Công ty Truyền tải điện 3: Giữ cho dòng điện thông suốt giữa mùa dịch

Thứ năm, 13/5/2021 | 11:25 GMT+7
Quản lý vận hành lưới điện truyền tải đi qua 9 tỉnh Nam miền Trung và Tây Nguyên, xét về địa bàn quản lý của Công ty Truyền tải Điện 3 (PTC3) không rộng như địa bàn thuộc quyền quản lý của  Công ty Truyền tải Điện 1 và 4. 
 

 Lắp đặt camera quan sát các vị trí xung yếu trên tuyến đường dây 220kV Krông Buk - Nha Trang. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Nhưng với việc quản lý vận hành hơn 1.939 km đường dây 500kV, hơn 3.258 km đường dây 220kV, 5 trạm 500kV và 15 trạm 220kV với tổng dung lượng 11.850 MVA lại chịu tác động thời tiết khí hậu phức tạp, khi mà các tỉnh Tây Nguyên vào mùa mưa thì các tỉnh duyên hải Nam miền Trung vào mùa khô và ngược lại. Chưa kể, các tuyến đường dây 500 kV và 220 kV, nằm dọc các sườn núi, địa hình bị chia cắt bởi nhiều sông suối, nhiều tuyến đường dây đi qua vùng rừng phòng hộ, rừng nghèo, vùng trồng cây công nghiệp như cao su, keo, bạch đàn, cà phê, hồ tiêu…. và vùng nguyên liệu mía của các nông, lâm trường, các hộ dân canh tác trong và ngoài hành lang tuyến đường dây… rõ ràng là một địa bàn đầy rẫy khó khăn trong công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải và những khó khăn này nhân lên gấp bội trong tình hình dịch bệnh Covid – 19 ngày càng phức tạp.
 
Chủ động chống cháy mùa khô
 
Với kinh nghiệm từ nhiều năm, tháng 10 hàng năm, PTC3 chủ động chống cháy mùa khô hành lang tuyến. Theo đó, các Truyền tải điện chủ động rà soát, cập nhật nguy cơ mất an toàn do nguyên nhân hành lang tuyến đến từng khoảng cột theo tình hình thực tế và diễn biến thời tiết để đưa ra biện pháp thích hợp trên nguyên tắc chủ động giảm tối đa nguy cơ cháy, nguy cơ cây cao ngã đổ vào đường dây. Công việc này đã được quán triệt đến từng cán bộ, công nhân về nhiệm vụ không để xảy ra sự cố do nguyên nhân hành lang tuyến gây ra.
 

Công nhân Truyền tải Điện Lâm Đồng sử dụng thiết bị bay kiểm tra thiết bị trạm biến áp 500kV Di Linh. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2021, hiện tượng thời tiết Enso đang có xu hướng chuyển dần từ Lanina sang trạng thái trung tính với xác xuất khoảng 70 – 80%. Như vậy, tình hình nắng nóng ít gay gắt hơn mùa khô năm 2020, tuy nhiên, để chủ động trong mọi diễn biến phức tạp của thời tiết, ngoài việc triển khai công tác chống cháy hành lang như hàng năm, PTC3 yêu cầu các đơn vị lập lịch tổng hợp chi tiết xử lý từng khoảng cột có nguy cơ cháy theo cấp độ cháy được quy định tại Điều 46 của Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16-11-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp quy định về cấp cháy rừng; lập kế hoạch xác định rõ thời gian xử lý xong từng khoảng cột cụ thể hàng tháng trong các tháng mùa khô. Hàng tháng, báo cáo về PTC3 trước ngày 25 để kịp thời chỉ đạo; chủ động khoanh vùng, thu gom và đốt có kiểm soát cây khô, thực bì hoặc thu dọn, cào lằn ranh, kéo ra xa khỏi hành lang tuyến giảm tối đa nguy cơ cháy phù hợp với thời gian chống cháy của từng cung đoạn. Trong quá trình phát quang chỉ xử lý cây dễ cháy, thực bì khô, các cây cao có khả năng vi phạm khoảng cách an toàn điện các cây và bụi cây xanh phải xem xét để lại đảm bảo vận hành lưới điện trong môi trường hành lang xanh. 
 
