Để năng lượng xanh phát huy hết tiềm năng. Kỳ I. Tiềm năng tạo lợi thế

Thứ hai, 30/9/2024 | 08:02 GMT+7
Là một trong các tỉnh nằm ở vùng 3 trong biểu đồ khí tượng quốc gia, Phú Thọ có mật độ trung bình gần 2.000 giờ nắng/năm, cường độ bức xạ mặt trời đạt từ 3,5-4,1 kWh/m2/ngày, được đánh giá phù hợp để khai thác điện năng lượng mặt trời (NLMT) áp mái vào ứng dụng.

Xu hướng sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đã dần đi vào cuộc sống hàng ngày của người dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

"Xanh hóa" khu dân cư

Theo các chuyên gia năng lượng, nguồn điện này có thể sử dụng dưới dạng hòa lưới trực, hòa lưới bám tải có lưu trữ hoặc sử dụng độc lập như một máy phát điện. Ngoài ra khi phụ tải sử dụng không hết điện năng thì phần công suất dư thừa sẽ bán lại cho ngành điện để hòa vào lưới điện quốc gia.

Hệ thống điện NLMT áp mái được thiết kế dưới dạng những tấm pin cường lực lắp áp trên mái các công trình xây dựng để thu năng lượng mặt trời và chuyển hóa qua các thiết bị chuyên dụng thành điện năng phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, doanh nghiệp.

Xu hướng sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đã dần đi vào cuộc sống hàng ngày. Trong đó, nguồn điện được chuyển hóa từ ánh sáng mặt trời được coi là giải pháp mang tính chiến lược lâu dài, tiết kiệm chi phí tiền điện, bảo vệ môi trường góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Từ đường làng, ngõ xóm, đến các khu công nghiệp lớn của tỉnh, NLMT đang dần hiện hữu và minh chứng cho những tiềm năng của nó.

Năm 2022, một dự án mang tên “Công trình EVNNPC 2022 Thắp sáng làng quê” được triển khai tại các huyện: Cẩm Khê, Yên Lập, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Phù Ninh, TX Phú Thọ, Thanh Ba, Tam Nông, Thanh Sơn, Tân Sơn, Thanh Thủy và Trường PTDT nội trú huyện Tân Sơn.

Đây là dự án do Công ty Điện lực Phú Thọ phối hợp với các cơ quan đoàn thể của các địa phương khảo sát, lựa chọn triển khai lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng NLMT tại tuyến đường làng chưa có đèn đường. 246 bóng đèn NLMT trên 11 tuyến đường dài gần 14 km và 1 trường học với tổng mức đầu tư gần 1,7 tỷ đồng đã được bàn giao và đưa vào sử dụng.

Nối tiếp thành công của dự án, Tỉnh đoàn Phú Thọ đã đưa Công trình thanh niên “Thắp sáng đường quê” vào chương trình hành động của các cấp bộ đoàn. Tính từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã có 130km tuyến đường được thắp sáng, được triển khai đủ ở 13 huyện, thành thị. Không chỉ dừng lại ở những đoạn đường nông thôn, nhận thấy lợi ích, tiềm năng của loại năng lượng xanh này, nhiều hộ gia đình và trường học đã thực hiện lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống điện NLMT áp mái.

Gia đình bà Vân Hồng (phường Thanh Miếu, TP Việt Trì) đã lắp đặt điện áp mái từ tháng 11/2019 với số tiền đầu tư là 85 triệu đồng.

Tương tự nhà bà Vân Hồng, năm 2019, hộ ông Cao Tiến Cường (khu 1, xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao) với số tiền đầu tư là 80 triệu đồng. Với dàn pin năng lượng tổng công suất 5,5 kWp, điện áp mái sử dụng cho toàn bộ các thiết bị trong gia đình.

Ông Cường cho biết: “Trước chưa có cục pin lưu trữ, mùa hè gia đình tôi tốn 1,5 triệu tiền điện. Từ ngày lắp, tiền điện giảm hơn một nửa, chỉ còn khoảng 500 nghìn đồng. Từ khi lắp điện áp mái, mùa hè nắng nóng, nhà tôi giảm được hơn một nửa tiền điện.

Mặc dù tiền lắp pin lưu trữ hơi cao nhưng xét về mặt ưu điểm, điện NLMT áp mái dùng rất tốt và tiện lợi. Ví dụ sau khi lắp pin lưu trữ, cả khu mất điện nhưng nhà tôi vẫn có điện bình thường. Thích ở chỗ là tất cả các thiết bị trong nhà vẫn hoạt động như lúc không mất điện”.

Có thể thấy, để lắp đặt sử dụng được NLMT, các hộ gia đình chỉ cần có mặt bằng, điều kiện tiếp nhận ánh sáng mặt trời tốt và chi phí giao động từ 12-18 triệu đồng cho 1kWp tùy thuộc vào vị trí lắp đặt hoặc kết cấu mái nhà, với cách tính bình quân khoảng 6-7m2/kWp. Dù chi phí mua và lắp đặt hệ thống NLMT khá cao, tuy nhiên, xét về lâu dài, số tiền mà các gia đình tiết kiệm được từ việc sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời tiết kiệm được không hề nhỏ.

Còn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực đặc thù, NLMT được coi là một trong những tiêu chí cần thiết để sản phẩm được xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài nghiêm ngặt như: Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản...

Là doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới, Công ty TNHH GOLDEN VIGOROUS Việt Nam đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa” trong sản xuất, như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải...

Công ty TNHH GOLDEN VIGOROUS Việt Nam cũng đã quyết định đầu tư 1 hệ thống điện mặt trời trên mái nhà kho, mái nhà văn phòng của Công ty Dệt May Tân Kim Hùng (huyện Tam Nông). Với ông suất: 356,95 kWp, sử dụng 649 tấm pin 550 Wp của Risen Energy và 3 inverter 100k Wp của hãng Huawei, đấu nối hạ thế vào tủ điện hạ thế tổng sau máy biến áp có công suất 560 kVA - 35(22)/0,4 kV hiện hữu của nhà máy.

Đại diện Công ty TNHH GOLDEN VIGOROUS Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, doanh nghiệp đã đầu tư cho máy móc, công nghệ và hạ tầng cũng như cho nguồn năng lượng mới, đáp ứng tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế. Bên cạnh đó, điện NLMT giúp Công ty tiết kiệm 40% chi phí điện cho sản xuất.

Sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong việc cam kết tại COP26, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát khí thải nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng “0” (gọi tắt là Net Zero) vào năm 2050, trên địa bàn tỉnh, NLMT áp mái cũng được sử dụng tại một số công ty như: Công ty CP Đầu tư Thương mại Châu Đức, TASA Group, Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất thương mại Vạn Thắng...

Công ty Dệt May Tân Kim Hùng, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.

Đồng thời, đóng góp quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính, vừa giảm sự lệ thuộc vào hệ thống lưới điện quốc gia, giảm bớt “gánh nặng” quá tải cho ngành Điện. Quan trọng hơn, khi tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường lớn, doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu “xanh hoá” - xu thế chung của thế giới.

Không chỉ thân thiện với môi trường, đối với nền kinh tế, NLMT sẽ giúp giảm áp lực lên các công trình điện, đồng thời, giảm gánh nặng cho quốc gia. Công nghệ đã được cải tiến mạnh mẽ trong những năm qua đã giúp điện mặt trời hay NLMT hiệu quả hơn khi sử dụng.

Link gốc

 

Theo: Báo Phú Thọ