Tiềm năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) ở Việt Nam còn rất lớn. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả góp phần quan trọng đưa Việt Nam đạt mục tiêu cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050 - thông tin được đưa ra tại hội thảo khởi động dự án “Đẩy mạnh hoạt động TKNL trong các doanh nghiệp lớn thông qua hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống và thực hành TKNL trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam” (dự án IEEP) do Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) và Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương phối hợp tổ chức ngày 15/11/2023.
Báo cáo tại hội thảo của Bộ Công Thương cho thấy, tiềm năng TKNL trong khối doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp công nghiệp nói riêng là rất lớn. Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng TK&HQ giai đoạn 2019-2030 đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm mức tổn thất điện năng xuống dưới 6,5% và dưới 6% vào năm 2030, đồng thời, giảm mạnh mức tiêu hao năng lượng trung bình trong các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng như thép, hoá chất, nhựa, xi măng, dệt may, rượi bia nước giải khát, giấy… so với giai đoạn 2015-2018.
Ông Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương khẳng định, trong quá trình triển khai các Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn từ năm 2006 -2015 và giai đoạn 2019-2030, Chính phủ Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ đáng kể và hiệu quả từ nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Liên minh Châu Âu, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc, các chính phủ Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản... thông qua những gói hỗ trợ về tài chính cũng như việc chuyển giao những kinh nghiệm quản lý và kỹ thuật tiên tiến đang được ứng dụng ở các nước phát triển.
Cụ thể về dự án “Đẩy mạnh hoạt động TKNL trong các doanh nghiệp lớn thông qua hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống và thực hành TKNL trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam” (dự án IEEP), với vai trò Giám đốc Ban quản lý Dự án, ông Phương Hoàng Kim cho biết, Dự án IEEP đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Bộ Công Thương triển khai các hoạt động nhằm đạt được các mục tiêu của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là trong giai đoạn 2019-2025 với mục tiêu tiết kiệm được từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng trên toàn quốc.
"Việc xây dựng và triển khai thực hiện Dự án IEEP thể hiện nỗ lực của của Bộ Công Thương với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNIDO để hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001 và tối ưu hóa các hệ thống sử dụng năng lượng chính cũng như tăng cường nguồn nhân lực về kỹ thuật và tài chính để thúc đẩy áp dụng hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống một cách rộng khắp trong các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam…Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam tiếp cận Dự án, nắm bắt các thông tin cụ thể hơn về các hỗ trợ từ Dự án".
Bà Kristina Bünde, Trưởng ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam chia sẻ, “chuyển dịch năng lượng bền vững là một trong những ưu tiên của EU trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển xanh và bền vững. Chúng tôi hy vọng, Dự án IEEP- 1 hợp phần thuộc SETP- sẽ giúp Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đạt được những mục tiêu đề ra, cũng như góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết về chuyển dịch năng lượng bền vững và đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050”.
Còn theo ông Sajaya Man Shrestha - Quản lý dự án của UNIDO, dự án nhằm mục tiêu nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp và là bước tiếp theo để “phát quang” các dự án đã triển khai trước đây.
Cụ thể, với sự tài trợ của EU, Dự án được triển khai thực hiện trong thời gian 5 năm (từ 2023 đến 2027), gồm 3 hợp phần chính, bao gồm: Tăng cường khung thể chế và chính sách; thực hiện các chương trình xây dựng và nâng cao năng lực; thực hiện các dự án về hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống, tập trung vào 10 ngành mục tiêu gồm: Giấy và bột giấy, chế biến thực phẩm, chế biến thủy sản, dệt may, sản xuất hóa chất và phân bón, chế biến cao su, luyện lim và thép, xi măng, nhựa và đồ uống.
Bà Lê Thị Thanh Thảo - Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tại Việt Nam cho rằng, "có thể nói các chính sách của Việt Nam vì phát triển công nghiệp bền vững nói riêng hay phát triển bền vững, tăng trưởng xanh nói chung thì có rất nhiều. Tuy nhiên, theo tôi thì việc quan trọng nhất bây giờ là các chính sách đó cần phải cụ thể hóa và làm sao để mà các bên có liên quan, đặc biệt là trong các doanh nghiệp công nghiệp, các ngành công nghiệp có thể thực hiện được. Và điều quan trọng nhất là việc giúp hỗ trợ để các doanh nghiệp và các bên có liên quan có thể thực hiện được các chính sách đó, thì đó là việc làm sao mà chúng ta phải nâng cao việc tiếp cận thông tin tuyên truyền cũng như là đào tạo, nâng cao năng lực, nâng cao khả năng kỹ thuật để áp dụng các giải pháp kỹ thuật cũng như tiếp cận tài chính để đầu tư cũng như là chuyển giao công nghệ)".
Cùng với các ý kiến góp ý, chia sẻ về các giải pháp TKNL, khả năng tiếp cận nguồn vốn “tín dụng xanh” cho TKNL trong các ngành công nghiệp cũng được nhấn mạnh. Theo chuyên gia Phạm Thị Hạnh Nhân, các ngân hàng đã và đang triển khai rất nhiều chính sách ưu đãi trong việc cấp “tín dụng xanh”. Có thể kể đến như Agribank triển khai chương trình nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh; Vietinbank, BIDV, Vietcombank, HDBank, SHB… và nhiều ngân hàng khác cũng đã có những ký kết và chuẩn mực trong việc cung cấp các nguồn tín dụng xanh theo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, như toà nhà xanh, giao thông xanh, nước sạch và xử lý nước thải, sản xuất sạch hơn… Liên quan đến “tín dụng xanh” cho “công nghiệp xanh” chuyên gia Phạm Thị Hạnh Nhân dẫn chứng cụ thể đối vơis lĩnh vực dệt may - một trong 10 lĩnh vực được điểm danh tại Dự án IEEP.
"Trong những tiêu chí mà để cung cấp tín dụng của BIDV có cả các dự án tiết kiệm năng lượng. Cho nên chúng ta có thể tiếp cận vào trong dự án này. Ví dụ những chương trình khác như BIDV đã đưa ra là 4.200 tỷ đồng để cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp dệt may thực hiện các dự án tín dụng xanh. Tôi thấy là dệt may cũng ở trong dự án IEEP này, cũng có tham gia là một trong những ngành tham gia của chúng ta và chương trình thực hiện đến 30/6/2024 này".
Đại diện cơ quan quản lý nhà nước, ông Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ TKNL & PTBV - Giám đốc Ban quản lý Dự án hy vọng, với những hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) trong quá trình thực hiện, Dự án sẽ đạt được mục tiêu đề ra là thúc đẩy và kích thích sự gia tăng nhu cầu thị trường và ứng dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong công nghiệp cũng như góp phần vào việc đạt được các mục tiêu của Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP 3).