tinh thần thép" bởi lẽ khi sự cố xảy ra, đó là người trực tiếp sửa chữa trên cột. Nhìn từ dưới lên, những cột điện trông có vẻ bình thường, nhưng cột điện 500kV có khi cao gần 100m, trung bình cũng phải 60m, bằng tòa nhà 15-16 tầng.
 
Những hôm nắng gắt, nóng hầm hập, nghỉ ngơi cũng phải cheo leo trên đường dây, trên cột điện, rất dễ hoa mắt, lộn nhào xuống. Song, thợ đường dây sợ nắng không bằng sợ mưa, bởi chỉ cần thoáng thấy dấu hiệu mưa, dù đã trèo lên cao rồi nhưng cũng phải xuống ngay lập tức, phòng nguy cơ sấm sét.
 
Ngoài ra, việc duy tu bảo dưỡng đường dây thường hết sức gấp rút vì phải tuân thủ các quy định, đảm bảo căn đúng thời gian cắt, đóng điện. 
 
"Anh em ngành truyền tải điện khi lên cột sửa chữa, mùa nắng nóng thì mất nước nhanh, mùa đông thì gió rít buốt da thịt, đang làm mà gặp cơn mưa thì mọi công việc đều trở ngại. Cũng vì đặc thù của lưới điện siêu cao áp nên việc bảo trì hay sửa chữa luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, biện pháp an toàn", anh Hoàng Duy Khánh nói về nghề của mình.
 
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Lâm - Giám đốc Truyền tải điện Quảng Bình cho biết, đơn vị hiện có hơn 120 cán bộ, nhân viên, trong đó khoảng 100 người là lao động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, vận hành đường dây, trạm biến áp.
 
Công việc truyền tải điện hết sức vất vả và nguy hiểm, đòi hỏi các cán bộ, nhân viên luôn phải tuân thủ quy trình quy phạm, đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động.
 
Truyền tải điện Quảng Bình cũng thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống cán bộ, công nhân viên, động viên người lao động cùng nhau vượt khó khăn. Sự quan tâm thấu đáo cũng như việc nghiêm khắc thực hiện các biện pháp an toàn sẽ giúp lao động ngành điện an tâm bám nghề, thực hiện công việc nghiêm túc.
 
Từ đó, những "người nhện" ngành truyền tải sẽ đảm bảo lưới điện luôn vận hành thông suốt, cung cấp điện liên tục, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và an ninh quốc phòng, cũng như cuộc sống của người dân.

Truyền tải điện Quảng Bình hiện đang quản lý hơn 388,86km đường dây 500kV mạch 1, mạch 2 và mạch 3, trong đó có 146,09km đường dây 500kV mạch kép; 181,79km đường dây 220kV trong đó có 69,7 km đường dây 220kV mạch kép.
 
Theo: Dân Trí