Đảm bảo vận hành an toàn, thông suốt hệ thống truyền tải điện quốc gia trước thiên tai, dịch bệnh khó lường

Thứ năm, 7/10/2021 | 14:47 GMT+7
Dịch covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường ở nhiều địa phương trên cả nước, thời điểm này cũng đang là cao điểm mùa mưa bão. 

Ảnh minh họa.
 
Xác định việc đảm bảo vận hành an toàn lưới điện quốc gia, đặc biệt, không để gián đoạn vận hành hệ thống đường dây và trạm biến áp 500 kV - công trình trọng điểm liên quan đến an ninh quốc gia là nhiệm vụ chính trị, Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện tốt “mục tiêu kép”. 
 
PV Nguyên Long phỏng vấn ông Lưu Việt Tiến - Phó Tổng giám đốc EVNNPT về nội dung này.
 
PV: Thưa ông, mùa mưa bão diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, xin ông cho biết các giải pháp EVNNPT triển khai nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch gắn với vận hành thông suốt hệ thống truyền tải điện quốc gia?
 
Ông Lưu Việt Tiến: Để sẵn sàng đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, EVNNPT đã yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của địa phương và EVN về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
 
Theo dõi thường xuyên, đồng thời các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết và diễn biến dịch bệnh COVID-19 qua các phương tiện thông tin đại chúng, bản tin Viber, Facebook của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ Y tế để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho các tập thể, cá nhân liên quan chủ động phòng tránh, ứng phó đảm bảo an toàn.
 
Lập danh sách các nguồn lực phải huy động để ứng phó thiên tai trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là lực lượng xung kích phòng chống thiên tai. Bổ sung kịch bản, phương án phòng, chống thiên tai trong điều kiện có dịch bệnh COVID-19 và có trường hợp nghi nhiễm COVID-19.
 
Rà soát, hiệu chỉnh phương án ứng phó thiên tai phù hợp với tình hình dịch bệnh; đặc biệt tại các đơn vị đang thực hiện yêu cầu cách ly tập trung. 
 
Chuẩn bị dụng cụ, trang thiết bị, thuốc men, khẩu trang y tế, xịt khử khuẩn, đồ bảo hộ y tế,... đảm bảo an toàn dịch bệnh trong trường hợp phải tập trung chỉ đạo hoặc đi kiểm tra hiện trường và các lực lượng được huy động tham gia công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
 
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, ký kết quy chế, thỏa thuận hoặc biên bản phối hợp giữa các Tổng công ty, giữa các đơn vị đóng trên địa bàn hoặc khu vực để kịp thời hỗ trợ ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và vẫn đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh.
 
Tăng cường, chủ động phương án kết nối, chỉ đạo trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin (điện thoại, email, D-Office; Zoom Meeting, Microsoft Teams; mạng xã hội Facebook, Viber, Zalo,...) phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy điều hành ứng phó.
 
Căn cứ tình hình và điều kiện thực tế, điều chỉnh công tác trực ban và báo cáo tình hình thiên tai với hình thức phù hợp về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương, địa phương và EVN.
 
Chủ động làm việc với các đơn vị có năng lực để kịp thời sàng lọc, kiểm tra, xét nghiệm COVID-19 cho cán bộ công nhân viên của đơn vị.
 
Đảm bảo đầy đủ chế độ chính sách, bồi dưỡng cho lực lượng tham gia trực tiếp công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. 
 
PV: EVNNPT đang quản lý vận hành khá nhiều TBA 500kV là các điểm nút quan trọng. Lưới điện lại trải dài trên cả nước, đi qua nhiều địa hình miền núi khó khăn, hiểm trở… Việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số được EVNNPT thực hiện như thế nào, và công tác số hóa mang lại hiệu quả như thế nào trong công tác quản lý, vận hành và phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thưa ông?
 
Ông Lưu Việt Tiến: Thực hiện chỉ đạo của EVN về việc nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào hoạt động SXKD và xây dựng kế hoạch triển khai chủ đề năm 2021 “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, EVNNPT đã đạt được nhiều kết quả trong công tác quản lý vận hành và phòng chống thiên tai, dịch bệnh.
 