Theo báo cáo của PTC3, từ tháng 11-2020 đến tháng 4- 2021, toàn địa bàn do PTC3 quản lý, đã xử lý được 1.263 khoảng cột có nguy cơ cháy với diện tích 4.501.271 m2. Đối với 23 khoảng cột đi qua vùng nguyên liệu mía người dân chưa thu hoạch (khu vực TTĐ Phú Yên) được thường xuyên kiểm tra thực tế kết hợp giám sát qua Camera; hoàn thành việc kiểm tra, rà soát cây cao ngoài hành lang an toàn lưới điện kịp thời vận động, đền bù, thực hiện các giải pháp hỗ trợ, đền bù giải tỏa cây cao ngoài hành lang có nguy cơ gãy đổ vào đường dây bảo vệ an toàn cho đường dây; thường xuyên kiểm tra hành lang tuyến, thu dọn các vật dụng dây, bạt gần hành lang đường dây có khả năng gây sự cố; tổ chức tuyên truyền, kiểm tra các nhà dân, cơ sở sản xuất (nhà kín canh tác, vườn ươm, lều quán,…) có chăng bạt, lưới, chăng dây, mái tôn,… gần hành lang đường dây để có biện pháp chằng néo chống bay lên đường dây…
 
Do đặc điểm lưới điện của PTC3 quản lý vận hành ở vào vùng khí hậu mùa khô rất khắc nghiệt, cách điện bị bám bụi đất Bazan từ các phương tiện tham gia giao thông gây lên, bị nhiễm bẩn khói bụi, hóa chất từ các khu công nghiệp… làm suy giảm cách điện bề mặt của thiết bị, đặc biệt khi thời tiết có sương muối, mưa phùn gây ra hiện tường phóng điện vầng quang trên bề mặt cách điện, gây tổn thất điện năng và tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố lưới điện. Vì vậy, các đơn vị Truyền tải có đường dây truyền tải chịu ảnh hưởng từ những đặc điểm trên đã thường xuyên kiểm tra ngày/đêm bằng các thiết bị đo như: Máy đo corocam, Camera nhiệt vầng quang để kịp thời phát hiện mức độ nhiễm bẩn bề mặt của cách điện thiết bị. Sử dụng thiết bị vệ sinh cách điện hotline bằng nước áp lực cao để vệ sinh cách điện thiết bị. Tính từ đầu năm đến tháng 4-2021, PTC3 đã vệ sinh hotline được 136 vị trí cách điện trên các đường dây và 893 thiết bị cách điện. 
 
Thay đổi mạnh mẽ từ chuyển đổi số
 

Đội vận hành trạm biến áp 500kV Đắk Nông trao đổi kinh nghiệm sử dụng máy đo phát nhiệt số trong kiểm tra thiết bị trạm. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
PTC3 luôn xác định, trong thời đại kỷ nguyên số và cách mạng công nghiệp 4.0, sự thay đổi không chỉ là công nghệ mà chính là con người. Sự thay đổi chính mình là yếu tố quan trọng nhất, bởi vì thiết bị và công nghệ có cao cấp, hiện đại đến mấy nhưng con người không chịu thay đổi thì không thể mang lại giá trị. 
 
Trong triển khai thực hiện số hóa để chuẩn bị tiến tới chuyển đổi số, hầu hết các đơn vị Truyền tải của PTC3 đều gặp phải khó khăn lớn đó là thay đổi thói quen và nhận thức đúng của CBCNV về số hóa và chuyển đổi số. Đa số anh em công nhân đều quen với môi trường thực tế đã từ bấy lâu nay trong các ca trực trạm, trên hành lang tuyến, trèo cột, đi dây; các cán bộ, chuyên viên văn phòng quen với các văn bản, tài liệu giấy…và đã thành thói quen ăn sâu trong nhận thức và thói quen việc làm hàng ngày.
 
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, các đơn vị Truyền tải trong PTC3 bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh, mọi chỉ đạo điều hành về quản lý vận hành lưới điện và công tác phòng chống dịch đều dựa trên các nền tảng ứng dụng của công nghệ số. Điều đó đã làm cho mỗi cá nhân đều phải thay đổi nhận thức rằng việc thực hiện số hóa tiến tới chuyển đổi số là thiết yếu. 
 
