Công ty Truyền tải điện 2 khẩn trương phòng chống cơn bão số 4 (NORU)

Chủ nhật, 25/9/2022 | 14:02 GMT+7
Ban chỉ huy (BCH) phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) đã có công điện khẩn yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai nhanh các phương án phòng chống cơn bão số 4 (NORU).
 

TBA 500kV Thạnh Mỹ (TTĐ Quảng Nam) che chắn các tủ bảng.
 
Ban chỉ huy (BCH) phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) đã có công điện khẩn yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai nhanh các phương án phòng chống cơn bão số 4 (NORU).
 
Theo dự báo, cơn bão số 4 là cơn bão mạnh, di chuyển rất nhanh, có diễn biến phức tạp và khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực các tỉnh miền Trung, trong đó dự kiến ngày 27/9 tâm bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào đất liền từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi. 

Công nhân Đội Chà Vàl (TTĐ Quảng Nam) phát dọn cây cao ngoài hành lang tuyến.
 
Để hạn chế các thiệt hại do thiên tai gây ra BCH PCTT&TKCN PTC2 đã chỉ đạo các đơn vị theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia để chủ động có các biện pháp ứng phó kịp thời. 
 
Các đơn vị tập trung triển khai phương án PCTT&TKCN triển khai nhanh phương án “4 tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ, Lực lượng tại chỗ, Cơ sở vật chất tại chỗ, Hậu cần tại chỗ). Huy động tối đa nhân lực bố trí thường trực tại các điểm xung yếu, bố trí phương tiện, cơ sở vật chất để ứng cứu kịp thời, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất và đảm bảo an toàn lưới truyền tải điện. 

Công nhân TTĐ Quảng Nam đào rãnh tạo dòng chảy ra khỏi các vị trí xung yếu.
 
Theo đó đối với các Đội đường dây tập trung kiểm tra các vị trí nằm ở khu vực xung yếu, vị trí kè móng bị lún, nứt, khơi thông các mương thoát nước. Các đơn vị có biện pháp xử lý, gia cố, tạo dòng chảy đảm bảo không gây sụt lún, xói lở đất khu vực kè móng. Xử lý triệt để cây cối ngoài hành lang tuyến có khả năng ảnh hưởng đổ vào đường dây gây nguy hiểm đến vận hành an toàn của đường dây. Kiểm tra các vị trí kè móng đã thực hiện xử lý sự cố, sửa chữa lớn, kịp thời phát hiện các hư hỏng để yêu cầu đơn vị thi công xử lý trong thời gian bảo hành công trình. Trong quá trình xử lý phải phát dọn đường vào vị trí móng cột và đường đi dọc tuyến tạo thuận lợi cho việc tiếp cận kiểm tra, xử lý khi có bất thường. Chuẩn bị sẵn sàng các vật tư, công cụ, vật liệu để sẵn sàng xử lý các điểm xung yếu khi có nguy cơ mất an toàn.
 
Đối với trạm biến áp cần tập trung kiểm tra, dọn, khơi thông các mương thoát nước trong trạm và hệ thống thoát nước xung quanh trạm để đảm bảo thoát nước, tránh gây ngập trong sản phân phối các trạm biến áp. Chuẩn bị sẵn các vật tư, vật liệu, các công cụ dụng cụ để sẵn sàng che chắn các tủ đấu dây, tủ điều khiển bảo vệ ngoài trời, các tủ đi kèm thiết bị nhất thứ, các hệ thống giám sát online, kiểm tra, xử lý xâm nhập ẩm các tủ trung thế khi có mưa xảy ra tại các trạm biến áp. 

TTĐ Quảng Nam chằng néo mái tôn phòng chống bão số 4.
 
Kiểm tra rơ le nội bộ máy biến áp, kháng điện và xử lý hiện tượng nước đọng tại các ống ruột gà có các rơ le có vị trí lắp đặt thấp hơn máng cáp. Lưu ý việc che chắn tủ đấu dây tại trạm biến áp phải đúng thời điểm hợp lý và phải kiểm tra không để tình trạng che phủ kéo dài dẫn đến ngưng tụ hơi ẩm gây chạm chập…;
 
Tại các trụ sở làm việc các đơn vị tiến hành gia cố mái tôn, cửa sổ…. nhắc nhở cán bộ, công nhân tham gia công tác PCTT&TKCN phải tuyệt đối đảm bảo an toàn lao động trong quá trình tổ chức ứng phó, khắc phục thiên tai; an toàn di chuyển tại các địa bàn nguy cơ sạt lở, ngập lụt; trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân (quần áo bảo hộ, giày, mũ, găng tay, áo phao…); đảm bảo thực hiện theo các quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương. 
 
BCH PCTT&TKCN các đơn vị thường xuyên cập nhật thông tin báo cáo về Công ty trước 15h hàng ngày đồng thời kích hoạt các phương án phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các đơn vị bạn để phối hợp công tác PCTT&TKCN nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hệ thống truyền tải điện cũng như an toàn cho người lao động.
Quang Thắng