Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah đang chạy máy phát điện và xả nước xuống hạ lưu với lưu lượng 100 m3/s. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Cùng với đó, hiện tượng khô hạn, thiếu nước tại các hồ thuỷ điện cũng gây căng thẳng cho việc cấp điện trong những tháng cao điểm năm nay và những năm tới. Những chia sẻ dưới đây của ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) với phóng viên (PV) sẽ làm rõ hơn những giải pháp cho vấn đề này.
PV: Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến nhiều hồ thuỷ điện ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong tình trạng thiếu nước, dẫn đến nguy cơ căng thẳng nguồn cung hệ thống điện quốc gia rất cao. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?
Ông Đỗ Đức Quân: Năm 2015, khu vực miền Nam Trung bộ và Tây Nguyên không xuất hiện lũ do hiện tượng El Nino, nên các hồ chứa không tích nước đủ tối thiểu theo quy trình vận hành đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Ví dụ như hồ A Vương tỉnh Quảng Nam thiếu 140 triệu m3, Ialy ở Gia Lai thiếu 220 triệu m3, Sê San 4 thiếu 140 triệu m3... Có thể nói, gần như tất cả các hồ chứa trong khu vực đều thiếu hụt từ 40-60% lượng nước.
Về dòng chảy, đến tháng 12/2015, cuối mùa lũ, dòng chảy về các hồ thủy điện cũng rất nhỏ, lượng nước ít, dẫn đến khô hạn khá nghiêm trọng.
Thuỷ điện trong hệ thống điện Việt Nam chiếm khoảng 40% về cả công suất và sản lượng. Khi hạn hán đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung của hệ thống điện. Theo tính toán của Bộ Công Thương, tổng lượng nước thiếu hụt ở các hồ chứa khoảng 10 tỷ m3 nước, sản lượng thuỷ điện bị giảm khoảng 4,6 tỷ kWh, tương đương gần 10%.
Do vậy, chỉ đạo của Bộ Công Thương là ngay từ cuối mùa lũ 2015 và đầu năm 2016, các đơn vị trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có hồ chứa thuỷ điện phải sử dụng tiết kiệm và chú tâm việc tích nước. Vì ở đây không những để đảm bảo cung ứng điện mà còn đảm bảo nước cho sinh hoạt, sản xuất, khắc phục phần nào thiếu nước của nhân dân khu vực hạ du nơi có công trình thủy điện.
Vai trò của các hồ thuỷ điện là vào mùa lũ thì trữ nước, mùa khô thì vừa phát điện vừa cấp nước. Trong điều kiện khô hạn như năm nay, nhiệm vụ của các hồ phải đặt nhiệm vụ cấp nước, chống hạn cho hạ du lên hàng đầu. Trong đó, việc điều hành các hồ chứa thủy điện là do UBND các tỉnh nơi có công trình. Thực tế vừa qua, hầu hết các nhà máy thuỷ điện có hồ chứa ở miền Trung và Tây Nguyên đã đưa ra khỏi thị trường điện. Đặc biệt có những hồ phải dừng phát điện để đảm bảo trữ nước, cung cấp nước cho hạ du.
Như vậy, có thể khẳng định, thực trạng thiếu hụt nước tại các hồ chứa đang gây căng thẳng cho việc cung cấp điện. Tuy nhiên, về phía Bộ Công Thương, đã chỉ đạo EVN và tất cả các nguồn phát ngoài thuỷ điện, huy động các nhà máy điện kể cả chạy dầu, chạy khí để chuẩn bị cho mùa khô này, mục tiêu là bằng mọi giá không để thiếu điện.
PV: Thuỷ điện đang đứng trước mối lo do thiên tai, hạn hán, nhưng với nhiệt điện, chúng ta cũng sẽ phải nhập khẩu than; trong khi đó, điện gió, điện mặt trời thì vẫn chưa phát triển được là bao. Điện hạt nhân thì cũng mới trong giai đoạn chuẩn bị. Vậy Bộ Công Thương đã tính toán và ứng phó với nguy cơ thiếu điện trong những năm tới như thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Đức Quân: Việc thực hiện các dự án điện sẽ cần một thời gian dài. Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Tổng sơ đồ Điện VII điều chỉnh); trong đó, mục tiêu cam kết cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế đất nước. Vấn đề cân đối điện, cân đối than đã được đề cập trong đó.
