Đường dây điện vượt biển trên không 220kV Kiên Bình – Phú Quốc. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Triển khai thực hiện các Nghị quyết số 09-NQ/TW và Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, tính đến cuối năm 2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cung cấp điện tới 11/12 huyện đảo, 82/85 xã đảo với tổng số hơn 160.000 khách hàng (160 nghìn hộ tiêu thụ điện trên các đảo của cả nước).
Hiện nay, EVN đang khẩn trương triển khai dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, theo kế hoạch sẽ được khởi công vào đầu năm 2025 và hoàn thành đóng điện vào năm 2026.
PV Nguyên Long phỏng vấn ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về kế hoạch triển khai các dự án điện biển, đảo trong năm 2024, nhằm mục tiêu hoàn thành “Chương trình cấp điện nông thôn miền núi, hải đảo 2021- 2025” Chính phủ đề ra.
PV: Thưa ông, Chương trình cấp điện nông thôn miền núi, hải đảo 2021- 2025 được xác định tạo xung lực cho phát triển kinh tế các địa phương, các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Là một tập đoàn kinh tế của Nhà nước, EVN thực hiện nhiệm vụ này như thế nào?
Ông Võ Quang Lâm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam xác định cung cấp điện là điều kiện quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực biển đảo và giữ vững chủ quyền an ninh biển đảo. Đây cũng là nhiệm vụ mục tiêu để EVN triển khai theo các chủ trương lớn trong Nghị quyết 36-NQ/TW về phát triển kinh tế biển nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo vệ chủ quyền biển đảo, đảm bảo an ninh quốc phòng, đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Từ năm 2012, EVN đã tập trung đầu tư đưa điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm và đường dây trên không đến các huyện đảo Phú Quốc, Lý Sơn, Cô Tô, Kiên Hải; các đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Quan Lạn, Minh Châu, Bản Sen, Ngọc Vừng, Thắng Lợi (Quảng Ninh), Thạnh An (TP. HCM), Lại Sơn, Hòn Nghệ, Sơn Hải, Tiên Hải (tỉnh Kiên Giang) và Nhơn Châu (Bình Định). Riêng huyện đảo Phú Quốc do nhu cầu phụ tải tăng nhanh, bên cạnh việc cấp điện bằng đường cáp ngầm 110kV từ năm 2012, đến năm 2022 EVN cũng đã hoàn thành xây dựng thêm đường dây trên không 220kV Kiên Bình – Phú Quốc (trước mắt vận hành cấp điện áp 110kV). Bên cạnh đó, EVN cũng tiếp tục đầu tư cho các huyện đảo xa đất liền khó có khả năng cung cấp điện qua lưới điện quốc gia bằng các hệ thống điện tại chỗ từ nguồn diesel, năng lượng mặt trời, năng lượng gió tại Côn Đảo, Cồn Cỏ, Bạch Long Vỹ, Phú Quý và một số các xã đảo.
Đặc biệt, từ năm 2017 EVN đã chính thức tiếp nhận, cung cấp điện phục vụ đời sống của cán bộ chiến sỹ nhân dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 (Khánh Hòa).
Như vậy, đến nay EVN đã chủ động tiếp nhận và quản lý bán điện trực tiếp đến 11/12 huyện đảo trên cả nước (gồm: Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Trường Sa (Khánh Hòa), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang), đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện phục vụ cho người dân trên các đảo, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh chính trị và xã hội.
Với các huyện đảo, xã đảo sau khi EVN tiếp nhận lưới điện và quản lý cung cấp điện, EVN có các phương án đảm bảo cấp điện 24/24h thay vì chỉ 4-9h/ngày như thời gian trước khi tiếp nhận. Hàng năm, EVN thực hiện bù lỗ cho các huyện đảo, xã đảo sử dụng nguồn điện diesel tại chỗ có giá thành sản xuất điện cao. Sau khi tiếp nhận, EVN tiếp tục nghiên cứu các giải pháp cấp điện nhằm đáp ứng theo nhu cầu phát triển kinh tế biển đảo tăng liên tục qua các năm.
Những công trình của EVN thực hiện đưa điện lưới quốc gia đến các huyện đảo, xã đảo đã tạo điều kiện trực tiếp để phát triển các hoạt động du lịch, dịch vụ, sản xuất, thương mại, đánh bắt hải sản, hậu cần nghề cá…, đồng thời cũng góp phần làm cho đời sống của người dân trên đảo từng bước được khởi sắc, thay đổi.