Về công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải: 100% cơ sở dữ liệu thiết bị lưới điện truyền tải đã được số hóa; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xử lý hình ảnh hiện trường thu thập từ thiết bị bay UAV và hệ thống camera lắp đặt trên đỉnh cột và trong các trạm biến áp; Xây dựng phần mềm, số hóa toàn bộ các công tác liên quan đến kiểm tra, quản lý đường dây truyền tải điện, trạm biến áp và công tác thí nghiệm; Xây dựng quy trình, phần mềm ứng dụng sửa chữa bảo dưỡng lưới điện theo điều kiện vận hành của thiết bị (Condition Based Maintenance - CBM) cho các thiết bị quan trọng như máy biến áp, máy cắt; Xây dựng phần mềm thư viện điện tử, số hóa toàn bộ tài liệu kỹ thuật của lưới truyền tải điện để chia sẻ, dùng chung trong Tổng công ty; Ứng dụng quản lý lưới điện truyền tải trên nền tảng hệ thống thông tin địa lý (GIS); Ứng dụng công nghệ giám sát khả năng tải của đường dây theo điều kiện thời tiết.
 
Dự kiến sang năm 2022, toàn bộ các công tác liên quan đến kiểm tra, quản lý đường dây truyền tải điện, trạm biến áp và công tác thí nghiệm sẽ được chuyển đổi số. Lực lượng lao động trực tiếp tại các đường dây, trạm biến áp và thí nghiệm khoảng 4.800 người sẽ chuyển từ phương thức tổ chức sản xuất cũ (bằng hình thức thủ công, báo cáo giấy…) sang phương thức tổ chức sản xuất mới trên nền tảng kỹ thuật số (bằng máy tính bảng, ứng dụng phần mềm, sử dụng thiết bị bay UAV, phân tích hình ảnh bằng AI, báo cáo tự động…). Từ đó cho phép EVNNPT tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng trong công tác quản lý vận hành.
 
Về công tác quản trị: Ứng dụng Hệ thống Digital Office của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các ứng dụng họp trực tuyến, nhờ đó 100% lao động gián tiếp làm việc từ xa trong thời gian các địa phương áp dụng chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Xây dựng báo cáo tổng hợp trên cổng thông tin điện tử thông qua báo cáo quản trị thông minh (BI); Quy trình hóa mọi hoạt động trong Tổng công ty; Ứng dụng chứng thư số nội bộ trên hệ thống EVNCA đến100% người lao động để áp dụng trong các ứng dụng/giao dịch quản lý nội bộ;
 
PV: Đâu là khó khăn, vướng mắc nổi cộm cần sự phối hợp từ các cơ quan chức năng liên quan để vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh của NPT, vừa đảm bảo vận hành an toàn hệ thống truyền tải điện quốc gia nhất là hệ thống truyền tải điện 500kV - công trình trọng điểm liên quan đến an ninh quốc gia, thưa ông?
 
Ông Lưu Việt Tiến: Trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay, nhiều địa phương áp dụng chỉ thị 16/CT-TTg hoặc 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù một số địa phương đã tạo điều kiện cho CBCNV của EVNNPT đi lại vào địa phương triển khai các công tác xử lý sự cố, quản lý vận hành cũng như đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, tuy nhiên EVNNPT vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là trong công tác đầu tư xây dựng:
 
Các địa phương ban hành các thủ tục cho phép thi công, thủ tục ra vào địa phương, thời gian và hình thức cách ly đối với người từ các vùng đang áp dụng chỉ thị 16/CT-TTg hoặc 15/CT-TTg vào địa phương khác nhau.
 
Lãnh đạo, cán bộ nhân viên của EVNNPT khó liên hệ với các sở, ngành và lãnh đạo địa phương để triển khai công việc bồi thường giải phóng mặt bằng vì địa phương đang tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch.
 
Do đó nhiều dự án của EVNNPT bị ảnh hưởng đến tiến độ vì dịch bệnh COVID-19, từ đó dẫn đến việc đảm bảo vận hành an toàn lưới điện truyền tải trong các tháng cuối năm 2021 và những năm tiếp theo gặp khó khăn.
 
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyên Long