Về phía Bộ Công Thương cũng đã kiểm tra, rà soát các nguồn điện hiện có để làm sao phát điện hiệu quả, an toàn, không để thiếu điện. Thứ hai là các nguồn điện đang xây dựng thì tăng cường kiểm tra, đôn đốc để các dự án này đi vào hoạt động đúng tiến độ. Thứ ba là Bộ cũng đang nghiên cứu cùng các Bộ ngành trình Chính phủ xem xét các chính sách, cơ chế đặc thù để các nguồn điện mới xây dựng trong thời gian tới đảm bảo đúng tiến độ. Đơn cử như với các dự án cấp bách, Bộ hiện đang soạn thảo các cơ chế về vốn, ưu đãi, tư vấn thiết kế, đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng...
Tổng sơ đồ Điện VII điều chỉnh được phê duyệt đã có xem xét và tính toán đến các nguy cơ thiếu điện: nguồn phát điện nào phải đẩy nhanh, nguồn phát điện nào đã xong thì phải vận hành tốt, làm sao trong giai đoạn 2018 – 2020 hệ thống điện phải có dự phòng. Còn đối với các dự án mới, điện “sạch” thì Bộ cũng đang làm việc với các Bộ ngành, địa phương liên quan để soạn thảo cơ chế, chính sách thực hiện.
PV: Theo ông, để đảm bảo cung ứng điện cho mùa khô năm nay và phòng ngừa thiếu điện cho nhiều năm tiếp theo phục vụ giai đoạn phát triển kinh tế 5 năm 2016-2020, ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng đã và đang thực hiện những giải pháp gì để đáp ứng cung cầu về điện?
Ông Đỗ Đức Quân: Nhu cầu phụ tải điện trong năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016 có xu hướng tăng cao. Trước đây, nếu phụ tải điện chỉ khoảng 10-12%; nhưng 3 tháng đầu năm vừa rồi đã lên đến 13-14%. Điều này có nghĩa rằng nhu cầu sử dụng điện cho phát triển kinh tế đã có sự thay đổi. Đứng trước tình hình hạn hán, El Nino trong năm nay, Bộ đã chỉ đạo EVN và các đơn vị phát các nguồn, kể cả chạy dầu, vừa đảm bảo cung cấp điện, vừa cấp nước cho hạ du các địa phương.
Trong giai đoạn 2016-2020, theo nghiên cứu và Tổng sơ đồ Điện VII điều chỉnh, rất có thể sẽ căng thẳng nguồn điện ở miền Nam. Do vậy, để đảm bảo việc cung cấp điện an toàn, ổn định, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị, các nhà máy đang vận hành phải đảm bảo công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, có kế hoạch sản xuất để đảm bảo hệ thống điện vận hành tin cậy. Còn đối với các dự án đang triển khai thì các đơn vị phải đáp ứng đúng tiến độ trong Tổng sơ đồ Điện VII điều chỉnh được phê duyệt.
Với các vấn đề về vốn, đây là vấn đề dài hạn, cần phải tạo vốn đầu tư phát triển bằng cổ phần hoá, phát hành trái phiếu, rồi kêu gọi các nguồn đầu tư nước ngoài, xã hội hoá. Vấn đề này các đơn vị có thể huy động được từ nhiều nguồn.
Về cơ chế giá bán điện, chúng ta đang tiến tới giá bán điện theo cơ chế thị trường và làm sao đảm bảo cho nhà đầu tư thu hồi được vốn, có lợi nhuận.
Ngoài thuỷ điện ra, các dự án nhiệt điện ở miền Nam đang gặp vấn đề thiếu than. Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản (TKV) đảm bảo cung ứng than đầy đủ, đồng thời yêu cầu các đơn vị nhập khẩu than tìm kiếm các nguồn nhập khẩu để sẵn sàng nguồn nhiên liệu cho các nhà máy chạy than trrong giai đoạn tới.
Đối với tổ chức quản lý, Bộ cũng đã chỉ đạo sát sao các đơn vị nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất kinh doanh như các đơn vị của EVN, giảm chi phí, tăng năng suất lao động.
Một giải pháp khác mà Bộ cũng đã tích cực thực hiện trong những năm qua là sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Mục tiêu là làm sao cả nước tiết kiệm được 10% điện năng, tương đương trên 10 tỷ kWh. Do vậy, Bộ Công Thương kêu gọi toàn dân sử dụng tiết kiệm điện, tắt các thiết bị sử dụng điện không cần thiết vào giờ cao điểm, sử dụng công nghệ mới tiết kiệm năng lượng, giảm công suất đỉnh vào giờ cao điểm, từ đó giúp giảm gánh nặng đầu tư cho ngành điện.
PV: Xin cảm ơn ông !