Quản lý năng lượng

Đẩy mạnh truyền thông về tiết kiệm năng lượng

Thứ ba, 3/11/2015 | 09:56 GMT+7
Tổng cục Năng lượng ( Bộ Công Thương) và Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị 5 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng nặng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2011-2015.

Nhân viên Tổng công ty Điện lực miền Nam tuyên truyền cho người dân về chương trình tiết kiệm điện.

Ông Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam-cho biết, hội nghị nhằm nhận diện đầy đủ các rào cản, hạn chế làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện, rút kinh nghiệm để điều chỉnh các nội dung, thúc đẩy hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trong giai đoạn 2016-2020. Theo ông Hào, thành tựu đã đạt được trong giai đoạn 2011-2015 là mức năng lượng tiết kiệm được đạt gần 6% trên tổng tiêu thụ điện năng quốc gia. Đặc biệt, chúng ta đã hoàn thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, được cả hệ thống chính trị lẫn cộng đồng hưởng ứng mạnh mẽ đối với mục tiêu này.

Ông Trịnh Quốc Vũ - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và tiết kiệm năng lượng (Tổng Cục Năng lượng) đánh giá, hiện trạng sử dụng điện năng ở Việt Nam về cường độ năng lượng chỉ thấp hơn Trung Quốc, cao gấp 6 lần Nhật Bản.

Bên cạnh đó, theo Vụ Năng lượng, chương trình dán nhãn thúc đẩy thị trường thiết bị hiệu suất cao đã tổ chức xây dựng gian hàng tiết kiệm năng lượng (đạt mức 5 sao nhãn năng lượng) tại các siêu thị, lượng bán ra của các thiết bị như ti vi, máy lạnh, quạt điện… có dán nhãn năng lượng đã chiếm trên 90%. Tổng  sản lượng ti vi tiêu thụ năm 2014 đạt khoảng 1,4 triệu /bộ, tăng 20% so với năm 2013, trong đó ti vi sử dụng công nghệ inverter chiếm khoảng 30%. Với 7 nhãn sản phẩm dân dụng dán nhãn, lượng điện tiết kiệm đã tăng dần từ 0,3% năm 2013 lên 3,1% năm 2015.

Tại TP.Hồ Chí Minh, tổng lượng điện tiết kiệm được trong giai đoạn 2011-2015 đạt hơn 2,2 tỷ kWh, tiết kiệm chi phí 3.700 tỷ đồng, làm giảm gần 1,2 triệu tấn CO2 phát thải ra môi trường.

Tiến sĩ Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.Hồ Chí Minh cho biết, hoạt động tiết kiệm năng lượng trong mục tiêu tăng trưởng xanh tại TP.Hồ Chí Minh năm 2015 có 117 doanh nghiệp xây dựng định mức tiêu thụ năng lượng, 952 doanh nghiệp thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng, tổng điện năng tiết kiệm của khối này hơn 43,4 triệu kWh/năm và 462. 000 lít/năm. Theo ông Tước, hoạt động tiết kiệm năng lượng là một phần không thể thiếu trong chiến lược tăng trưởng xanh. Muốn đạt được mục tiêu này cần phải có các hỗ trợ về mặt chủ trương, chính sách từ cấp chính quyền địa phương trong việc hình thành các chương trình, chiến lược thực hiện tiết kiệm năng lượng, ứng dụng năng lượng tái tạo và mở rộng địa bàn. Chẳng hạn, tại TP.Hồ Chí Minh, tất cả các công ty, tập đoàn, hợp tác xã lớn, các đơn vị quản lý cơ sở hạ tầng đều phải ký cam kết với chính quyền thành phố trong việc thực hiện tiết kiệm năng lượng thì mới đạt hiệu quả cao.

Để mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng và hiệu quả, đại diện Tổng công ty Điện lực TP.Hồ Chí Minh cho rằng, ngoài công tác truyền thông, giác dục thường xuyên và rộng rãi, các chính sách về hỗ trợ cho chương trình cũng cần phải được bàn đến nhằm giúp doanh nghiệp có đủ lực để thực thi mục tiêu này. Theo đó, nên xây dựng, triển khai các cơ chế tài chính, thúc đẩy các dự án đầu tư vào tiết kiệm năng lượng như: cho vay ưu đãi, cơ chế hợp đồng dịch vụ năng lượng; hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng và đầu tư đổi mới công nghệ, thay các thiết bị cũ bằng thiết bị hiệu suất cao. Sớm ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển điện mặt trời và hướng dẫn việc mua lại điện năng dư thừa từ hộ tiêu thụ có trang bị hệ thống điện mặt trrời hòa lưới.
Theo: Báo Công thương