Quản lý năng lượng

Đảm bảo năng lượng cho sự phát triển kinh tế, xã hội

Thứ ba, 8/9/2020 | 15:52 GMT+7
Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị giải trình về "Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội". 

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
 
Ngành điện đã đạt nhiều thành tựu
 
Báo cáo giải trình về tình hình thực hiện Quy hoạch Điện 7, Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, sau gần 10 năm thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, ngành điện Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong các lĩnh vực, bám sát các quan điểm phát triển và đã đạt được nhiều mục tiêu quy hoạch đề ra. Ngành điện đã cung cấp điện ổn định, an toàn, cơ bản đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 
 
Tuy nhiên, ngành điện nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó, phải kể đến tình trạng mất cân đối nguồn cung điện giữa các vùng miền. Ở miền Bắc và miền Trung xảy ra tình trạng thừa cung, trong khi đó, ở miền Nam nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu.
 
Nguồn điện từ năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhưng hệ thống truyền tải điện để giải tỏa công suất phát triển chưa đồng bộ. Một số dự án điện (chủ yếu điện mặt trời) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, với tổng công suất khoảng 690 MW đã phải hạn chế một phần công suất phát. Đến cuối năm 2020, khi các công trình lưới điện truyền tải đang thi công tại khu vực này được đưa vào vận hành thì tình trạng này mới được giải quyết.
 
Việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu. Việt Nam đã phải nhập khẩu than và tới đây sẽ phải nhập khẩu LNG cho sản xuất điện. Ước tính cần nhập khoảng 60 triệu tấn than và 12 triệu tấn LNG vào năm 2030. Việc nhập khẩu năng lượng sơ cấp với khối lượng lớn nếu không có chiến lược phù hợp có thể tiềm ẩn rủi ro cho an ninh năng lượng.
 
Huy động vốn cho các dự án điện gặp nhiều khó khăn. Trung bình mỗi năm nhu cầu vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện khoảng 8-10 tỷ USD. Các tập đoàn nhà nước đều gặp khó khăn về tài chính nên việc huy động vốn cho các dự án của họ cũng gặp khó khăn. Các dự án nguồn điện do tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài cũng gặp khó khăn do yêu cầu cao từ các bên cho vay (bảo lãnh Chính phủ, chuyển đổi ngoại tệ …). 
 
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Đó là việc cơ chế chính sách đối với ngành điện còn thiếu đồng bộ, chậm được đổi mới; nguồn lực đầu tư còn hạn chế và dàn trải; Chất lượng xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch ngành điện chưa cao thể hiện ở tính dự báo, điều chỉnh kịp thời, đồng bộ, khả thi; chưa có cơ chế giám sát thực hiện chiến lược, quy hoạch ngành điện; Các văn bản pháp luật liên quan đến cung ứng điện còn nhiều bất cập, mâu thuẫn, còn nhiều vướng mắc; Chưa có cơ chế đấu thầu để thu xếp vốn đầu tư cho ngành điện; Chưa có chế tài ràng buộc trách nhiệm của các chủ đầu tư khi thực hiện chậm trễ các dự án điện; Sự phối hợp của các địa phương trong công tác triển khai các dự án điện chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt, một số địa phương không nghiêm túc thực hiện quy hoạch được duyệt khiến quy hoạch bị phá vỡ; Công tác quản lý nhà nước trong quá trình chuẩn bị và thực hiện đầu tư còn bất cập; quy định của pháp luật còn chồng chéo, không rõ ràng; thiếu cơ chế đặc thù cho phát triển ngành điện, nhất là các dự án cấp bách, quan trọng; Kế hoạch, tiến độ thực hiện, xác định nguồn lực một số dự án điện chưa rõ ràng. Nhiều vướng mắc trong đàm phán các dự án BOT khiến thời gian phát triển dự án kéo dài. Cơ chế giá điện thiếu đột phá, chậm thay đổi, chưa có giá điện hai thành phần, giá mua điện theo miền, theo khu vực để đưa ra tín hiệu định hướng đầu tư và phát triển phụ tải; Năng lực của các nhà đầu tư cũng như nhà thầu trong nước còn hạn chế cả về tài chính và kỹ thuật. Việc nội địa hóa các vật tư, thiết bị ngành điện chưa đạt yêu cầu… 
 
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID 19, nhu cầu phụ tải trong giai đoạn tới về cơ bản sẽ thấp hơn so với các kết quả dự báo trước đây. Nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn 2021-2030. Năm 2025 dự kiến đạt khoảng 337,5 tỷ kWh và năm 2030 dự kiến đạt khoảng 478,1 tỷ kWh. Công suất nguồn điện năm 2030 dự kiến khoảng 138.000 MW, trong đó nhiệt điện than chiếm 27%, nhiệt điện dầu và khí chiếm 19%, thủy điện chiếm 18%, điện gió và mặt trời chiếm 28%, nhập khẩu 5%, còn lại là các nguồn khác.
 
