Theo những người sáng tạo, WaterLight có thể tồn tại từ hai đến ba năm. Ảnh: E-Dina WaterLight.
E-Dina, một công ty khởi nghiệp về năng lượng tái tạo của Colombia, đã phát triển một chiếc đèn lồng xách tay có tên Waterlight. Thiết bị có thể chuyển đổi nước muối thành điện năng, đem lại sự yên tâm hơn so với các loại đèn hoạt động bằng năng lượng Mặt trời. Ngoài ra, chiếc đèn độc đáo này cũng có thể được sạc bằng nước tiểu trong những tình huống khẩn cấp.
Thiết bị hoạt động như một máy phát điện mini tạo ra ánh sáng thông qua quá trình ion hóa, bằng cách đổ đầy 500 ml nước biển vào bên trong, muối trong nước biển sẽ phản ứng với các tấm đồng và magiê bên trong thiết bị, chuyển hóa nó thành điện năng.
Đèn có thể phát sáng lên đến 45 ngày và cũng có thể được sử dụng để sạc điện thoại di động hoặc một thiết bị điện nhỏ khác thông qua cổng USB.
WaterLight là sản phẩm hợp tác giữa E-Dina và công ty sáng tạo Wunderman Thompson nhằm giải quyết tình cảnh những người dân địa phương ở các vùng nông thôn của Colombia, cụ thể là bộ tộc Wayúu bản địa phải vật lộn để có được ánh sáng vào buổi tối.
Hai công ty cho biết WaterLight sẽ giúp ngư dân có thể đánh cá vào ban đêm, trong khi các thợ thủ công cũng bán được số lượng đơn đặt hàng cao hơn nhờ tăng năng suất bất cứ lúc nào. Những nhà sáng tạo nên sản phẩm cho biết WaterLight có thể ngăn chặn hỏa hoạn vì những đứa trẻ sẽ không còn phải thắp nến vào ban đêm để hoàn thành bài tập về nhà.
Các loại sáng kiến tương tự thường dựa vào năng lượng Mặt trời để đem lại nguồn sáng vào ban đêm, tuy nhiên, Pipe Ruiz Pineda, giám đốc sáng tạo điều hành của Wunderman Thompson Colombia, giải thích rằng WaterLight thực dụng hơn thế.
"Sau khi được đổ đầy nước, năng lượng từ WaterLight được cung cấp ngay lập tức trong khi đèn năng lượng Mặt trời cần chuyển đổi năng lượng từ Mặt trời thành năng lượng thay thế để sạc pin và chúng chỉ hoạt động nếu có nguồn sáng đó", Pineda nói.
Thiết bị có vỏ ngoài bằng gỗ hình trụ và một nắp đục lỗ phía trên giúp nước chảy vào thiết bị và khí hydro từ quá trình ion hóa thoát ra ngoài. Suốt "tuổi đời" của mình, thiết bị có thời gian phát sáng từ hai đến ba năm (khoảng 5.600 giờ), start-up cho biết.
Dự án WaterLight là một trong nhiều sáng kiến nhằm mang lại ánh sáng cho các cộng đồng nông thôn trên toàn thế giới. Vào tháng 2 năm nay, phát minh sử dụng ánh sáng Mặt trời khử muối trong nước biển để tạo ra ánh sáng của nhà thiết kế Henry Glogau đã lọt vào vòng chung kết Giải thưởng Thiết kế Lexus (Lexus Design Award). Thiết bị có thể vừa cung cấp ánh sáng, đồng thời cũng chưng cất nước biển để tạo ra nước tinh khiết có thể uống được.
Kể từ năm 2013, sáng kiến toàn cầu của dự án Liter of Light (Một lít ánh sáng) đã cung cấp "hệ thống ánh sáng ban ngày" mang đến công việc kinh doanh và ánh sáng cho các cộng đồng nghèo.
Mặc dù WaterLight không phải là sáng kiến đầu tiên mang lại ánh sáng cho các cư dân nông thôn nghèo, nhưng nó có thể tự hào vì mang lợi thế tạo ra ánh sáng gần như tức thì, 24 giờ một ngày.