Giá bán điện trên đảo áp dụng theo giá điện của Chính phủ như trên đất liền, thấp hơn rất nhiều so với giá điện trên đảo trước đây và thấp hơn so với giá thành sản xuất điện bằng dầu diesel, không chỉ đảm bảo công bằng giữa các hộ dân trên đất liền và hải đảo, mà còn tạo điều kiện cho nhân dân trên các huyện đảo có thêm nguồn lực, từng bước làm giàu và yên tâm bám biển, góp phần giữ vùng biên giới trên biển đảo của Tổ quốc. Như vậy, đến cuối năm 2023, EVN đã thực hiện cấp điện cho 100% xã, 99,74% số hộ dân được sử dụng điện, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,60% và cấp điện đến 11/12 huyện đảo (trừ huyện đảo Hoàng Sa).
Ông Võ Quang Lâm- Phó Tổng Giám đốc EVN.
PV: Được biết, EVN đang triển khai dự án cấp điện lưới quốc gia tới huyện đảo Côn Đảo. Xin ông cho biết cụ thể về công tác này?
Ông Võ Quang Lâm: Chúng tôi xác định Côn Đảo là hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí rất đặc biệt trong tâm trí và đời sống của mỗi người dân Việt Nam chúng ta. Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, EVN tôi đã phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẩn trương triển khai Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Phương án cấp điện được lựa chọn là cấp điện từ lưới điện quốc gia bằng tuyến cáp ngầm vượt biển, quy mô chiều dài tuyến cáp khoảng gần 78km, từ khu vực biển tỉnh Sóc Trăng ra huyện Côn Đảo.
Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 16/6/2023 với tổng mức đầu tư khoảng 5000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương hỗ trợ là 2526 tỷ, phần còn lại là vốn tự có của EVN. Đặc biệt, trong ngày 18/01/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội Khoá XIV thì Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giao vốn khoảng 2.500 tỷ đồng cho EVN để góp phần vào việc thực hiện dự án cấp điện cho huyện đảo Côn Đảo.
Nhận thức được sự cần thiết phải sớm hoàn thành Dự án đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng cho huyện đảo trong thời gian tới, EVN đã xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện các bước tiếp theo của Dự án theo quy định của pháp luật, với mục tiêu sẽ khởi công vào năm 2025 và hoàn thành năm 2026.
Hiện tại, EVN đang trình Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt dự án để khẩn trương thực hiện các bước tiếp theo, đảm bảo tiến độ chung của toàn dự án.
PV: Xin ông cho biết nhiệm vụ của EVN trong năm 2024 đối với việc cấp điện biển đảo và thực hiện Chương trình cấp điện nông thôn miền núi, hải đảo 2021- 2025 ra sao?
Ông Võ Quang Lâm: Đến hết năm 2023, EVN đã cung cấp điện tới 11/12 huyện đảo, 82/85 xã đảo với tổng số hơn 160.000 khách hàng, chiếm tỷ trọng 0,56% tổng số khách hàng của EVN. Cấp điện cho các hộ dân nông thôn, miền núi và hải đảo sẽ tạo động lực xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần thực hiện công bằng, an sinh xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị, giữ vững an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biển đảo của Tổ quốc; tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất của người dân khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo. Vì vậy, hàng năm EVN đều có kế hoạch cải tạo, sửa chữa đầu tư xây dựng tăng cường khả năng cung cấp điện cho các huyện đảo, xã đảo EVN đã tiếp nhận quản lý cung cấp điện và xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên liên tục như đối với các công trình điện trên đất liền.
Năm 2024, EVN tập trung nguồn lực vào việc thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng đường dây cấp điện cho huyện đảo Côn Đảo, đây là đường dây xa đất liền nhất hiện nay, có độ sâu đáy biển lớn và yêu cầu kỹ thuật cao. Dự án cấp điện lưới quốc gia cho huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có ý nghĩa vô cùng quan trọng, dự kiến sẽ triển khai thi công năm 2025 và hoàn thành năm 2026.
PV: Việc kéo điện lưới quốc gia tới các huyện đảo, xã đảo bằng cáp ngầm (như tới huyện đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi; Đảo Trần – Cô Tô, Quảng Ninh, xã đảo Kiên Hải, Kiên Giang… ) đã cho hiệu quả rõ rệt. Việc ứng dụng công nghệ, đầu tư xây dựng đã khó, việc bảo đảm cho dòng điện được thông suốt chắc hẳn còn khó khăn hơn nhiều. Xin ông chia sẻ về công tác quản lý, vận hành hệ thống đường cáp ngầm cấp điện xuyên biển tới các đảo thời gian qua?
