Trong 20 phiên giao dịch trở lại đây, mỗi phiên bình quân PPC được giao dịch với lượng cổ phiếu tương đối lớn khoảng 1.200.000 CP/phiên với giá trị giao dịch hơn 20 tỷ đồng. Tính thanh khoản của cổ phiếu này được đánh giá là khá cao và nhiều Cty chứng khoán vẫn đưa ra các nhận định tươi sáng bên cạnh các khuyến nghị nên đầu tư trong khi không ít cổ đông nội bộ, cổ đông lớn đang bán ra với khối lượng không nhỏ.
Cơ hội mua vào ?
Việc Bảo Việt Nhân Thọ bán hết số cổ phiếu PPC đang nắm giữ hay quỹ đầu tư chứng khoán Bảo Việt cũng bán hết 1,5 triệu cổ phiếu PPC và thoái vốn khỏi Nhiệt điện Phả Lại đang trở thành cơ hội để nhiều nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục bằng việc mua vào PPC.
Mặc dù phương án bán than cho Nhiệt điện Phả Lại mà Tập đoàn Than và Khoáng sản VN mới đây còn chưa ngã ngũ song việc than tăng giá sẽ chỉ còn một sớm một chiều. Hiện tại, giá than bán cho ngành điện khoảng 442.000 đồng/tấn đối với than cám 4b và 405.000 đồng/tấn đối với than cám 5 song theo phương án mới hai loại nói trên được xác định là 1,11 triệu đồng/tấn và 960.000 đồng/tấn. Mức tăng nhiên liệu gấp gần 3 lần nói trên (than 4a) và gấp hơn hai lần (than cám 5) có thể khiến giá bán điện tăng khoảng 17%, theo tính toán của một số chuyên gia. Mặc dù phương án trên đang bị ngành điện phản đối rất mạnh nhưng điều chắc chắn sẽ tăng giá. Một số nhà đầu tư cho rằng họ đang nghe ngóng mặc dù giá bán điện hiện thực hiện theo cơ chế điều chỉnh theo chi phí đầu vào song ít nhiều Nhiệt điện Phả Lại cũng sẽ bị tác động. Nguyên do là 53% chi phí giá thành sản phẩm của Nhiệt điện Phả Lại là than và dầu FO. Trong đó than chiếm 94% và dầu chiếm 6%. Như vậy than chiếm xấp xỉ 50% chi phí trong giá thành sản phẩm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, việc tăng giá than bên cạnh việc có thể gây ảnh hưởng tới hoạt động DN cũng là cơ hội để mua vào cổ phiếu PPC và nguyên nhân nằm ở lượng nhiên liệu tồn kho. Bởi khi giá bán than mới được áp dụng, giá bán điện tăng nhưng lượng than tồn kho mua theo giá cũ và được sử dụng vào giai đoạn nhiên liệu đã tăng giá sẽ làm gia tăng lợi nhuận. Đây là thời điểm có thể đón bắt để "lướt sóng" kiếm lời theo kiểu ngắn hạn. Than tăng giá cũng ẩn chứa cơ hội nếu biết nắm bắt thời cơ.
Hưởng lợi từ JPY
Tuy vậy nguyên cớ của việc PPC lên giá và giao dịch mạnh trong những ngày gần đây được đánh giá là có nguồn gốc sâu xa từ chính sách tiền tệ của Nhật Bản. Trong khoản vốn vay khá lớn đầu tư cho dự án Nhiệt điện Phả Lại hiện DN này còn nợ hơn 34 tỷ Yên đang phải trả dần. Mặc dù được vay theo diện ưu đãi lãi suất thấp song biến động tỷ giá giữa VND và JPY lại khiến kết quả kinh doanh của Nhiệt điện Phả Lại bị ảnh hưởng rất lớn.
Tính trong 3 năm từ 2007 tới 2009, Nhiệt điện Phả Lại phải trích lập dự phòng tỷ giá lên tới trên 2.300 tỷ đồng. Đặc biệt năm 2008, Nhiệt điện Phả Lại trích lập dự phòng chi phí cho khoản vay nói trên hơn 1.543 tỷ đồng khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng. Theo một số Cty chứng khoán nhận định, năm 2010, Nhiệt điện Phả Lại sẽ phải trích lập dự phòng tỷ giá xấp xỉ 600 tỷ đồng.
Trong các năm 2007, 2008 và 2009, JPY là đồng tiền có mức biến động tỷ giá so với VND khá thất thường. Mức biến động tỷ giá JPY/VND của năm 2008 là 29,5%. Bước sang 2009, tháng 3/2009 ở khoảng 180 VND/JPY thì cuối năm tỷ giá này là trên 200 VND/JPY, trượt thêm hơn 10%. Chính vì tỷ giá ảnh hưởng rất lớn nên, mới đây khi Bộ Tài chính Nhật Bản tuyên bố, sẽ duy trì chính sách tiền tệ với “JPY yếu để thúc đẩy xuất khẩu” đã thổi một luồng hi vọng cho các nhà đầu tư bỏ tiền vào cổ phiếu PPC.
Trên sàn chứng khoán, PPC đang được đánh giá là cổ phiếu có tính thanh khoản tốt tuy có yếu thế hơn một số cổ phiếu thuỷ điện khác do đặc thù sản xuất. Doanh thu của Nhiệt điện Phả Lại theo dự báo sẽ giảm khoảng 15% trong năm 2010 do tổ máy số 5 ngừng hoạt động để bảo dưỡng trong 104 ngày theo dự kiến. Cty chứng khoán Artex dự tính EPS của cổ phiếu PPC trong năm 2010 là 1.900 đồng, thấp hơn so với 2009 còn một số chuyên gia chứng khoán thì đánh giá rằng EPS của PPC có thể đạt 3.000 đồng nếu không bị tác động của khoản vốn vay quá lớn và tỷ giá.
Động thái mua vào của nhiều nhà đầu tư cổ phiếu PPC trên sàn chứng khoán hiện nay đúng với quan điểm của Tiến sĩ Phạm Kinh Luân - trưởng nhóm phân tích Cty chứng khoán Kenanga - "đầu tư vì tương lai tươi sáng chứ không vì quá khứ huy hoàng hay đen tối" bởi nếu Nhật Bản thực hiện phương án JPY yếu thì nhà đầu tư sẽ có lợi mặc dù JPY "yếu" tới mức nào thì chưa ai dự báo chính xác được và điều này cũng phụ thuộc không nhỏ vào chính sách thắt chặt quản lý tiền tệ của VN.