Công ty Thủy điện Quảng Trị và câu chuyện "đất lạ hóa quê hương"...

Thứ sáu, 5/7/2024 | 09:32 GMT+7
Họ đến từ nhiều nơi trên mọi miền tổ quốc, sống và làm việc dưới “mái nhà chung” là Công ty Thủy điện Quảng Trị. Nơi đầu nguồn sông Rào Quán, những người làm điện cho công trình có những chuyện đời, chuyện nghề đan xen. Họ gắn bó và coi công ty là nhà, Hướng Hóa là quê hương thứ hai. Có lẽ, nói như nhà thơ Chế Lan Viên: “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”…

Nhiều gia đình sống sum vầy và gắn bó với khu tập thể của Công ty Thủy điện Quảng Trị.   

Mái ấm của mái ấm!

An cư, là câu chuyện lắm khi khó bàn đối với những người làm điện ở công trình thủy lợi - thủy điện trên sông Rào Quán. Nơi đây là miền núi, bốn bề trùng điệp một màu xanh. Đặc thù công việc khiến họ phải sống xa gia đình, xa quê. Để giải quyết vấn đề trên, công đoàn Công ty Thủy điện Quảng Trị đã quan tâm, hỗ trợ để người lao động có thể “an cư lạc nghiệp”. Những ai làm việc xa nhà, công đoàn sắp xếp chỗ ở. Những gia đình chưa có điều kiện làm nhà, công đoàn bố trí nhà ở cho hộ gia đình.

“Tôi sống an yên!”, anh Nguyễn Văn Thảo (43 tuổi), quê ở phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình nói. 

Tôi hiểu lời nói đó, nhọc nhằn trong công việc là đương nhiên, nhưng anh Thảo vẫn giữ được cho mình sự an yên như mặt nước hồ khi bình lặng đã là một chỉ số hạnh phúc mà không nhiều người được cảm nhận, tận hưởng. Bởi, anh có một “mái ấm nhỏ” hạnh phúc dưới một “mái ấm to” của công ty. 

Em Nguyễn Tuấn Hưng (con của anh Thảo) nhờ có sự quan tâm của công đoàn mà đã đạt nhiều thành tích cao trong học tập.

Anh Thảo là nhân viên bộ phận kỹ thuật tại Nhà máy Thủy điện Quảng Trị, sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình, nhưng gắn bó với Quảng Trị đã gần 18 năm. Ngày ấy, khi mới đến thị trấn miền núi Khe Sanh, huyện Hướng Hóa để làm việc, anh nói rằng mình sợ nhất cảm giác nhớ nhà. Vợ thì mới cưới, con mới sinh, anh Thảo thi thoảng mới sắp xếp được để về thăm nhà. Lắm lúc anh cũng buồn, nhưng rồi phải giấu kín nỗi niềm riêng để tập trung vào công việc. May sao, công đoàn công ty đã quan tâm bố trí nhà ở cho anh. Thế rồi, vợ anh Thảo ôm con mới 10 tháng tuổi từ Quảng Bình vào ở khu nhà tập thể của công ty. Cả gia đình đoàn tụ, sum vầy. Bao nhiêu năm anh gắn bó với công ty, với Hướng Hóa, thì vợ con anh cũng thế. 

Được biết, con trai đầu của anh Thảo là em Nguyễn Tuấn Hưng (16 tuổi), học sinh lớp chuyên Tin học tại Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Quảng Trị có thành tích học tập rất nổi bật. 10 năm đi học em đều đạt học sinh giỏi và đoạt nhiều giải thưởng từ các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. “Ở đây, công đoàn công ty không những quan tâm đến tôi, mà còn quan tâm đến gia đình của tôi nữa. Tôi có hai đứa con, nhờ có sự tạo điều kiện, chăm lo của công đoàn mà các con tôi nỗ lực hơn trong học tập. Mỗi khi đến cuối kì, công đoàn Công ty Thủy điện Quảng Trị thường đến động viên, thăm hỏi và thưởng tiền cho những kết quả học tập của các con”, anh Thảo niềm nở nói.  


