Thông tin đầu tư

Điện khí hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Thứ ba, 20/8/2019 | 09:05 GMT+7
Cơ sở hạ tầng và nguồn vốn là hai yếu tố quan trọng để dự án điện khí nói chung và điện khí hydro có thể vận hành.
Dự án điện khí hydro từ than nâu của nhà đầu tư Nhật Bản tại bang Victoria (Australia).
 
Vốn và hạ tầng phải lớn
 
Nhìn lại điều kiện để phát triển điện khí nói chung hiện nay, mặc dù Việt Nam có thế mạnh về nguồn khí dự trữ xa bờ rất lớn, song, bên cạnh việc cần thiết có chính sách khuyến khích phát triển điện khí như điện gió và điện mặt trời thì nguồn vốn và hạ tầng cho nhà máy điện khí là rất lớn và đồng bộ. 
 
Như chia sẻ của ông Adam Moncrieff, điều hành Công ty Luật Allen&Overy, để thị trường điện khí tại Việt Nam phát triển, đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, đặc biệt là từ khu vực tư nhân trong nước và vốn nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường ống vận chuyển khí, hệ thống cảng trung chuyển, nhà máy điện…
 
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Viết Ngãi -Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho biết, để đảm bảo thị trường điện khí nói chung phát triển và điện khí hydro nói riêng, cần đảm bảo hai yếu tố: Có nguồn nguyên liệu và có đủ cơ sở hạ tầng thông qua việc đầu tư xây dựng các nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn công nghệ và đảm bảo môi trường.
 
Liên quan đến yếu tố đảm bảo môi trường, kinh nghiệm từ việc thu hút đầu tư điện khí từ than nâu của Australia cho thấy, để tạo ra được 3 tấn khí hydro thì cần khoảng 160 tấn than nâu, trong một năm, dự án có thể sẽ phát thải ra môi trường 100 tấn khí carbon, tương đương với lượng khí thải từ 20 chiếc xe ô tô.
 
Doanh nghiệp ngoại chủ động tìm kiếm cơ hội 
 
Ông David Stone - Chủ tịch Tập đoàn AES Việt Nam.
 
Theo thông tin từ Bộ Công thương, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực điện khí tại Việt Nam, trong đó các nhà đầu tư Nhật và Mỹ đã lên kế hoạch đầu tư tại Cà Ná, Bình Thuận.
 
Mới đây, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông David Stone - Chủ tịch Tập đoàn AES Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đang tìm hiểu để hành đầu tư dự án khí hóa lỏng và dự án cảng để phục vụ cho hoạt động vận chuyển khí hóa lỏng tại Bình Thuận. Đây là một trong những bước đi mới trong chiến lược chinh phục thị trường phía Nam của doanh nghiệp. 
 
Bên cạnh việc phát triển dự án khí hóa lỏng, doanh nghiệp cũng nghiên cứu và phát triển đầu tư thêm các dự án năng lượng sạch khác như điện mặt trời, điện gió, dựa trên thế mạnh về kinh nghiệm kinh doanh toàn cầu và có thể đưa việc pin tích điện vào dự án.
 
Theo đó, mới chỉ vài ngày trước, đại diện AES cũng đã bày tỏ mong muốn sẽ hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để tham gia đầu tư trong chuỗi dự án khí Sơn Mỹ.
 
Đây dường như cũng là xu hướng hợp tác tất yếu khi, nhiều doanh nghiệp nước ngoài thông qua hợp tác với PV Gas lên kế hoạch đầu tư các dự án xây dựng nhà máy phát điện LNG, bởi Việt Nam có hệ thống cảng phù hợp để nhập LNG về.
 
Thị trường khí hóa lỏng một lần nữa nóng lên khi mới ngày 18/8,  đoàn công tác từ thành phố Busan (Hàn Quốc) đã tìm hiểu cơ hội và định hướng đầu tư vào Thừa Thiên Huế với dự án xây dựng nhà máy điện khí Hydro công suất 200MW và hạ tầng liên quan tại Chân Mây - Lăng Cô.
 
Cụ thể, theo ông Kisk Park - Viện trưởng, Giám đốc điều hành BEPA đã cho biết, qua tìm hiểu về tiềm năng và chính sách thu hút đầu tư, phía cơ quan Hàn Quốc mong muốn hợp tác với tỉnh Thừa Thiên - Huế để phát triển một số dự án đầu tư và đưa các doanh nghiệp lớn tại Busan đến đầu tư tại tỉnh.
 
Có thể kể đến dự án nhà máy điện khí Hydro, công suất 200MW và bến cảng phục vụ cho vận chuyển nguyên liệu cho nhà máy điện và hoạt động xuất, nhập khẩu. Ngoài ra, phía Hàn Quốc mong muốn được nghiên cứu đầu tư các dự án đầu tư phát triển hạ tầng và công nghiệp theo chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Thừa Thiên - Huế tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
 
Những dự án điện khí này góp phần giữ "vai trò quan trọng trong Quy hoạch điện VII của Việt Nam, cũng như cung ứng nguồn khí LNG trong khu vực, đảm bảo nguồn cung năng lượng trong những năm tới", như chia sẻ của ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc PVN.
Theo: Diễn đàn DN