Quản lý năng lượng

Còn lãng phí năng lượng trong các tòa nhà mới xây dựng ở Việt Nam

Thứ tư, 14/12/2016 | 16:09 GMT+7
Những năm gần đây, các tòa nhà văn phòng và nhà ở có tốc độ tăng trưởng cao nhất và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các công trình xây dựng. 

 Cùng với các quy định pháp luật thì tư duy và khả năng đầu tư của ông chủ có tính quyết định đối với việc TKNL trong các công trình, tòa nhà xây dựng mới ở Việt Nam. Ảnh minh họa.
 
Tiêu thụ năng lượng trong khu vực này cũng gia tăng nhanh cùng với sự tăng trưởng về số lượng và quy mô của các tòa nhà. Ở nhiều quốc gia, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được tính đến ngay từ khi có ý tưởng thiết kế các công trình xây dựng, nhưng ở Việt Nam còn chưa được quan tâm đúng mức, do nhiều nguyên nhân.
 
Tại hội thảo “Giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL) cho các tòa nhà ở Việt Nam” được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng cho rằng, việc sử dụng năng lượng ở các tòa nhà xây dựng hiện nay còn nhiều bất cập, gây thất thoát, lãng phí, hiệu quả sử dụng năng lượng thấp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hệ thống các văn bản chính sách về tiết kiệm năng lượng chưa đồng bộ. Một số quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn hướng dẫn kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng nói chung và các công trình xây dựng nói riêng còn thiếu. Ngay cả Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 09:2013/BXD (QCVN) về các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả được Bộ xây dựng ban hành và được áp dụng cho các công trình xây dựng từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa đi vào thực tế. Theo ông Nguyễn Công Thịnh, nếu tuân thủ chặt chẽ các quy định của Quy chuẩn 09 trong thiết kế và vận hành các công trình sẽ tiết kiệm từ 14-36% tổng năng lượng tiêu thụ. Do đó, cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 09 về các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả.
 
"Không chỉ giai đoạn cấp phép mà giai đoạn kiểm tra nghiệm thu rất quan trọng bởi vì nghiệm thu các trang thiết bị công trình mà không đáp ứng các yêu cầu về TKNL thì khi công trình  đi vào hoạt động trong nhiều năm sẽ rất gây lãng phí về năng lượng"- ông Thịnh cho biết.
 
Theo tính toán, hệ thống làm mát và chiếu sáng trong các công trình xây dựng là khu vực tiêu tốn nhiều năng lượng nhất, lên tới ¾ tổng lượng năng lượng tiêu thụ trong các tòa nhà. Vì thế, nhiều quy định của Quy chuẩn 09 cũng đã chỉ rõ việc “giảm nhu cầu làm mát và chiếu sáng nhân tạo bằng cách thiết kế lớp vỏ công trình sao cho giảm được lượng bức xạ nhiệt, đồng thời, tối đa hóa việc sử dụng ánh sáng tự nhiên”, hay  “cung cấp hệ thống làm mát và chiếu sáng hiệu quả bằng cách bắt buộc sử dụng hệ thống làm mát và thông gió tối ưu, kiểm soát chiếu sáng, quy định công suất chiếu sáng tối đa theo độ rộng công trình”… Tuy nhiên, theo bà Lý Thị Thúy Hương - Phó trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP.HCM, không phải công trình nào cũng được chủ đầu tư và các ban ngành chức năng quan tâm, coi trọng việc áp dụng các yêu cầu đặt ra tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 09 về các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả.
 
"Đối với các tòa nhà mới xây dựng thì phải tuân thủ Quy chuẩn 09/2013 ngay từ lúc xin phép xây dựng. Bắt buộc ngay khi xây dựng, trong thiết kế phải tính toán đến vấn đề cách nhiệt cho công trình hoặc sử dụng năng lượng thấp, nhưng tùy theo các địa phương.. Ở các thành phố lớn thì việc tuân thủ tốt hơn, nhưng ở các địa phương khác thì cũng chưa được tuân thủ lắm. Nếu các chủ đầu tư, các sở xây dựng mà quyết liệt trong việc bắt buộc các tòa nhà xây mới thì sẽ giải quyết được vấn đề sau này lại phải đi cải tạo để TKNL hơn, chi phí rất tốn kém"- bà Hương cho biết.
 
Nhằm nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng trong tòa nhà, đặc biệt là các tòa nhà xây mới, các chuyên gia cho rằng cần có những giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách. Trong đó, phải xây dựng được một đội ngũ tư vấn thiết kế có đầy đủ năng lực tư vấn thiết kế cho các tòa nhà mới ở Việt Nam. 
 
Theo ông Phan Tuấn Anh - quản lý kỹ thuật của Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam” - dự án do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Chương trình Phát triển liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, Việt Nam cần quan tâm và tuân thủ các chính sách về dán nhãn TKNL, qua đó kiểm soát được lượng năng lượng tiêu thụ qua các thiết bị. Đồng thời, cũng quan tâm tới các tòa nhà có quy mô nhỏ, thay vì chỉ quan tâm tới các công trình xây dựng có quy mô lớn như hiện nay.
 
"Từ trước đến nay, Bộ xây dựng quản lý các tòa nhà cho đến giai đoạn hoàn công và nghiệm thu vận hành, tức là sau đó chuyển giao lại cho chủ đầu tư. Thông thường là không có cơ chế để quản lý công trình sau vận hành, tức là thực tế công trình đó tiêu thụ bao nhiêu năng lượng thì gần như chưa có chế tài để nắm được con số đó.. Chính vì vậy chúng tôi cũng rất hy vọng là sau khi chương trình UNDP này cùng với sự tham gia của các bộ ngành liên quan thì sẽ có một cơ chế để quản lý tốt hơn số liệu tiêu thụ năng lượng, bởi vì thực tế đối với các công trình tiêu thụ trọng điểm – trên 300 tấn dầu/năm thì Bộ công thương có thu thập số liệu". 
 
Các chuyên gia cũng cho rằng, các công trình xây dựng như văn phòng, khu thương mại, khách sạn… nếu đầu tư hệ thống tiết kiệm năng lượng sẽ phát sinh chi phí đầu tư xây dựng tăng khoảng 3-5%, nhưng chi phí vận hành sẽ giảm được từ 14-36% do tiết kiệm năng lượng. Do đó, cùng với việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp lý, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật… thì tư duy và khả năng đầu tư của ông chủ có tính quyết định đối với việc TKNL trong các công trình, tòa nhà xây dựng mới ở Việt Nam.
Nguyên Long/Icon.com.vn