Quản lý năng lượng

Cơ hội đầu tư dài hạn vào thủy điện: Thủy điện Srok phu Miêng bán đấu giá cổ phiếu

Thứ năm, 20/12/2007 | 10:07 GMT+7

Ngày 17/12, Công ty cổ phần thủy điện Srok Phu Miêng IDICO tổ chức bán đấu giá 3 triệu cổ phiếu đợt 1 tại Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM. Mức giá khởi điểm là 16.500 đồng/cổ phiếu, giá trúng thầu thấp nhất là 28.500 đồng/cổ phiếu, cao nhất 37.600 và giá bình quân 28.518 đồng/cổ phiếu, tổng số cổ phiếu đã bán 3 triệu cổ phiếu.

Thủy điện Srok Phu Miêng IDICO là dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam(IDICO) làm chủ đầu tư. Tổng vốn của dự án 65 triệu USD. Nhà máy thủy điện Srok Phu Miêng được khởi công xây dựng vào tháng 11/2003 trên diện tích rộng 1.914 ha tại Thôn 7, xã Long Bình, huyện Phuớc Long tỉnh Bình Phước. Srok Phu Miêng là công thành thủy điện đầu tiên mà IDICO xây dựng và quản lý vận hành, công suất thiết kế của nhà máy với 2 tổ máy đạt 51 MW, mỗi tổ máy có công suất là 25,5 MW.

Sau 3 năm xây dựng đến tháng 12/2006, nhà máy thủy điện Srok Phu Miêng đã chính thức đưa cả 2 tổ máy đi vào phát điện phát huy hết công suất thiết kế. Tính đến thời điểm đầu tháng 10, tổng tài sản của Thủy điện Srok Phu Miêng là trên 1.044 tỷ đồng. Theo thống kê sau 9 tháng đầu tiên đi vào hoạt động, tổng doanh thu nhà máy thủy điện từ việc từ dịch vụ bán điện thành phẩm và cung ứng dịch vụ đạt được là trên 115 tỷ đồng. Nộp ngân sách đạt gần 15 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế là hơn 30 tỷ đồng, dự báo doanh  thu năm 2077 sẽ đạt 145 tỷ đồng. Năng lực sản xuất của nhà máy của năm 20007 đã vượt so với chỉ tiêu ban đầu của dự án đề ra, đến đầu tháng 12/2007 nhà máy đã sản xuất được 245 triệu kWh, trong khi đó kế hoạch là 228 triệu kWh.

Các hoạt động kinh doanh chủ yếu của Công ty cổ phần Thủy điện Srok Phu Miêng ngoài việc sản xuất, kinh doanh điện năng công ty sẽ triển khai hoạt động thi công xây dựng các công ty dân dụng, công nghiệp, giao thông thủy lợi, thủy điện, đường dây và trạm biến thế điện, đầu tư xây dựng và kinh doanh các dự án cấp điện nước, đào tạo tư vấn giám sát xây dụng và lắp đặt nhà máy điện...

Tại Quyết định số 1377/QĐ-BXD ngày 7/11/2007, Bộ Xây dựng đã phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển đổi Nhà máy thủy điện Srok Phu Miêng Idico thành công ty cổ phần với vốn điều lệ là 450 tỷ đồng. Chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Nhà máy Thủy điện Srok Phu Miêng Idico chọn hình thức bán một phần vốn nhà nước hiện có kết hợp với việc phát hành cổ phiếu nhằm thu hút thêm vốn đầu tư.

Trong đợt phát hành cổ phiếu đợt 1, Công ty CP thủy điện Srok Phu Miêng Idico sẽ phát hành 45 triệu cổ phần. Mệnh  giá của mỗi cổ phần là 10.000 (cổ phần. Trong đó, cổ phần nhà nước nắm giữ là 22.950.000 cổ phần chiếm 51% vốn điều lệ Còn lại 49% vốn điều lệ trong đương  với 22.050.000 cổ phần sẽ được bán lẻ ra công chứng. Trong tổng số cổ phần chiếm 49% vốn điều lệ có 34.450 cổ phần (chiếm 0,08 vốn điều lệ) sẽ bán theo giá ưu đãi cho cán bộ công nhân viên của công ty; 11.500.000 cổ phần (chiếm 22,55% vốn điều lệ) dành cho các nhà đầu tư tham gia huy động vốn đối ứng cho Tổng công ty IDICO trong quá trình xây dụng Nhà máy thủy điện Srok Phu Miêng. Còn lại 10.515.000 cổ phần còn lại (chiếm 23,37% vốn điều lệ) sẽ bán đấu giá công khai.

Trong lần bán đấu giá đợt 1 vào ngày 17/12, công ty bán hết 3 triệu cổ phần (chiếm 6,67% vốn điều lệ) đưa ra đấu giá, phần 7.515.550 cổ phần còn lại của tổng số cổ phần bán đấu giá công khai sẽ được Công ty CP nhà máy thủy điện Srok Phu Miêng tiếp tục đưa ra đấu giá sau khi chọn được thời điểm thích hợp nhất. Kết quả của đợt đấu giác 5 nhà đầu tư trong nước gồm 1 tổ chức và 4 cá nhân trúng thầu với tổng trị giá 85.554.740.000 đồng. Theo kế  hoạch, công ty sẽ chính thức đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn vào tháng 3/2008 tới đây.

Tất cả sản lượng điện thành phẩm của Nhà máy thủy điện Srok Phu Miêng thuộc EVN bao tiêu thụ. Hiện nay, nhu cầu điện năng đang tăng nhanh. Theo đánh giá nhu cầu điện mỗi năm tăng thêm từ 15%- 17%/năm tương đương với khoảng 1.700 - 2.000 MW/năm, do đó hoạt động sản  xuất kinh doanh của nhà máy sẽ ít bị ảnh hưởng của thị trường điện năng.

So với các dự án sản xuất nhiệt điện và điện gió, thủy điện là mô hình ít tốn chi phí đầu tư nhất. Giám đốc Nhà máy thủy điện Srok Phu Miêng, ông Nguyễn Văn Dinh cho biết: Với tính chất là nhà máy mới đi vào hoạt động vì vậy 5 năm đầu tiên nhà máy phải khấu hao chi phí sản xuất, trả tiền vốn vay nên nguồn lợi nhuận không cao. Tuy nhiên, từ năm thứ 9 trở đi mức lợi nhuận sẽ tăng nhanh do máy móc đã được khấu hao hết. 

Theo TBKTVN