Một trong những phát hiện chính của báo cáo cho thấy việc Việt Nam đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 không chỉ khả thi về mặt kỹ thuật mà còn là một kịch bản hiệu quả nhất về chi phí. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, phát thải CO₂ của Việt Nam cần đạt đỉnh vào năm 2030 và quá trình chuyển đổi năng lượng xanh cần được thực hiện khẩn trương với tốc độ nhanh hơn so với trước đây.
Lễ công bố Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam – Đường đến phát thải ròng bằng không (EOR-NZ) đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ Công Thương, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và Cục Năng lượng Đan Mạch.
Báo cáo lần này là ấn phẩm thứ tư trong chuỗi các Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam được xây dựng trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch. Đây là chương trình hợp tác đối tác lâu dài giữa Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng xanh. Báo cáo đã trình bày các kịch bản phát triển của hệ thống năng lượng Việt Nam đến năm 2050, tập trung vào việc phân tích các lộ trình thực tế để Việt Nam đạt được cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
“Việt Nam và Đan Mạch đều có chung mục tiêu khí hậu đầy tham vọng. Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam – Đường đến phát thải ròng bằng không thể hiện nỗ lực hợp tác của hai nước trong quá trình chuyển đổi xanh và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Báo cáo cho thấy Việt Nam có tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào và chuyển đổi xanh sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững cho toàn xã hội”, Ông Kristoffer Böttzauw, Cục trưởng Cục Năng lượng Đan Mạch, đồng chủ trì buổi lễ công bố, cho biết.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây dẫn đến tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon gia tăng đáng kể. Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, để đảm bảo phát triển bền vững Việt Nam cần phải tách biệt tăng trưởng kinh tế với tiêu thụ năng lượng, đồng thời xây dựng một hệ thống năng lượng xanh và bền vững hơn thông qua đầu tư vào năng lượng tái tạo và công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết: “Các dự án, chương trình hợp tác với Đan Mạch trong thời gian qua đã hỗ trợ tích cực các mục tiêu của Việt Nam về đảm bảo nguồn cung năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và ngành năng lượng theo hướng xanh và bền vững. Chúng tôi luôn đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch và hy vọng rằng, trong thời gian tới, hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả hơn nữa các chương trình hợp tác năng lượng”.
Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz bổ sung: “Báo cáo Triển vọng Năng lượng – Đường đến phát thải ròng bằng không là một kết quả quan trọng của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng lâu dài giữa chúng tôi và Việt nam; đây cũng là một lĩnh vực hợp tác chủ chốt trong Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh Việt Nam - Đan Mạch. Tôi hy vọng rằng báo cáo này sẽ là một nguồn tài liệu tham khảo có giá trị cho các đối tác Việt Nam trong quá trình ra quyết định cũng như hỗ trợ Việt Nam trong việc định hình quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của mình. Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không, Việt Nam cần có những nỗ lực nhanh chóng, mạnh mẽ và bền vững. Điều này không chỉ quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu năng lượng ngày càng tăng mà còn giúp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi việc tiếp cận năng lượng tái tạo ngày càng trở nên quan trọng trong các quyết định đầu tư. Đan Mạch cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi này.”
Chuyển đổi năng lượng xanh hiện đang là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự chuyển đổi xanh của Việt Nam. Vì vậy, báo cáo đã thu hút được sự quan tâm lớn từ các cơ quan hoạch định chính sách, chuyên gia, học giả và khu vực tư nhân của Việt Nam.
Tiếp theo lễ công bố báo cáo, một buổi tọa đàm với sự tham gia của đại diện các cơ quan hoạch định chính sách Việt Nam đã được tổ chức cùng ngày dưới sự chủ trì của lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo Việt Nam, Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz và Cục trưởng Cục Năng lượng Đan Mạch, ông Kristoffer Böttzauw. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận về những phát hiện chính và những tác động chính sách của báo cáo, bao gồm các rào cản đối với việc mở rộng đầu tư vào năng lượng xanh, tầm quan trọng của tăng trưởng kinh tế xanh và vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong quá trình chuyển đổi xanh.