Tin trong nước

Để vùng biên giới sáng bừng ánh điện

Thứ hai, 13/6/2022 | 13:23 GMT+7
Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch) là 2 xã vùng sâu, vùng biên giới của tỉnh hiện chưa có điện lưới quốc gia. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), củng cố an ninh-quốc phòng (AN-QP) và đời sống người dân. 
Chủ trương đầu tư xây dựng công trình cấp điện lưới sẽ góp phần thay đổi diện mạo bản làng các xã biên giới Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch).
 
Vì thế chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện lưới cho các địa phương này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các vùng miền.
 
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hệ thống điện trên địa bàn tỉnh được đầu tư tương đối hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu cung cấp điện phục vụ phát triển KT-XH và bảo đảm AN-QP của địa phương. Hiện toàn tỉnh có 149/151 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia với hơn 99% số hộ dân được sử dụng điện từ lưới điện quốc gia.
 
Riêng 2 xã vùng sâu, vùng biên giới là Tân Trạch và Thượng Trạch (Bố Trạch) chưa có điện lưới quốc gia. Mặc dù các địa phương này đã được đầu tư cấp điện từ dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, tuy nhiên công suất lắp đặt nhỏ, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, không ổn định nên chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt cho các hộ gia đình và các đơn vị dịch vụ công, không đủ phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển KT-XH.
 
Trước thực tế trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có chủ trương đầu tư công trình cấp điện lưới cho các xã Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch). Đây là chủ trương đúng đắn, mang tính chiến lược nhằm bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho nhân dân, các đơn vị dịch vụ công trên địa bàn 2 xã này, góp phần phát triển KT-XH, củng cố AN-QP, hoàn thành mục tiêu 100% xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia về đến trung tâm, từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; bảo đảm an sinh xã hội và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền một cách bền vững.
 
Trong báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án do Sở Công thương thực hiện đã xác định rõ mục tiêu là phát triển lưới điện trung áp, hạ áp từ nguồn lưới điện quốc gia về xã Tân Trạch và Thượng Trạch (Bố Trạch) đáp ứng nhu cầu năng lượng điện cho việc phát triển KT-XH, củng cố AN-QP khu vực biên giới; đồng thời nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần thực hiện công bằng, an sinh xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất của người dân khu vực miền núi một cách bền vững.
 
Dự án có quy mô khoảng 52km đường dây trung áp (trong đó, đường dây đi ngầm khoảng 20km, đường dây đi trên không khoảng 32km) và khoảng 11km đường dây hạ áp, 3 trạm biến áp có công suất 22/0,4kV-50kVA và 3 trạm biến áp có công suất 22/0,4kV-100kVA. Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án là 110 tỷ đồng, sử nguồn vốn đầu tư công trung hạn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025.
 
Để phù hợp với điều kiện thực tế cũng như khả năng huy động các nguồn lực theo thứ tự ưu tiên hợp lý, bảo đảm đầu tư tập trung và có hiệu quả, Sở Công thương đã đề xuất tiến độ dự kiến thực hiện dự án trong 3 năm (từ 2022-2024). Công trình sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ được bàn giao cho Công ty Điện lực Quảng Bình quản lý vận hành, thực hiện hạch toán chi phí khấu hao, duy tu sửa chữa từ hoạt động sản xuất kinh doanh mua bán điện theo quy định.
 
Ông Nguyễn Việt Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Để giảm thiểu tác động môi trường, nhất là không ảnh hưởng đến giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, đoạn tuyến 20km đi qua vùng bảo vệ nghiêm ngặt của vườn sẽ được bố trí đi ngầm, bám theo kết cấu hành lang đường bộ về phía phân khu phục hồi sinh thái (vùng cho phép xây dựng công trình); đồng thời, trong quá trình khảo sát, thiết kế thi công sẽ có sự phối hợp giám sát chặt chẽ từ Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
 
Trong giai đoạn vận hành, dự án không có tác động bất lợi đáng kể nào đến môi trường cũng như không sản sinh ra bất kỳ chất thải nào có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường. Vấn đề điện từ trường cũng đã được quan tâm và sẽ được khắc phục bằng các biện pháp thiết kế nhằm hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe con người ở mức thấp nhất.
 
“Mức độ ô nhiễm chỉ mang tính chất tức thời, cục bộ, khí thải chỉ phát sinh nhiều tại một số vị trí có sự tập trung của nhiều phương tiện, thiết bị cùng hoạt động.
 
Mặt khác, do môi trường khu vực thông thoáng nên các khí thải phát sinh sẽ nhanh chóng bị pha loãng, phát tán ra môi trường xung quanh. Nồng độ các chất khí thải trong không khí dự báo ở mức thấp hơn so với quy chuẩn cho phép theo QCVN 06:2009/BTNMT-Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh”, ông Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh.
 
Cũng theo ông Nguyễn Việt Hà, việc đền bù giải phóng mặt bằng của dự án là vấn đề khá phức tạp. Vì vậy, chủ đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các đơn vị liên quan, thuộc diện đền bù để xây dựng phương án theo đúng các quy định hiện hành, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.
 
Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện lưới cho các xã Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch) là phù hợp với các quy hoạch phát triển ngành đã được phê duyệt. Cụ thể là Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016-2025 có xét đến 2035 được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 3824/QĐ-BCT, ngày 3/10/2017; Quyết định số 1855/QĐ-TTg, ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng Quốc của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 140/NQ-CP, ngày 2/10/2020 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 
Đáng chú ý, trong dự thảo Quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã đề xuất cấp điện lưới đến 2 xã Tân Trạch, xã Thượng Trạch. Việc triển khai dự án sẽ tạo động lực phát triển các dự án khác tại khu vực; tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương; tăng thêm nguồn thu ngân sách từ việc phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa.
 
Dự án Đầu tư xây dựng công trình cấp điện lưới cho các xã Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch) sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng mục tiêu 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh sử dụng điện lưới quốc gia; hơn 700 hộ dân và cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn các xã Tân Trạch, Thượng Trạch được hưởng lợi; cung cấp điện ổn định cho phát triển KT-XH, AN-QP khu vực biên giới của huyện Bố Trạch.
 
Theo: Báo Quảng Bình