Tin trong nước

Điểm tựa vững chắc cho ngư dân bám biển

Thứ sáu, 17/6/2016 | 09:26 GMT+7
Đảo Đá Tây, quần đảo Trường Sa nằm theo hướng Đông Bắc-Tây Nam có độ sâu không đồng đều khoảng 3-18m nước. Đảo được tạo bởi các gờ đá san hô bao bọc xung quanh. 


 
 
Giữa đảo có hồ nước sâu dài khoảng 15km, rộng trung bình 3km, độ sâu khoảng 10m, rất thuận lợi cho tàu thuyền vào đây neo đậu tránh trú khi mùa biển động. 
 
Nhận xét về vị trí của đảo, Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây A, Đại úy Lâm Thế Phong cho rằng, đảo không chỉ có vị trí chiến lược về kinh tế và quốc phòng, mà còn là nơi ngư dân có điều kiện khai thác, đánh bắt nuôi trồng thủy sản. Và đây cũng là nơi lý tưởng để cung ứng hàng hóa, nhiên liệu bổ sung cho những con tàu tiếp tục ra khơi kéo dài thêm chuyến đi biển.
 
Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây thuộc Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ khai thác hải sản biển Đông, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ cung ứng các dịch vụ cho tàu thuyền của ngư dân như lương thực thực phẩm, nhiên liệu xăng dầu bằng giá bán trên đất liền; nhận sửa chữa tàu thuyền bị hư hỏng, cứu hộ cứu nạn trên biển. Hay cấp nước ngọt miễn phí, tiếp nhận và sắp xếp nơi ăn nghỉ cho ngư dân khi đau ốm bệnh tật trên biển.
 
Với chức năng này, trong suốt 11 năm qua, các dịch vụ mà Trung tâm mang lại là điểm tựa vững chắc cho những con tàu ra khơi, khai thác, đánh bắt thủy hải sản dài  ngày trên vùng biển Trường Sa. 
 
Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây được xây dựng trên diện tích 3000m2, gồm các khối nhà văn phòng, hội trường, trung tâm điều khiển, xưởng cơ khí được trang bị máy phát điện tổng công suất 200kV phục vụ đời sống sinh hoạt và sửa chữa. Bên cạnh đó còn các loại máy hàn, tiện, khoan… phục vụ công tác sửa chữa tàu thuyền. Ngoài ra còn có các trang thiết bị cứu hỏa, cứu sinh, thiết bị lặn, trạm thông tin liên lạc, máy ICOM-vô tuyến điện trực canh hàng ngày. Các bồn chứa nhiên liệu dầu DO có dung tích trên 337m3. Các bồn chứa nước ngọt dung tích trên 928m3 phục vụ đời sống CBCNV và cấp nước ngọt miễn phí cho tàu thuyền của ngư dân đến đảo.
 
Trên thực tế, những dịch vụ tiện ích trên trong nhiều năm qua đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực đến từng con tàu của bà con ngư dân như làm giảm chi phí nhiên liệu đi về. Đồng thời kéo dài thời gian và tăng thu nhập cho từng ngư dân đi biển, giúp ngư dân kiên trì bám biển làm giàu cho gia đình, góp phần khai thác tiềm năng của kinh tế biển. Trung tâm còn phối hợp với bộ đội hải quân trên đảo làm tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Theo ông Chu Minh Sơn, Trưởng Ban quản lý Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, Trung tâm đang nâng cấp để hoàn thiện các hạng mục như xưởng nước đá, xưởng chế biến thủy hải sản, kho đông lạnh, triền đà sửa chữa tàu thuyền, bồn chứa nước ngọt, bồn chứa nhiên liệu… nhằm phục vụ đầy đủ các mặt hàng, đáp ứng yêu cầu của ngư dân khi bám biển dài ngày.

Trưởng Ban quản lý trung tâm cho biết, với đội tàu gồm 9 tàu; trong đó tàu kéo ĐT03 thường xuyên làm nhiệm vụ dẫn luồng ra vào đảo; sắp xếp, hướng dẫn và kiểm tra nơi neo đậu cho tàu thuyền ngư dân trong lòng hồ mỗi khi sóng to gió lớn. Xà lan Bon tong ĐT04 chứa dầu và nước ngọt thường xuyên đảm bảo đầy đủ số lượng, sẵn sàng cung ứng cho tàu thuyền của ngư dân đến đảo. Đội tàu dịch vụ hậu cần thường xuyên vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra đảo; cung ứng hàng hóa nhiên liệu, hàng lưu động trên biển và các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà tàu thuyền ngư dân thường hay hoạt động ra vào tránh trú bão.
 
Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm nay, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây đã đón tiếp 270 lượt tàu vào đảo tránh trú bão; 210 lượt tàu vào đảo làm dịch vụ hậu cần; cung cấp 640m3 nước ngọt miễn phí cho ngư dân, 125m3 dầu DO, 10 tấn lương thực thực phẩm và sửa chữa máy tàu thành công cho 11 tàu.
 
“Hiện Trung tâm có sức chứa cho khoảng 200 tàu vào tránh trú bão. Lượng tàu ra vào liên tục nên Trung tâm luôn có đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ ngư dân. Những cân gạo, lít dầu đã tiếp sức cho hàng ngàn con tàu đang khai thác, đánh bắt trên vùng biển Tổ Quốc, đóng góp một phần quan trọng cho sự phát triển của kinh tế biển đảo”, ông Chu Minh Sơn chia sẻ.
 
Ngoài công tác dịch hậu cần trên biển, đội tàu của Trung tâm còn sẵn sàng ứng cứu khi nhận được thông tin tàu thuyền của ngư dân gặp nạn, đồng thời bảo vệ tàu thuyền cho ngư dân yên tâm khai thác đánh bắt hải sản xa bờ.
 
Đề cập đến những đề xuất của ngư dân về phát triển kinh tế biển, Trưởng Ban quản lý Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây cho biết, ngư dân mong muốn Nhà nước có những chính sách ưu đãi về vốn với lãi suất thấp và thời gian kéo dài để họ có điều kiện đóng mới tàu có công suất lớn, đảm bảo việc khai thác và đánh bắt dài ngày trên biển, đặc biệt ưu tiên cho các tàu thuyền đánh bắt xa bờ. 
 
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có những chính sách trợ giá trong việc thu mua và bao tiêu sản phẩm thủy hải sản ổn định, lâu dài với giá cả phù hợp. Vì thực tế hiện nay, ngư dân thường phải bán sản phẩm qua các đầu nậu tư thương tại các cảng cá, giá cả bấp bênh, lên xuống thất thường và thường xuyên bị ép giá lên lợi nhuận sau những chuyến đi biển không cao.
 
Mặt khác, bà con ngư dân cũng đề nghị có thêm nhiều tàu dịch vụ hậu cần thường xuyên có mặt ngay tại các ngư trường khai thác để cung ứng hàng hóa kịp thời, thuận tiện và tiết kiệm thời gian, chi phí cho ngư dân.Từ đó, việc cứu hộ, cứu nạn khi máy móc tàu thuyền ngư dân bị hư hỏng trên biển cũng được kịp thời hơn.
 
“Không thể nói hay về những công việc đang làm nhưng việc giúp đỡ hàng nghìn con tàu của bà con ngư dân cũng như cung ứng đầy đủ số lượng và chất lượng hàng hóa, lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm, nước ngọt… cho ngư dân bám biển trong những năm qua, chúng tôi luôn tự hào là một địa chỉ tin cậy và quen thuộc, một hậu phương trên biển vững chắc đối với ngư dân”, ông Sơn bày tỏ.