Việt Nam hiện đang bùng nổ mô hình trang trại điện mặt trời.
Tại sự kiện giới thiệu Giải pháp Điện Mặt Trời cho hộ gia đình của Huawei FusionSolar Club Việt Nam, ông Đinh Quang Tri, nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, Trung Quốc đã lắp đặt và đưa vào vận hành điện mặt trời với công suất 250 ngàn MW. Mỹ cũng đạt công suất 70-80 ngàn MW, các nước châu Âu (40-50 ngàn MW).
Tại Việt Nam đã có sự bùng nổ điện mặt trời ở cả mô hình trang trại điện mặt trời (solar farm) và điện mặt trời áp mái trong giai đoạn 2019-2020. Theo thống kê của EVN, tính đến thời điểm hiện nay công suất solar farm đạt 10 ngàn MW, còn điện mặt trời áp mái là 9.300 MW.
Tuy nhiên, theo ông Tri, sự bùng nổ mạnh mẽ của điện mặt trời cũng kéo theo áp lực hệ thống truyền tải điện dẫn đến nhiều solar farm lẫn điện mặt trời áp mái phải giảm công suất do lưới điện quá tải, không thể bán điện cho công ty điện, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
"Hiện nay giải pháp tối ưu là phải có pin tích điện để giữ lại nguồn năng lượng dư thừa nhằm sử dụng vào thời điểm thiếu điện. Pin tích điện là giải pháp cực kỳ quan trọng để thúc đẩy điện mặt trời", ông Tri nhấn mạnh.
Các sản phẩm mới của Huawei được phát triển để tập trung mang lại ba lợi ích chính: tối ưu chi phí sử dụng điện, chủ động an toàn và trải nghiệm tốt hơn. Ngoài ra, các hệ thống này còn tích hợp trí tuệ nhân tạo trong bảo vệ hệ thống điện mặt trời khỏi lỗi hồ quang chủ động giảm thiểu rủi ro hỏa hoạn.
Ông AlenZhang, Giám đốc Kinh doanh của Huawei Fusion Solar Việt Nam cho biết: “Với 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin số, chúng tôi đã kết hợp nhiều công nghệ mới để tạo ra nguồn điện tối ưu, trong việc xây dựng nền tảng để điện mặt trời trở thành nguồn năng lượng chính.
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng điện mặt trời cao và chúng tôi mong muốn đóng góp vào sự gia tăng sử dụng năng lượng mặt trời trong các hộ gia đình Việt Nam thông qua các giải pháp của Huawei FusionSolar”.
Link gốc
Theo: Kỷ nguyên số