Khi EVN và EVNNPT tổ chức các lớp học online về công nghệ thông tin và chuyển đổi số, PTC3 đã cử CBCNV các đơn vị tham gia để nâng cao nhận thức cũng như hiểu sâu hơn về số hóa, chuyển đổi số. Với sự quyết tâm cao lãnh đạo PTC3, CBCNV đã thay đổi lề lối làm việc. Đơn cử, tại Truyền tải điện Gia Lai, các quy trình, quy phạm, các tài liệu kỹ thuật liên quan đến quản lý vận hành Trạm biến áp 500kV Pleiku, Trạm biến áp 500kV Pleiku 2, các Đội quản lý vận hành đường dây  và các phòng chuyên môn… được lưu trữ trên không gian trang và các trang Web nội bộ của Trạm biến áp 500kV Pleiku, Trạm biến áp 500kV Pleiku 2 để thuận lợi trong công tác điều hành quản lý, tra cứu thông tin; áp dụng một số phần mềm, tiện ích như Zalo, Zoom Cloud Meetings, văn phòng điện tử E-OFFICE, quản lý nhân sự sự HRMS, quản trị nguồn lực doanh nghiệp ERP, quản lý ĐTXD IMIS, giao nhận điện năng, quản lý sửa chữa lớn eSCL, quản lý kỹ thuật PMIS, Google Map …trong điều hành, quản lý kỹ thuật; ứng dụng các công nghệ tiên tiến như: Lắp thiết bị định vị sự cố FL cho 7/9 đường dây 500kV và 5/12 đường dây 220kV tại TBA 500kV Pleiku và TBA 500kV Pleiku 2; lắp đặt hệ thống giám sát bản thể máy biến áp; hệ thống giám sát dầu online cho tất cả các máy biến áp 500kV, các kháng điện bù ngang 500kV tại các Trạm biến áp 500kV Pleiku và 500kV Pleiku 2. Khi thực hiện chuyển đổi số thành công và công nghệ AI được tích hợp thì lúc đó hầu hết các công việc sẽ do máy móc với trí tuệ nhân tạo đảm nhận; trang bị máy tính bảng có kết nối 3G/4G, Flycam, Google Map phục vụ cán bộ hiện kiểm tra lưới điện, lắp đặt 5 bộ camera để giám sát các vị trí trọng yếu trên lưới để năng cao hiệu quả công tác giám sát, quản lý vận hành lưới truyền tải điện; hệ thống thu thập số liệu công tơ MDMS- 100% dữ liệu công tơ, định vị sự cố FL, giám sát dầu online cơ bản đã được tách chuyển sang mạng OT-WAN để truyền về PTC3...
 
 Truyền tải điện Khánh Hoà vận động, tuyên truyền bảo vệ an toàn hành lang tuyến đường dây đi qua khu vực trồng mía. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Xác định việc bảo mật an toàn an ninh số là vô cùng quan trọng nên TTĐ Gia Lai đã triển khai mô hình 4 lớp đảm bảo an toàn thông tin, bao gồm: Lực lượng tại chỗ; giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; kiểm tra, đánh giá độc lập; kết nối, chia sẻ thông tin, theo đó, 100% hệ thống thông tin tự động hóa trạm biến áp được đảm bảo tuyệt đối an toàn thông tin. Ngoài ra, việc số hóa còn nâng cao hiệu quả công việc, tăng năng suất lao động, giảm chi phí vận hành lưới truyền tải điện hướng tới phát triển lưới điện thông minh. 
 
Để triển khai hiệu quả mục tiêu chuyển đổi số, TTĐ Đăk Nông luôn coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ đáp ứng yêu cầu mới theo tình hình thực tế, tâm huyết, trung thực, tận tụy, có phẩm chất tốt. Đồng thời, tạo mọi điều kiện phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên sâu để thúc đẩy phong trào nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số phù hợp trong từng lĩnh vực truyền tải điện tại đơn vị.
 
Hiện, TTĐ Đăk Nông  đã ứng dụng flycam để kiểm tra kỹ thuật, ghi hình ảnh tình trạng thiết bị điện đang vận hành chính xác, rõ ràng ở nhiều góc độ, địa hình khác nhau. Dùng robot kiểm tra dây dẫn, dây chống sét, dây cáp quang (điều khiển và thu thập dữ liệu qua internet). Nhờ đó, công việc kiểm tra đường dây thực hiện nhanh chóng, nội dung kiểm tra đầy đủ, giảm bớt sức lao động và giảm nguy cơ mất an toàn lao động do không phải trèo cao, nhất là những cung đoạn đường dây đi qua núi cao, vực sâu, vượt sông, những vị trí khó đến. Các Trạm biến áp 500kV Đắk Nông, 220kV Đắk Nông cũng đã được phủ sóng wifi làm cơ sở tiến đến lắp đặt thiết bị giám sát trực tuyến online một số thiết bị trong trạm biến áp. 
 
Việc chuyển đổi thông tin, tín hiệu tương tự thành tín hiệu số để xử lý, lưu trữ và truyền thông tin thông qua các giao thức truyền thông số. Việc chuyển từ sử dụng trạm biến áp truyền thống sang trạm biến áp số sẽ làm tăng mức độ an toàn cho con người và thiết bị, giảm diện tích lắp đặt thiết bị đồng thời nâng cao độ tin cậy cung cấp điện giúp nhân viên vận hành truyền dữ liệu nhanh chóng trong khi kiểm tra thiết bị ngoài các sân phân phối, dữ liệu kiểm tra được đồng bộ nhanh chóng.
 