  Cảnh quan xanh mát tại khu nhà tập thể ở thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa được Công đoàn Công ty Thủy điện Quảng Trị bố trí cho người lao động.    

Dưới mái nhà chung là khu tập thể, ngoài những người từ xa đến và ở một mình, thì có những gia đình sinh con đẻ cái và sống cuộc đời gắn bó với công ty lâu dài. Không chỉ đơn thuần là công việc gắn với mảnh đất Hướng Hóa nữa, mà con cái của họ cũng xem đây là đây là quê hương thứ hai. Một thế hệ nhỏ lớn lên dưới sự bao bọc của Công ty Thủy điện Quảng Trị. 

Anh Nguyễn Xuân Anh (47 tuổi), quê ở huyện Hải Lăng, nhân viên bộ phận sửa chữa bộc bạch: “Ở đây, ngoài việc được sống trong sự quan tâm, đùm bọc của công đoàn, của công ty, thì có một điều tôi cảm thấy vô cùng ấm áp nữa là sự gắn kết giữa những đoàn viên trong tập thể này. Nó thể hiện ở tình đồng chí, đồng nghiệp, sẻ chia lẫn nhau trong cuộc sống hằng ngày”.  

Anh Xuân Anh kể, có những hộ gia đình mà bố mẹ bận đi làm thì gửi con cho gia đình anh chăm sóc, vợ anh sẽ đưa đón các cháu đi học, nấu cơm và lo lắng cho các cháu chu tất như con của mình. Và ngược lại, nếu anh có bận bịu công việc, thì cũng yên tâm công tác vì biết có những gia đình khác quan tâm, giúp đỡ gia đình mình. Đặc biệt hơn, những đứa trẻ ở trong khu tập thể cũng đều yêu thương, bao bọc lẫn nhau, đi học cùng nhau và giúp đỡ nhau trong học tập. Ngày trước, có trường hợp mẹ của chị Thủy trong khu tập thể ốm, cả gia đình không có ở nhà, nhưng được mọi người ở đây phát hiện và đưa đi bệnh viện kịp thời. “Vậy đó, hỏi làm sao không yêu thương chốn này cho được, đúng là “tình yêu làm đất lạ hóa quê hương””, anh Xuân Anh bày tỏ.

“Tô màu” đời sống tinh thần

Để công trình thủy điện- thủy lợi đi vào hoạt động cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, cắt lũ và phát điện phục vụ phát triển kinh tế- xã hội cho địa phương, có sự đóng góp không nhỏ của những người thợ làm điện đang túc trực 24/24 giờ ở nơi đây. Trong hình dung của tôi, những công việc kỹ thuật, sửa chữa, vận hành có phần khô khan ấy sẽ khiến đời sống tinh thần của những người lao động ở nhà máy thủy điện trở nên đơn điệu, buồn tẻ. Nhưng anh Nguyễn Doãn Hường (48 tuổi), quê ở Nghệ An, nhân viên của bộ phận vận hành của nhà máy thủy điện lại nói với tôi rằng, cán bộ, công nhân viên ở đây dù làm việc ở miền núi nhưng đời sống tinh thần lại rất phong phú. Mà điều đó cũng đến từ sự quan tâm của công đoàn. 

Những người lao động có gia đình nhưng chưa có điều kiện làm nhà, công đoàn bố trí nhà ở cho hộ gia đình.

Cụ thể, công đoàn Công ty Thủy điện Quảng Trị đã đầu tư xây dựng ở Khe Sanh 2 sân tennis, nhà thi đấu cầu lông, phòng tập gym…cho cán bộ, công nhân viên của công ty có chỗ vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe sau những giờ làm việc mệt mỏi. Hay theo như cách nói hóm hỉnh của anh Hường thì công đoàn của công ty đang “tô màu” cho đời sống tinh thần của anh em.

Công đoàn Công ty Thủy điện Quảng Trị đầu tư cơ sở vật chất nhằm nâng cao đời sống tinh thần của người lao động.