Ông Võ Quang Lâm: Việc cấp điện bằng cáp ngần xuyên biển có nhiều ưu điểm, có thể kể đến như: vận hành ổn định, độ an toàn cao; Cáp ngầm giảm tác động đến môi trường, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường… Song, cũng có một số khó khăn trong vận hành, như: Tuyến cáp ngầm đặt dưới đáy biển có độ sâu trung bình hơn 30m, thường xuyên chịu tác động của áp lực nước biển, sóng lớn và điều kiện thời tiết khắc nghiệt, môi trường muối mặn ảnh hưởng tới tuổi thọ của cáp ngầm; Khi có tàu thuyền neo đậu, các mỏ neo của tàu bè dễ tác động vào cáp gây ảnh hưởng đến đoạn cáp ngầm và về lâu dài có thể gây ra sự cố cho đoạn cáp ngầm xuyên biển…, và nếu xảy ra sự cố, do cáp dưới đáy biển đòi hỏi phải có tàu nâng cáp chuyên dụng và đòi hỏi các phương tiện đặc biệt và khả năng kỹ thuật cao. Việc này cần phải thuê đơn vị nhà thầu có đầy đủ năng lực thực hiện dẫn đến thời gian xử lý sự cố kéo dài, chi phí xử lý sự cố lớn.
Để giảm thiểu các sự cố, bảo công tác quản lý vận hành đảm bảo cung cấp điện ổn định cho khu vực biển đảo, các đơn vị trong EVN đã phối hợp với địa phương thông báo hàng hải tuyến cáp ngầm biển, tuyên truyền về hành lang bảo vệ an toàn tuyến cáp ngầm biển, đặc biệt phối hợp là hướng dẫn, lai dắt tàu thuyền tránh trú bão để đảm bảo tuyến cáp ngầm biển; Thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, kịp thời khắc phục các tồn tại liên quan đến báo hiệu hàng hải như sơn sửa, bảo dưỡng phao biển, biển báo trên bờ, thay thế các đèn tín hiệu phao biển; Chuẩn bị sẵn sàng vật tư xử lý sự cố, thuê nhà thầu có đầy đủ năng lực xử lý sự cố cáp dưới biển để có thể xử lý sự cố một cách nhanh nhất khi sự cố xảy ra…
Đến nay, các tuyến cáp ngầm cấp điện từ đất liền ra các huyện đảo đều vận hành an toàn, đảm bảo dòng điện thông suốt phục vụ sản xuất, sinh hoạt và an ninh quốc phòng trên đảo.
Do đặc điểm các vùng biển đảo độc lập với đất liền, điều kiện khí hậu nắng gió, mưa bão theo mùa, vị trí địa lý, độ sâu đáy biển, khả năng nhiễm mặn của thiết bị, các loại thiết bị công nghệ hiện có trong nước, trên thế giới để cung cấp điện, khả năng vốn đầu tư…. Sẽ là các yếu tố quyết định đến giải pháp cấp điện bằng điện lưới quốc gia hay nguồn điện tại chỗ. Qua thực tế cấp điện cho huyện đảo trong nước cho thấy, đối với việc đầu tư cấp điện bằng lưới điện quốc gia, với đặc điểm các đảo ở xa bờ trên 100km, độ sâu của biển lớn có nơi đến trên 90 m, trong khi phụ tải ngoài đảo không lớn, việc cấp điện lưới quốc gia khó cả về giải pháp kỹ thuật cũng như vốn đầu tư lớn. Việc thiết kế, thi công các công trình trên biển đòi hỏi có nhiều kinh nghiệm, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, việc cung cấp thiết bị mang tính đơn chiếc, đòi hỏi kỹ thuật cao ít nhà thầu trên thế giới thực hiện được, có ít sự lựa chọn, dẫn tới vốn đầu tư lớn. Vốn đầu tư lớn gấp nhiều lần so với đất liền, không có hiệu quả về mặt tài chính, các dự án này phục vụ về an ninh quốc phòng và chủ quyền biển đảo, trong khi nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cần phải cân nhắc khi lựa chọn giải pháp cấp điện.
Đối với đầu tư và vận hành cung cấp điện bằng các nguồn tại chỗ: Hiện nay cũng có nhiều công nghệ cấp điện bằng nguồn tại chỗ như năng lượng mặt trời, gió, diesel, tuy nhiên giá thành sản xuất điện của diesel lớn, cung cấp nhiên liệu khó khăn, nhất là mùa mưa bảo biển động, còn đối với nguồn năng lượng tái tạo mặc dù đã có nhiều công nghệ cung cấp các thiết bị có hiệu suất cao hơn, tuy nhiên các điều kiện về nhiễm mặn có tác động rất lớn giảm tuổi thọ của thiết bị so với tiêu chuẩn, nhanh hỏng, việc thay thế, sửa chữa, hạn chế do khoảng cách xa bờ và phụ thuộc vào điều kiện thời tiết mưa bão, biển động làm cho việc cung cấp điện không được ổn định, liên tục. Vì vậy, tùy từng điều kiện cụ thể sẽ quyết định hình thức cấp điện cho phù hợp với các huyện đảo, xã đảo.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!