TTĐ Đăk Nông đã áp dụng cảm biến không dây E-sensor vào giám sát, thu thập dữ liệu thông số môi trường không khí phục vụ quản lý vận hành đường dây, trạm biến áp và giám sát nhiễm bẩn cách điện, phát nhiệt thiết bị trạm biến áp. Kết quả áp dụng công nghệ đã giúp ích nhiều cho công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành, như: Giám sát online dòng rò chuỗi cách điện để chọn thời điểm vệ sinh hotline chính xác hơn; giúp cán bộ kỹ thuật lập kế hoạch đăng ký cắt điện phù hợp với thực tế, đánh giá chất lượng, tuổi thọ thiết bị từ môi trường làm việc của thiết bị; giúp công nhân nắm được điều kiện môi trường tại từng khu vực để thực hiện vệ sinh và kiểm tra thiết bị tốt hơn.
 
Sử dụng camera, thiết bị phát sóng wifi bằng sóng 3G/4G để giám sát, quan sát, kiểm tra thông số về cảm biến mưa, độ nghiêng không dây, nhiệt độ, độ ẩm môi trường không khí; đo độ nghiêng của cột, cũng như giám sát độ sạt lở kè móng cột…vừa chính xác, vừa không phải tốn nhân lực, chi phí làm lán trại  canh gác như trước đây. Với hệ thống camera 4G (dùng năng lượng mặt trời kèm gió), có thể quan sát hành lang tuyến, quan sát cách điện trên đường dây và hình ảnh được truyền trực tiếp về App được cài đặt trên điện thoại, máy tính. TTĐ Đăk Nông đã lắp 13 bộ camera giám sát hành lang tuyến đường dây.
 
TTĐ Đăk Nông đã chế tạo và thử nghiệm thành công xe ra dây dẫn, dây chống sét, dây chống sét cáp quang để đưa thiết bị vào kiểm tra dây dẫn trong các ngày cắt điện, giảm đáng kể sức lao động của công nhân thay vì trực tiếp ra dây như trước đây.
 
Để giám sát chống cháy mía, rừng trồng, rừng phòng hộ ở một số đường dây đi qua vùng nguyên liệu mía và rừng trồng. Tính từ đầu năm 2020 đến tháng 4/2021 trên toàn lưới điện của PTC3 đã lắp đặt thêm được 50 bộ Camera giám sát chống cháy nâng tổng số bộ Camera giám sát trên đường dây của toàn Công ty là 87 bộ; tiếp tục trang bị các thiết bị bay không người lái (UAV) như Altura zenith ATX8; DIJ Mavic2 zoom trong công tác kiểm tra hành lang tuyến. Hiện, nay PTC3 đã được trang bị 01 thiết bị bay Altura zenith ATX8 và tất cả các Truyền tải điện trực thuộc đều được trang bị thiết bị bay DIJ Mavic2 zoom.
 
Việc áp dụng hệ thống quản lý kỹ thuật nguồn và lưới điện (PMIS) đã giúp các đơn vị của PTC3 vận hành an toàn, tối ưu, tăng hiệu suất và giảm chi phí. Việc triển khai hệ thống phần mềm một cách thống nhất, xuyên suốt tạo điều kiện tổng hợp, báo cáo thuận lợi và dễ dàng giữa các cấp quản lý. Với việc áp dụng hệ thống quản lý kỹ thuật, không chỉ giảm thời gian viết phiếu khi đi kiểm tra đường dây, giảm chi phí do in ấn phiếu kiểm tra mà toàn bộ dữ liệu vận hành được số hóa và đưa lên phần mềm PMIS để lưu trữ, giúp việc tra cứu vận hành thiết bị hiệu quả hơn.
 
Có thể nói, thực hiện chuyển đổi số kết hợp với các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và mô hình quản trị phù hợp đã nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa và tự động hóa công tác quản lý và điều hành sản xuất tại PTC3 và các đơn vị trực thuộc.
 
Đại dịch COVID-19 rõ ràng là một cơ hội quý để trải nghiệm những giá trị số mang lại trong công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải. PTC3 đã ghi dấu ấn đậm nét với việc tạo được môi trường làm việc liên thông, hiện đại, chuyên nghiệp, giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí và đặc biệt là nâng cao hiệu quả quản lý vận hành lưới điện truyền tải. 
 
Đây thực sự là cơ hội để CBCNV PTC3 nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách trong quá trình chuyển đổi số. Bởi trên thực tế, việc ứng dụng khoa học công nghệ đang là một trong những cứu cánh cho công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải điện trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Thanh Mai