Về các giải pháp trong phát triển ngành điện giai đoạn 2021-2030, Bộ trưởng Công Thương khẳng định sẽ xây dựng Quy hoạch Điện 8 đáp ứng tiến độ và đảm bảo chất lượng. 
 
Theo đó, Quy hoạch điện VIII dự kiến sẽ được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2020 và dự kiến được phê duyệt trong năm nay. Quy hoạch điện VIII phải đảm bảo được tính khoa học, ổn định, chính xác, đồng bộ và linh hoạt; nâng cao tính khả thi của các đề xuất trong quy hoạch. Tăng tính áp chế trong việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực. Việc thực hiện quy hoạch phải được coi là bắt buộc với các đơn vị được giao.
 
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh sẽ khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực phát điện, truyền tải điện và bán buôn, bán lẻ điện theo cơ chế thị trường. Khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng tái tạo thông qua các cơ chế chính sách hỗ trợ. Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp cụ thể thích hợp cho từng dạng năng lượng tái tạo theo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Khuyến khích đầu tư vào các công trình nguồn điện tại nước ngoài để nhập khẩu về Việt Nam… Xây dựng cơ chế, chính sách tài chính để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư vào ngành điện. 
 
Đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ, thực hti chính sách bảo vệ môi trường trong phát triển điện lực. Tiếp tục chủ trương sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phải là quốc sách....
 
Đảm bảo an ninh năng lượng là nhiệm vụ quan trọng

Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh việc phải làm rõ thực trạng đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước hiện nay và định hướng phát triển trong thời gian tới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, chỉ ra những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đề xuất các giải pháp để tổ chức thực hiện.
 
An ninh năng lượng là vấn đề mang tính toàn cầu và an ninh năng lượng chưa được đảm bảo theo đúng định nghĩa và yêu cầu. Mặc dù kết quả đạt được là tích cực, tốc độ tăng trưởng của ngành năng lượng luôn gấp từ 1,5 đến 2 lần so với tăng trưởng kinh tế của đất nước. Song vấn đề an ninh năng lượng của Việt Nam vẫn đang là những thách thức lớn cần vượt qua. 
 
Việc điều chỉnh quy hoạch, chấp hành quy hoạch còn có những hạn chế, có lúc có nơi chưa nghiêm. Công tác phối hợp, điều hành, quản lý còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, xung đột, thủ tục kéo dài. Nhiều dự án triển khai chậm tiến độ. Việc sử dụng, khai thác năng lượng còn chưa hiệu quả và lãng phí tài nguyên.
 
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, những năm qua, ngành năng lượng cả sơ cấp và thứ cấp đều được vận hành theo cơ chế thị trường và đạt kết quả tốt. Riêng thị trường điện thực hiện theo quy định của Luật Điện lực, Luật Giá và theo lộ trình được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, thị trường phát điện cạnh tranh (cấp độ 1) đã được Chính phủ vận hành từ 01/7/2012, từ chỗ chỉ có 32 nhà máy với tổng công suất 9.200 MW tham gia thì đến 3/2020 đã là 98 nhà máy với công suất 26.895 MW, bằng khoảng gần 50% tổng công suất điện toàn quốc. Trên cơ sở đó đã đưa thị trường bán buôn điện vào vận hành từ 01/01/2019. Cơ chế này đã tạo ra sự cạnh tranh, giảm chi phí, giảm độc quyền, tạo sự bình đẳng và niềm tin cho các nhà đầu tư; tiết kiệm được năng lượng đầu vào, tiết kiệm chi phí, là cơ sở để hình thành thị trường bán lẻ điện. Tuy nhiên so với yêu cầu của một thị trường đầy đủ, giá cả được tính đúng, tính đủ, có lợi nhuận hợp lý, hạn chế bao cấp, tạo nguồn lực tích lũy để đầu tư phát triển thì thị trường điện, giá cả kể cả bán buôn và bán lẻ còn có một khoảng cách, chưa thực sự phản ánh quan hệ cung cầu, chưa theo quy luật giá trị, cơ chế giá điện thiếu đột phá, chậm thay đổi, chưa thực sự phù hợp theo vùng miền, chưa đưa ra tín hiệu định hướng đầu tư. 
 
Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc đầu tư vừa qua chậm, không thực hiện được quy hoạch còn có một nguyên nhân thiếu nguồn lực tài chính, vì khả năng tài chính của các nhà đầu tư, các tập đoàn là có hạn, khả năng tín dụng của các ngân hàng có giới hạn, vay nước ngoài của một số dự án đã bị từ chối vì cơ chế hạn chế bảo lãnh của Chính phủ. Giá mua điện chưa hấp dẫn, lợi tức đem lại thấp, khó có thể thu hút các nhà đầu tư. 
 
Môi trường cũng là nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh năng lượng. Phát triển năng lượng với tốc độ cao trong thời gian qua đã góp phần vào sự phát triển đất nước. Nhưng vấn đề môi trường mà ngành năng lượng để lại sau nó lại là một thách thức không nhỏ. Qua khảo sát, vấn đề môi trường là vấn đề thách thức không nhỏ, nếu không được giải quyết thì đó là lực cản, là sự ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh năng lượng.
 
Vấn đề nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào ngành năng lượng cũng là một câu hỏi cần đặt ra. Công tác nghiên cứu khoa học để xử lý các vấn đề đặt ra của ngành năng lượng có mặt còn hạn chế. Việc áp dụng trình độ quản lý tiên tiến còn những bất cập nhất định.
 
Qua rà soát cho thấy, hệ thống pháp luật chưa thật hoàn thiện, có mặt chưa thống nhất, còn chồng chéo, chưa cập nhật với tình hình mới. Một số luật cần phải sửa đổi như: Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Bảo vệ môi trường, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… Công tác quản lý nhà nước còn hạn chế, sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương, giữa các bộ ngành, các địa phương còn nhiều vấn đề chưa tốt, còn chồng chéo và thậm chí xung đột, gây cản trở cho sự điều hành, quản lý và phát triển năng lượng.
 
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, để đảm bảo an ninh năng lượng, cần thực hiện tốt quy hoạch về năng lượng, đổi mới tư duy, đảm bảo năng lượng phải đi trước một bước. Phát triển năng lượng là sự phát triển tổng thể, phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của cả nước, của các ngành, các lĩnh vực, là bao trùm, là cốt lõi, là đi trước. Cương quyết không để lợi ích cục bộ của bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chi phối. Cơ cấu điện phải hợp lý: giữa nhiệt điện, thủy điện, điện tái tạo… Phải coi phát triển khoa học kỹ thuật, ứng dụng và nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ mới là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết các bài toán đặt ra, các hạn chế và vướng mắc hiện nay của ngành năng lượng. 
 
Mục tiêu lớn nhất, bao quát nhất là phải đảm bảo năng lượng cho sự phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, có cơ cấu hợp lý, tăng trưởng theo chiều sâu và không để bị động vì thiếu năng lượng. Do đó, phải tập trung xử lý, giải quyết những tồn tại, vướng mắc để đưa 10 dự án điện chậm tiến độ vào vận hành, nhất là các dự án Long Phú 1, Thái Bình 2, Vũng Áng 2… Triển khai các tuyến truyền tải điện đã được phê duyệt, xử lý triệt để vấn đề môi trường đang tồn tại ở các nhà máy. Khẩn trương xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và thông qua quy hoạch của ngành năng lượng nói chung và quy hoạch sơ đồ điện VIII nói riêng đảm bảo có tầm nhìn, có sự kế thừa sơ đồ điện VII điều chỉnh, có cơ cấu hợp lý, lấy hiệu quả làm chính, tránh tư tưởng cục bộ của các bộ, ngành, địa phương. Áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại có khả năng tiết kiệm nguyên liệu, tiết kiệm chi phí, giảm thải tác hại môi trường. Hết sức chú ý đến ngành cơ khí, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ… để giúp các doanh nghiệp này phát triển. Tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện giá bán buôn và bán lẻ điện đảm bảo các nguyên tắc của cơ chế thị trường, tính đúng, tính đủ và tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư ngành năng lượng, khắc phục cho được cách tính giá điện chưa hợp lý như hiện nay.
 
Phát triển ngành năng lượng phải gắn với đảm bảo môi trường, xử lý kịp thời vấn đề môi trường, hướng tới một nền năng lượng xanh, sạch, tiết kiệm và hiệu quả. Sớm sửa đổi một số luật có liên quan đảm bảo sự thống nhất, tránh chống chéo và tháo gỡ được khó khăn cho phát triển ngành năng lượng. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền để thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất, sử dụng năng lượng đảm bảo an ninh năng lượng trong tình hình mới.
 
“Theo đánh giá của tôi thì phiên giải trình rất thành công; đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nắm rất chắc vấn đề, cung cấp thêm các thông tin về an ninh năng lượng cho các ĐBQH; các bộ tham gia trả lời khá rõ ràng; các đại biểu hỏi và thảo luận rất tâm huyết” - Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định.
 
Nguyên Long