Công ty cổ phần - xã hội hóa đầu tư
Xã hội hóa đầu tư là việc Nhà nước tạo ra thời cơ thuận lợi để mọi người, mọi tổ chức có thể thực hiện được ý tưởng đầu tư của mình, làm cho họ trở thành chủ nhân thật sự của nền kinh tế. Xã hội hóa đầu tư nhằm khai thác tiềm năng sáng tạo của toàn xã hội, tiềm năng chất xám của toàn xã hội được huy động trong nền kinh tế, làm cho kho tàng chất xám của xã hội ngày càng phong phú.
Xã hội hóa đầu tư tạo nên cơ hội huy động vốn phong phú, đa dạng, tạo ra cơ hội sử dụng nguồn lực xã hội một cách linh hoạt và hiệu quả. Xã hội hóa đầu tư thật sự là thực hiện dân chủ hóa nền kinh tế, người lao động có cơ hội trở thành người chủ thật sự, có cơ hội giám sát các hoạt động quản lý, cho phép tìm ra người quản lý tốt nhất, hiệu quả nhất, tạo ra động lực mới cho sự phát triển của toàn xã hội.
Công ty cổ phần là công cụ hữu hiệu thực hiện xã hội hóa đầu tư, mọi cá nhân, tổ chức, không trừ một ai đều có được cơ hội như nhau để thực hiện ý tưởng đầu tư với thủ tục hết sức đơn giản là mua cổ phần của công ty cổ phần, khi đó họ là cổ đông và có khả năng thể hiện ý chí của mình thông qua đại hội đồng cổ đông.
Chuyển nhượng cổ phần
Để việc mua cổ phần được dễ dàng, thuận lợi, luật pháp đã quy định các cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần cho người khác (trừ một số trường hợp và điều kiện pháp luật quy định nhằm bảo vệ lợi ích người mua). Quy định cổ đông tự do chuyển nhượng cổ phần đã tạo nên thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Luồng vốn đầu tư xã hội sẽ được luân chuyển trên thị trường, điều đó tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư thay đổi, điều chỉnh mục tiêu đầu tư hết sức dễ dàng, tạo cho những ai có ý tưởng đầu tư vào một lĩnh vực nào đó, có điều kiện thực hiện ý tưởng đầu tư của mình thông qua việc mua cổ phần đến mức đủ lớn để có thể điều hành được công ty.
Nếu như giá trị doanh nghiệp được xác định chính xác, hợp lý, thì việc một số người nào đó có thể trả giá rất cao cổ phần của công ty nào đó để có quyền sở hữu và điều hành công ty cổ phần là việc hết sức bình thường. Việc thay đổi các cổ đông trong công ty cổ phần cũng là điều bình thường, đó là dấu hiệu phát triển công ty. Việc chuyển nhượng cổ phần một cách thuận lợi chính là tạo điều kiện cho công ty cổ phần thu hút được năng lực đầu tư của xã hội: tiền vốn và tri thức.
Từ thực tế nêu trên cho thấy, Nhà nước cần tạo cơ chế bán, mua cổ phần hết sức thuận lợi cho người dân thực hiện.
Việc chuyển nhượng cổ phần giữa các cổ đông có thể được tiến hành bằng hình thức trực tiếp và gián tiếp.
Chuyển nhượng trực tiếp
Các cổ đông có thể chuyển nhượng cổ phần cho nhau, cho người khác ngoài công ty thông qua việc trao đổi trực tiếp, ở đây người mua có điều kiện trực tiếp xác định, đánh giá chất lượng hàng hóa, và trực tiếp trả giá cho người bán. Hành vi chuyển nhượng này do hai bên mua bán tự thỏa thuận theo quy định giao dịch dân sự.
Để bảo vệ lợi ích cho người mua cổ phần là người không tham gia thành lập công ty cổ phần, không biết được thực trạng công ty khi mới thành lập, luật doanh nghiệp đã quy định điều kiện hạn chế đối với người bán là những cổ đông sáng lập công ty. Khoản 1 Điều 58 Luật doanh nghiệp quy định: Trong thời hạn ba năm đầu, kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các cổ đông sáng lập phải cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% số cổ phần phổ thông được quyền chào bán. Cổ phần phổ thông của các cổ đông sáng lập có thể chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông nếu được sự chấp thuận của đại hội đồng cổ đông. Cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó. Sau thời hạn ba năm các quy định này hết hiệu lực.
Quy định các cổ đông sáng lập phải cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% số cổ phần phổ thông có quyền chào bán là quy định bắt buộc có tính cứng nhắc để ràng buộc nghĩa vụ vật chất của các cổ đông sáng lập đối với người mua, tránh tình trạng tuyên truyền lừa đảo để thu hút người mua.
Quy định chuyển nhượng cổ phần cho người ngoài công ty là quy định mềm mang tính thỏa thuận giữa các cổ đông trong công ty. Việc thỏa thuận này có thể được quy định trong điều lệ công ty hoặc trong nghị quyết họp đại hội đồng cổ đông. Như vậy, các cổ đông sáng lập có thể quy định một số người phải giữ đủ 20% số cổ phần hoặc quy định mỗi người phải giữ 20% cổ phần. Do vậy, khi đánh giá sự vi phạm về việc chuyển nhượng cổ phần trong ba năm đầu của công ty cổ phần cần xem xét ba điều kiện sau:
Cổ đông sáng lập là ai? Tổng số cổ phần các cổ đông sáng lập sở hữu trong suốt thời gian ba năm đầu có dưới 20% hay không? Việc chuyển nhượng có đúng điều lệ không?
Nếu các công ty cổ phần được thành lập trước khi Luật doanh nghiệp có hiệu lực thì phải căn cứ vào điều lệ công ty và luật công ty, việc vận dụng Luật doanh nghiệp không được áp đặt để hồi tố mà chỉ là một sự giải thích.
Luật công ty không định nghĩa sáng lập viên thì không thể áp đặt khái niệm sáng lập viên trong Luật doanh nghiệp để suy luận xác định lỗi của công ty hay lỗi của các cổ đông. Khi đó chỉ căn cứ vào điều lệ để xác định việc chuyển nhượng cổ phần có phù hợp với điều lệ hay không.
Việc chuyển nhượng gián tiếp
Các công ty cổ phần được bán cổ phần trên thị trường chứng khoán phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt về tính minh bạch tài chính, về khả năng sinh lời, phải được Ủy ban Chứng khoán thẩm định và phải tuân thủ các quy tắc kiểm toán theo pháp luật về chứng khoán.
Những quy định chặt chẽ này nhằm mục đích bảo vệ lợi ích cho người mua, vì khi các công ty niêm yết bán cổ phần trên thị trường thì người mua không có điều kiện trực tiếp kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng hóa. Sự can thiệp của Nhà nước trong việc thẩm định các công ty cổ phần đăng ký bán cổ phần là một chứng thực tin cậy để người mua trả giá mua hàng. Người mua thực hiện việc mua cổ phần chỉ qua các thông tin đã được Nhà nước kiểm định, người mua không nhìn thấy hàng hóa cụ thể, nếu các thông tin này bị sai lệch thì có rất nhiều rủi ro đối với người mua. Điều này cho thấy pháp luật về chứng khoán cần phải hết sức cụ thể, phải được thực hiện đầy đủ để bảo vệ lợi ích cộng đồng người mua.