Việt Nam đã khai thác gần như tối đa các nguồn thủy điện và than. Trong ảnh: Thủy điện Hòa Bình. Ảnh: V.T
Triển vọng và thách thức
Nhiều thập kỷ qua, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) được coi là một giải pháp năng lượng “xa xỉ”, vì dù có ưu điểm về bảo vệ môi trường, nhưng giá cao và bất ổn, phụ thuộc nhiều vào giá dầu mỏ, hạ tầng về vận chuyển, kho cảng và tái hóa khí phức tạp, đòi hỏi đầu tư lớn... Tuy nhiên, với những thay đổi gần đây trong bức tranh năng lượng thế giới, giá dầu mỏ có xu hướng giảm, cơ chế giá LNG đã có nhiều thay đổi, có khả năng ổn định hơn, khả năng độc lập hơn với giá dầu..., thì LNG đã trở thành một lựa chọn hấp dẫn và khả thi hơn nhiều.
Từ nhiều năm trước, Chính phủ đã ban hành Đề án Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Trong đó yêu cầu: “Cần nghiên cứu, tìm kiếm thị trường và đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiếp nhận LNG nhập khẩu với khối lượng khí tương đương từ 1 đến 4 tỷ m3/năm cho giai đoạn 2021-2025 và từ 6 đến 10 tỷ m3/năm giai đoạn 2026 - 2035”.
Mới đây, Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị đã khẳng định lại chiến lược đối với LNG, đó là “ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ LNG”, xây dựng cơ sở hạ tầng “đủ năng lực nhập khẩu LNG khoảng 8 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỷ m3 vào năm 2045”.
Mặc dù đã có Quy hoạch nhập khẩu LNG từ lâu, nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa có dự án LNG nào. Một trong những lý do là, những năm qua, Việt Nam chưa có nhu cầu cấp bách phải nhập khẩu khí, vì vẫn có thể dựa chủ yếu vào các nguồn thủy điện, than và khí tự nhiên trong nước. Tuy nhiên, đến nay, chúng ta đã khai thác hết giới hạn các nguồn thủy điện và than, tới mức không còn khả năng có các nguồn thủy điện lớn và than mới. Các nguồn khí tự nhiên trong nước cũng đang suy giảm đáng kể, trong khi chưa phát hiện thêm các nguồn khí tự nhiên đáng kể mới.
Thêm nữa, kể cả khi muốn nhập khẩu than để phát điện, thì điều này cũng khó khả thi, do nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã có chính sách hạn chế hoặc cấm cho vay phát triển nhiệt điện than. Do đó, nhập khẩu LNG sẽ gần như bắt buộc trở thành một giải pháp năng lượng trong tương lai của Việt Nam.
Làn sóng đầu tư mới?
Trong 2-3 năm qua, đã xuất hiện một làn sóng đề xuất các dự án phát điện từ khí từ nhiều công ty trong và ngoài nước. Trong số các nhà đầu tư nước ngoài, có rất nhiều thành phần: nhóm các công ty lớn, đã có nhiều thập kỷ kinh doanh LNG; nhóm các nhà sản xuất và cung ứng LNG hàng đầu thế giới; nhóm các công ty sản xuất thiết bị hàng đầu và các công ty xây lắp công trình; nhóm các công ty phát điện; nhóm các tổ chức đại diện cho các quỹ đầu tư.
Nhóm cuối cùng là các công ty nhỏ, mới được thành lập bởi một nhóm nhỏ các chuyên gia, nhà tư vấn, nhà kinh doanh, với mục tiêu phát triển, xin phê duyệt các dự án, rồi kêu gọi các công ty khác, có thể là một số trong các nhóm trên, tham gia. Trên thực tế, nhóm này tỏ ra rất tích cực và có một số lợi thế (tính linh hoạt cao), khi phát triển dự án. Có lẽ một phần vì thế mà dự án điện khí LNG đầu tiên được Chính phủ phê duyệt - Dự án Điện khí Bạc Liêu - là do một trong những công ty thuộc nhóm này đề xuất.