Trước đây, từ một người chả biết tennis là gì, giờ anh Hường đã có cho mình bộ sưu tập gần 50 chiếc cup tennis từ các giải đấu lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh. Cơ duyên anh đến với bộ môn này thì cũng đơn giản. Công ty đầu tư sân nên anh cũng thử mua vợt, mua giày về tự học, lại có tố chất thể thao nên càng đánh thì càng tốt lên. Dần dần thì thành đam mê, rồi thi đấu chuyên nghiệp đã gần 12 năm. Bây giờ, anh giống như một huấn luyện viên thực thụ hướng dẫn cho những anh em trong công ty cùng tập luyện bộ môn này. 

“Xa nhà, tôi rất vui khi được công ty tạo một sân chơi giải trí sau công việc. Từ đó, tiếp thêm động lực để tôi có tinh thần làm việc. Đặc biệt, đây cũng là nơi mà các cán bộ, công nhân viên trên địa bàn Hướng Hóa có thể đến giao lưu các bộ môn thể thao và công ty chúng tôi rất chào đón”, anh Hường hào hứng nói. 

Được biết, nhờ có cơ sở vật chất tốt nên phong trào thể dục thể thao trong công ty rất sôi nổi. Mà trong đó, anh Hường là một trong những người đi đầu trong việc đẩy mạnh và phát triển phong trào. Mới đây, với sự tạo điều kiện của công ty, anh Hường đã đứng ra làm trưởng ban tổ chức “Giải tennis Khe Sanh, Hướng Hóa mở rộng”, thu hút hơn 80 vận động viên trong và ngoài tỉnh tham gia. “Ngoài việc tổ chức một giải đấu mang tính chất giao lưu, phong trào, thì thông qua giải tennis vừa rồi, ban tổ chức chúng tôi cũng quảng bá các khu du lịch, địa điểm lưu trú đẹp của Hướng Hóa để cho những vận động viên ngoại tỉnh đến tham gia thi đấu biết về cảnh đẹp nơi đây”, anh Hường nói.

Giải cầu lông được tổ chức ở các phân xưởng vận hành nhân dịp Tháng Công nhân.

Chủ tịch Công đoàn Công ty Thủy điện Quảng Trị Đoàn Thanh Điểm cho hay, những năm qua, công đoàn công ty luôn quan tâm đến đời sống của người lao động, thể hiện rất rõ qua những hành động thiết thực chăm lo từ chế độ đãi ngộ, nơi ở, cho đến đời sống tinh thần. Với phương châm là “không để ai bị bỏ lại phía sau”, công đoàn công ty thực sự là một tập thể gắn kết, sẻ chia và yêu thương lẫn nhau. Đặc biệt hơn, công đoàn công ty còn có những hoạt động hướng về cộng đồng với những ý nghĩa cao đẹp. Đơn cử, trong năm 2023, công đoàn đã hỗ trợ xây nhà tình nghĩa tại 2 xã Cam Thủy và Thanh An, huyện Cam Lộ; hỗ trợ chương trình "Nối vòng tay nhân ái" do UBND tỉnh Quảng Trị phát động; hỗ trợ quỹ khuyến học chương trình "Tấm lòng quê hương - Tiếp sức đến trường" năm 2023 của tỉnh Quảng Trị; hỗ trợ Quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam” huyện Hướng Hóa năm 2023.

Công đoàn Công ty Thủy điện Quảng Trị thăm hỏi, tặng quà nhằm chăm lo đời sống cho người lao động.

Cùng với đó, ủng hộ xây dựng Quỹ “Hoa dâng mộ liệt sĩ” tỉnh Quảng Trị; hỗ trợ Hội khuyến học thực hiện chương trình “Tiếp sức đến trường”; hỗ trợ các hộ gia đình chính sách, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa thông qua chương trình "Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản" năm Giáp Thìn 2024 của Đồn Biên phòng Hướng Lập; hỗ trợ trang cấp bàn ghế, sơn sửa phòng học điểm trường Cù Bai thuộc Trường PTDT bán trú - TH&THCS Hướng Lập… với tổng kinh phí cho các hoạt động trên là hơn 912 triệu đồng…

Công ty Thủy điện Quảng Trị tặng quà cho các em học sinh khó khăn tại điểm trường Cù Bai thuộc Trường PTDT bán trú - TH&THCS Hướng Lập.

Link gốc

Theo: Lao động Công đoàn