Nhân viên Điện lực Vĩnh Tường thường xuyên kiểm tra các công tơ để phát hiện bất thường trong sử dụng điện.
Vào hồi 9h30’ ngày 21/3/2020, trong quá trình kiểm tra sử dụng điện các khách hàng sau TBA Truyền Thanh 4, khi kiểm tra khoảng cột từ 4B2 sang 4B3, tổ KTGSMBĐ - Điện lực Vĩnh Tường đã phát hiện ông L.V.S (thị trấn Vĩnh Tường - huyện Vĩnh Tường) đang thực hiện hành vi trộm cắp điện bằng cách cắt lớp vỏ bọc cách điện pha lửa, dùng sợi dây nhôm có tiết diện 1x6 mm2 đấu trực tiếp vào đường trục 0,4kV; kéo dây đưa điện về nhà không qua hệ thống đo đếm để sử dụng điện vào mục đích sinh hoạt.
Hành vi này đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về sử dụng điện, vi phạm hợp đồng mua bán điện đã ký kết. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản kiểm tra sử dụng điện, truy thu sản lượng điện là 8.249kWh, tương ứng với số tiền điện phải bồi thường là 26,5 triệu đồng. Đồng thời, ông S cũng bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính số tiền lên tới 20 triệu đồng về hành vi trộm cắp điện.
Ông Lê Hải Hưng, Giám đốc Điện lực Vĩnh Tường cho biết: Một số đối tượng trộm cắp điện là người có chuyên môn, am hiểu về điện nên thực hiện các thủ đoạn trộm cắp điện hết sức tinh vi, làm thay đổi kết cấu hệ thống đo đếm để chiếm đoạt hàng trăm kWh mỗi tháng.
Thậm chí, thời gian qua, có trường hợp còn mặc đồng phục của ngành Điện để tránh bị phát hiện khi thực hiện hành vi phá niêm phong hộp công tơ. Để bắt quả tang các đối tượng trộm cắp này, đơn vị phải cho lắp đặt camera ở các điểm nóng, hoặc cử nhân viên theo dõi, giám sát liên tục mới truy tìm được thủ phạm.
Từ đầu năm đến nay, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã phát hiện và xử lý 4 vụ trộm cắp điện, thực hiện truy thu 21.846 kWh với tổng số tiền truy thu hơn 70 triệu đồng. Ngoài việc bồi thường thiệt hại bằng giá trị sản lượng điện năng bị mất do hành vi trộm cắp điện gây ra, bên vi phạm còn phải chịu chi phí để sửa chữa, kiểm định hiệu chỉnh hoặc bồi hoàn giá trị của thiết bị, hệ thống đo đếm bị hư hại do hành vi vi phạm.
Trộm cắp điện không chỉ vi phạm pháp luật, làm thất thoát tài sản của ngành Điện mà còn có thể gây mất an toàn trong hệ thống cung ứng điện, đe dọa tính mạng con người, gây mất trật tự công cộng; hành vi trộm cắp trên 20.000 kWh có thể bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều vụ trộm cắp điện trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra với các thủ đoạn trộm cắp điện ngày càng tinh vi, khó phát hiện, dưới nhiều hình thức như: Câu móc trực tiếp trên hệ thống điện, dùng điện không qua công tơ, cố ý làm hỏng công tơ để dùng điện, dùng phương thức thay đổi sơ đồ mạch đấu công tơ dẫn đến công tơ ghi không chuẩn hoặc không ghi để dùng điện, tác động nhằm làm sai lệch chỉ số đo đếm của công tơ và các thiết bị điện khác có liên quan đến đo đếm điện…
Các đối tượng thường thực hiện hành vi trộm cắp điện ở vị trí khuất, khó ra vào, cây cối um tùm, gây khó khăn trong việc bắt quả tang. Khi đã bị phát hiện hành vi trộm cắp, các đối tượng thường có hành vi chống đối không hợp tác hoặc trốn tránh không ra làm việc trực tiếp, không công nhận hành vi của mình ngay mà quanh co chối cãi…
Thời gian qua, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa, phát hiện các hành vi vi phạm.
Giải pháp hiệu quả mà công ty áp dụng là sử dụng công nghệ mới, lắp đặt hàng loạt các bộ đo đếm thông minh có các cảnh báo bất thường khi sử dụng điện; lắp đặt các bộ RF, ARM… quản lý đo đếm từ xa; đưa vào vận hành CMIS3.0, kịp thời cô lập khu vực tổn thất điện năng cao để phân tích danh sách khách hàng sử dụng điện có vấn đề bất thường và sử dụng thiết bị đo dòng so lệch mà không cần phải trèo lên cột kiểm tra...
Bên cạnh các giải pháp về kỹ thuật, công ty đã tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tích cực tuyên truyền, kiểm tra, ngăn ngừa và xử lý nghiêm vi phạm sử dụng điện; công khai kịp thời các vụ việc vi phạm tại cơ sở, cũng như khuyến khích người dân cùng tham gia cung cấp thông tin, tố giác tội phạm liên quan đến trộm cắp điện.
Link gốc