Thi công bảo dưỡng, vận hành hệ thống cấp điện ở nông thôn, miền núi.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết trong Báo cáo Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra, về thực hiện nội dung chất vấn liên quan đến huy động nguồn lực triển khai Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Chương trình).
Trong tổng vốn đầu tư Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo nêu trên, Bộ Công Thương đề xuất cơ cấu vốn từ ngân sách trung ương trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng 2.218 tỷ đồng, chiếm 8,6% nhu cầu vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước); vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài khoảng 23.338 tỷ đồng (trong đó, vốn EU cấp 2.525 tỷ đồng, đạt 10,8% nhu cầu vốn ngân sách trung ương; 20.805 tỷ đồng tiếp tục vận động vốn ODA và vốn vay ưu đãi); vốn do các địa phương thu xếp từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác (đối ứng cho các dự án thành phần thuộc Chương trình do địa phương thực hiện) khoảng 3.122 tỷ đồng; vốn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thu xếp từ các nguồn vốn hợp pháp (đối ứng cho các dự án thành phần thuộc Chương trình do EVN thực hiện) khoảng 1.439 tỷ đồng.
Đề xuất cơ cấu tổng vốn đầu tư theo hình thức cấp điện bao gồm: Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia khoảng 28.684 tỷ đồng (việc cấp điện cho các trạm bơm tưới khu vực đồng bằng sông Cửu Long được lồng ghép với việc cấp điện cho các hộ dân nông thôn từ lưới điện quốc gia trong khu vực này); cấp điện cho các đảo khoảng 1.718 tỷ đồng; cấp điện từ năng lượng tái tạo khoảng 1.432 tỷ đồng.
Bộ Công Thương cho biết, cơ chế huy động vốn đầu tư cho Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo sẽ được thực hiện theo khả năng cân đối vốn ngân sách trung ương, khả năng vận động vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, trên nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách trung ương và huy động vốn ODA cũng như vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tối đa 85% tổng vốn đầu tư các dự án thuộc Chương trình.
Các địa phương và các đơn vị thuộc EVN tự thu xếp tối thiểu 15% tổng vốn đầu tư các dự án được giao làm chủ đầu tư. Trong đó, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương thực hiện theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài hỗ trợ Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo được ưu tiên sử dụng, được huy động các nguồn vốn ODA cấp phát theo quy định tại Nghị quyết số 73/NQ-CP của Chính phủ, được áp dụng cơ chế cấp phát đối với các dự án ODA viện trợ không hoàn lại.
Đối với nguồn vốn của các địa phương thực hiện Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo, do địa phương cân đối từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác, vận động nhân dân, doanh nghiệp vùng hưởng lợi của dự án tự nguyện đóng góp phần đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm.
Vốn của EVN được bố trí từ các nguồn vốn hợp pháp và các đơn vị thuộc EVN.
Bộ Công Thương cho biết, Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo được triển khai với 48 dự án thành phần trên địa bàn 48 tỉnh, trong đó tại 29 tỉnh ủy ban nhân dân làm chủ đầu tư, tại 19 tỉnh EVN làm chủ đầu tư. Xét tổng thể về huy động nguồn lực tài chính cho Chương trình, tính đến nay, vẫn cần phải tiếp tục vận động nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) để vay khoảng 20.813 tỷ đồng. Bộ Công Thương đã trình nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ ADB và WB vào khoảng 20.856 tỷ đồng để đảm bảo nguồn lực đầu tư (hồ sơ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Tuy nhiên, do điều kiện trần nợ công trong giai đoạn 2016 - 2020, sau khi rà soát lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chưa đề xuất sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài để cấp phát cho các dự án thuộc Chương trình này.
Căn cứ vào thực tiễn tốc độ tăng nợ công đang giảm, trần nợ công đang thấp hơn ngưỡng an toàn, Bộ Công Thương đã tiếp tục triển khai lập đề xuất chủ trương đầu tư sử dụng vốn vay ưu đãi của ADB và WB. Theo đó, Bộ Công Thương đã có hồ sơ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (quý III/2019) thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư sử dụng vốn vay ưu đãi của WB khoảng 360 triệu USD, vốn vay của ADB khoảng 400 triệu USD, để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Căn cứ theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về sử dụng các nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài để cấp phát cho các dự án thuộc Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo, Bộ Công Thương sẽ hướng dẫn các chủ đầu tư tổ chức triển khai thực hiện theo các hiệp định vay vốn ưu đãi của các tổ chức tín dụng.
Liên quan đến cơ chế tài chính cho Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo đối với nguồn vốn thuộc nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước khoảng 20.805 tỷ đồng, nguồn vốn thuộc nhiệm vụ chi ngân sách địa phương và doanh nghiệp (EVN) khoảng 4.567 tỷ đồng, căn cứ Luật Quản lý nợ công, các Nghị quyết của Quốc hội và của Chính phủ về phân bổ vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Công Thương đề xuất cơ chế tài chính, cụ thể: Thực hiện cấp phát đối với Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo thuộc đối tượng chi ngân sách nhà nước (thuộc nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước khoảng 20.805 tỷ đồng). Đối với nguồn vốn thuộc nhiệm vụ chi ngân sách địa phương và doanh nghiệp, nếu địa phương và doanh nghiệp đề nghị vay lại từ nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài thì thực hiện theo quy định tại Nghị định 97/2018/NĐ - CP ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nhà nước của Chính phủ (thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của địa phương và của EVN khoảng 4.567 tỷ đồng).