Các nhóm đã soạn thảo và đệ trình lên các cấp nhiều dự án khác nhau, tập trung ở các tỉnh ven biển miền Trung và miền Nam, như ở Thị Vải, Long Sơn, Cà Ná, Kê Gà, Vân Phong... Theo thống kê sơ bộ, tổng công suất các nhà máy điện tua-bin khí hỗn hợp sử dụng nhiên liệu LNG nhập khẩu đã được phê duyệt và đang được đề xuất đầu tư tại miền Trung, miền Nam lên tới trên 40.000 MW. Theo đó, nhu cầu LNG nhập khẩu gần 30 triệu tấn/năm, vượt xa so với chỉ tiêu đề ra trong Quy hoạch và Nghị quyết 55.
Đã có ý kiến cho rằng, thực tế phát triển LNG có thể lớn hơn nhiều so với quy hoạch và chiến lược của Nhà nước, giống như những gì đã xảy ra với điện mặt trời trong 2 năm qua. Tuy nhiên, khác với các dự án điện mặt trời, các dự án điện LNG phần lớn có quy mô công suất và mức vốn đầu tư lớn hơn nhiều và phần lớn sẽ phải được tài trợ bởi các ngân hàng nước ngoài, với các tiêu chuẩn và điều kiện cho vay khắt khe hơn. Một phần vì thế nên có rất nhiều vấn đề chính sách, thể chế và pháp lý cần được giải quyết trước khi viễn cảnh trên có thể trở thành hiện thực.
Từ phía Chính phủ, cần sớn xác định rõ về quy mô, địa điểm, thời gian đưa vào vận hành các dự án điện khí LNG trong Quy hoạch điện VIII sắp tới, làm cơ sở cho các nhà đầu tư phát triển dự án, tránh tình trạng xin dự án tràn lan, lãng phí nguồn lực của xã hội. Bên cạnh đó, thay vì đưa ra cơ chế riêng cho từng dự án như đang áp dụng với các dự án Sơn Mỹ, Nhơn Trạch, Chính phủ cần có các chính sách và quy định pháp lý phổ quát cho các dự án trong lĩnh vực này, đặc biệt về cơ chế bao tiêu khí (take or pay), vấn đề chuyển giá khí vào giá điện...
Việc đồng bộ giữa hợp đồng mua bán khí với hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là một vấn đề thiết yếu cho các nhà đầu tư phát triển dự án, trong bối cảnh hợp đồng mua khí sẽ phải chịu nhiều bất ổn trên thị trường quốc tế, trong khi việc bán điện cho EVN ngày càng phải chuyển sang thị trường phát điện cạnh tranh theo cơ chế đấu giá. Vì cơ chế bảo lãnh của Chính phủ giống như với các dự án điện BOT hầu như sẽ không được áp dụng cho các dự án điện khí mới, nên cơ chế phân bổ rủi ro giữa các bên sẽ phải tìm ra những giải pháp để thỏa mãn lợi ích của các bên liên quan.
Với các nhà đầu tư, những vấn đề mới của kinh doanh dựa trên LNG cũng cần được tìm hiểu và làm rõ để có các quyết định và lựa chọn thích hợp, như các hình thức khác nhau của hợp đồng (giao ngay hay kỳ hạn), việc chọn mua theo hình thức đàm phán trực tiếp hay đấu thầu, các vấn đề liên quan đến vận chuyển và cung ứng…
Hy vọng là trong thời gian ngắn sắp tới, sẽ có một vài dự án được triển khai trong thực tiễn, làm cơ sở để xây dựng và hoàn thiện nền tảng cho một ngành công nghiệp năng lượng mới của Việt Nam.
Điện khí Bạc Liêu là dự án tích hợp tổng thể gồm nhà máy điện có tổng công suất thiết kế 3.200 MW; Trạm tiếp nhận và lưu trữ nhiên liệu có diện tích nổi FSU, hoặc trạm lưu trữ và tái hóa khí nổi FSRU có công suất lưu trữ 150.000 - 174.000 m3 khí tự nhiên hóa lỏng LNG; Trạm tái hóa khí và 35 km đường ống dẫn khí áp suất cao.
|