Ảnh minh họa.
Theo Công ty CP Môi trường Việt Nam, nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt có số vốn 80 triệu USD, công suất xử lý rác đạt 650 tấn/ngày. Nhà máy sẽ được khởi công vào cuối năm 2019, đi vào hoạt động vào đầu năm 2021. Toàn bộ rác thải sinh hoạt sẽ được đưa vào hố rác để ủ khoảng 5 - 7 ngày để tách nước rỉ và giảm độ ẩm. Sau đó, rác được đưa vào bộ phận sấy khô rồi chuyển qua lò đốt ở nhiệt độ khoảng 1.000 độ C.
Dựa vào sức nóng của lò đốt, nước bốc hơi làm quay tuabin, phát điện. Theo thiết kế, nếu đốt đủ 800 tấn rác thì mỗi ngày có khoảng 300.000 kWh điện. Trong đó, nhà máy sử dụng 20% điện năng, số còn lại sẽ bán cho công ty điện lực. Phần tro xỉ được lấy ra khỏi lò (với tỉ lệ khoảng 17% tổng khối lượng rác đem đốt) được trộn thêm cát, xi măng, phụ gia để sản xuất gạch không nung... Nước rỉ được xử lý đạt chuẩn, tái sử dụng làm mát lò đốt. Khí thải được xử lý bằng hệ thống khử axít, lọc bụi túi vải, than hoạt tính và được quan trắc liên tục các thông số về khói bụi đạt chuẩn châu Âu.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Môi trường Việt Nam, công nghệ đốt rác đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Năm 2018, Tập đoàn EverBright International đã xây dựng một nhà máy đốt rác tại TP Cần Thơ và đang phát huy hiệu quả cao trong việc xử lý rác thải.
Theo: Năng lượng Sạch VN