Tuy nhiên, cho đến nay việc triển khai các công cụ phái sinh ở thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Chính vì vậy mà buổi thuyết trình của GS.TS Stanley Pliska đến từ Đại học Illinois, Chicago, Mỹ về nghiệp vụ hợp đồng tương lai và quyền chọn diễn ra vào sáng ngày 10/3/2008, đã thu hút được sự chú ý và quan tâm của đông đảo các thành viên thị trường.
Nhà đầu tư sẽ linh hoạt và năng động hơn
Các công cụ phái sinh nói chung và nghiệp vụ hợp đồng tương lai hay quyền chọn nói riêng là những hình thức được đánh giá là rất hữu dụng trên thị trường hàng hóa và thị trường chứng khoán. Ông Nguyễn Hải Nam, Phó trưởng ban Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhận xét, với hai nghiệp vụ này, nhà đầu tư có thể linh hoạt và năng động hơn trong việc lựa chọn các công cụ để tham gia thị trường.
“Chẳng hạn trong thời gian vừa qua, khi thị trường trồi sụt thất thường, nếu các nghiệp vụ này đã được áp dụng thì có thể các nhà đầu tư có được những quyết định hợp lý hơn, bám sát theo những biến động của thị trường chứng khoán”, ông Nam giải thích thêm.
Trên thị trường chứng khoán, hai công cụ phái sinh này giúp nhà đầu tư tránh được tình trạng thua lỗ quá nặng khi thị trường đi xuống sâu và ngược lại, nhà đầu tư có thể đạt mức lợi nhuận rất cao khi thị trường đi lên.
“Hiện nay, không chỉ các thị trường toàn cầu nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng, mọi người đều lo ngại về vấn đề quản lý rủi ro, và đây cũng là thời điểm tốt để một thị trường non trẻ, với nhiều biến động về giá trong thời gian qua như Việt Nam có thể xem xét đến việc áp dụng những hình thức giao dịch tương lai và quyền chọn này”, GS. Stanley Pliska nhận xét.
Công cụ phái sinh có vai trò rất quan trọng trong việc quản lý rủi ro nên hình thức này giúp nhà đầu tư có thêm tự tin khi tham gia thị trường, điều này giúp thu hút thêm nhà đầu tư tham gia thị trường. Vì vậy, cơ hội của các công cụ phái sinh trên những thị trường chứng khoán mới nổi như Việt Nam được đánh giá là khá nhiều và trong định hướng phát triển thị trường các cơ quan quản lý cũng có tính đến phương án áp dụng các hình thức này.
“Đã đến lúc các công cụ phái sinh cần được triển khai và coi như một sản phẩm dịch vụ để các nhà đầu tư áp dụng lựa chọn. Mặt khác, khi các công cụ này được áp dụng sẽ là điều kiện tốt để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Hà Thành cho biết.
Thị trường đã sẵn sàng?
Mặt trái cơ bản nhất của các công cụ phái sinh trong giao dịch chứng khoán được GS.TS Stanley Pliska miêu tả giống như việc đặt cược về tương lai của một cổ phiếu. Nếu diễn biến thị trường của cổ phiếu giống kỳ vọng của bạn, dĩ nhiên bạn được lợi, nếu cổ phiếu không giống kỳ vọng của bạn, bạn sẽ mất phần đặt cược. Ngoài ra, với thị trường chứng khoán non trẻ như Việt Nam, khi có một công cụ mới trên “sân chơi”, vấn đề được lưu tâm nhất vẫn là mức độ “sẵn sàng” của thị trường.
GS. Stanley Pliska chia sẻ: “Tôi không phải là một chuyên gia về thị trường Việt Nam, nhưng kinh nghiệm của tôi cho thấy việc áp dụng một hình thức giao dịch tương tự vào một thị trường mới cũng cần nghiên cứu rất kỹ lưỡng và cần xây dựng những khuôn khổ pháp lý chuẩn mực cho các hoạt động này. Các bạn cũng có thể nghiên cứu để áp dụng từng bước. Khi các thành viên đã sẵn sàng thì thị trường mới vận hành tốt được”.
Rõ ràng là, bên cạnh những mặt tích cực của các công cụ phái sinh, cũng cần chú ý rủi ro có thể có của những công cụ này. Theo ông Thanh Hải, các công cụ tài chính đều có hai mặt, một mặt các nhà đầu tư có thể phòng vệ rủi ro, chẳng hạn mua một hợp đồng tương lai để bảo vệ hàng hóa đang mua, tuy nhiên, nhà đầu tư có thể gặp rủi ro lớn nếu không biết cách đặt lệnh, giới hạn được tổn thất nếu có.
GS. Stanley đề xuất, các cơ quan quản lý có thể đưa ra những quy định về số lượng quyền chọn tối đa, quyền mua tối đa của một cá nhân, nhằm hạn chế tình trạng một cá nhân có thể làm lũng đoạn cả thị trường. Một vấn đề cũng rất cần suy xét là thị trường hàng hóa của Việt Nam đã ra đời từ rất lâu, nhưng công cụ phái sinh vẫn là khái niệm khá mới mẻ với nhiều thành viên của thị trường.
Trong khi đó, khi thị trường chứng khoán Việt Nam mới được 7 năm tuổi đời với sự bất ổn trong của tâm lý nhà đầu tư, quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam trong so sánh với thị trường chứng khoán thế giới vẫn là một sự “khập khiễng” rõ nét, nên chăng áp dụng các công cụ phái sinh mới mẻ này cho thị trường hàng hóa trước rồi mới đến thị trường chứng khoán.
Chia sẻ quan điểm này, GS. Stanley nói: “Tôi nghĩ cũng cần suy xét đến việc có nên áp dụng các công cụ phái sinh là giao dịch tương lai và hợp đồng quyền chọn cho thị trường hàng hóa trước khi áp dụng cho thị trường chứng khoán. Chẳng hạn, nên xem xét áp dụng trước cho giao dịch của các hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trước như cà phê, cao su và loại hàng hóa Việt Nam nhập khẩu khá lớn và đã có nhiều biến động trong thời gian qua là vàng. Điều chắc chắn là phải nghiên cứu rất kỹ”.
* Hợp đồng tương lai (futures contracts) là một thỏa thuận được thiết lập trên thị trường giao dịch, để mua hoặc bán một loại tài sản trên thị trường giao dịch với một mức giá và thời gian đã xác định trong tương lai.
Quyền chọn (options) bao gồm quyền chọn mua (call option) và quyền chọn bán (put option). Quyền chọn mua (call option) là quyền mua một tài sản xác định vào/trước một ngày xác định tại một mức giá thiết lập trước. Quyền chọn bán (put option) là quyền bán một tài sản xác định vào/trước một ngày xác định tại một mức giá thiết lập trước.