Diện mạo “xanh” từ các nhà máy nhiệt điện than truyền thống

Thứ tư, 4/12/2024 | 09:20 GMT+7
Tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra vào tháng 11/2024 vừa qua, Việt Nam kiên định mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Khuôn viên Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn.

Muốn trung hoà carbon hay đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 (Net Zero) thì từng lĩnh vực, ngành nghề, thậm chí từng cá nhân đều phải có trách nhiệm thực hiện và đạt được mục tiêu này. 

Luật Điện lực (sửa đổi) vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ VIII, Quốc hội khoá XV (có hiệu lực từ 01/02/2025) nhấn mạnh việc “Khuyến khích nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch chuyển đổi sang các nguồn nhiên liệu phát thải thấp... ; phát triển nhiệt điện than ở mức hợp lý theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; bảo đảm tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường”.

Ghi nhận những nỗ lực giảm phát thải từ các nhà máy nhiệt điện than hiện hữu, đồng thời phân tích những khó khăn thách thức và đưa ra khuyến nghị giải pháp nhằm hiện thực hoá mục tiêu “trung hoà carbon”, nhóm PV Nguyên Long và Quang Huy thực hiện loạt bài 03 kỳ “Chuyển đổi xanh: Thách thức từ các nhà máy nhiệt điện than”. 

Khuôn viên Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh.

Những ngày cuối tháng 11/2024, đến thăm và làm việc tại một số nhà máy nhiệt điện than truyền thống, chúng tôi thực sự ấn tượng về sự đổi thay đáng kể của môi trường sinh thái. Những không gian xanh, sạch, đẹp và thoáng đãng từ khuôn viên nhà máy đến các khu quản lý vận hành. 

Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh được xây dựng tại phường Hà Khánh, TP Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh, nơi có trữ lượng than lớn nhất cả nước, nhưng cũng là nơi có Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới. Vì thế, “xanh” là tiêu chí, cũng là tiêu chuẩn trong công tác quản lý, vận hành nhà máy có tổng công suất 1.200 MW (04 tổ máy) cho sản lượng bình quân 7,2 tỷ kWh/năm được ông Nguyễn Việt Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh nhấn mạnh.

“Ngoài việc phải đảm bảo xanh sạch đẹp từng bước làm thay đổi diện mạo của Công ty, từ việc môi trường xung quanh, phủ xanh, chúng tôi quy hoạch lại cảnh quan, giao thông, rồi nhà xưởng, tập trung phát triển văn hóa doanh nghiệp, cải thiện môi trường sống và làm việc của người lao động, để cho người lao động mỗi lần đi vào làm việc thì nhìn Công ty không khác gì một công viên xanh”.

Để có được điều đó, đã có trên 70% diện tích khuôn viên của Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh được bao phủ bởi cây xanh, với nhiều chủng loại từ cây lấy bóng mát, cây ăn quả,  hoa, cây cảnh và thảm cỏ… Phấn đấu phủ xanh trên 90% khuôn viên như Nhiệt điện Quảng Ninh cũng là định hướng của nhiều nhà máy nhiệt điện than trong cả nước như Uông Bí, Duyên Hải, Vĩnh Tân, Vân Phong, Nghi Sơn, Cao Ngạn v.v. 

Công nhân vận hành tại Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1.

Thực tế tại Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 (được xây dựng tại xã Hải Hà và xã Hải Thượng, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) có tổng công suất lắp đặt 600MW (2x300) sử dụng công nghệ ngưng hơi truyền thống, áp suất dưới tới hạn, tiêu chuẩn công nghệ G7 (là tiêu chuẩn của các nước phát triển), lượng than tiêu thụ mỗi năm khoảng 1,6 triệu tấn, cho sản lượng điện thiết kế hằng năm 3,6 tỷ kWh, được đưa vào vận hành thương mại từ năm 2015. Kỹ sư Lê Ngọc Minh - Trưởng phòng An toàn và Môi trường cho biết, không chỉ tận dụng từng vuông đất để trồng cây, từng loại cây được nghiên cứu phù hợp với thổ nhưỡng mà Nhà máy còn được thiết kế đẹp, mang lại lợi ích đáng kể cho môi trường.

"Đối với Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn, để trồng được cây xanh cũng là một nỗ lực rất đáng ghi nhận của nhà máy bởi vì ở đây là khu vực nước biển và nền cải tạo là vùng đất mặn cho nên để tìm được cây phù hợp và phát triển được thì nhà máy cũng đã mất rất nhiều thời gian để trồng thử và đánh giá. Cho đến hiện tại nhà máy cũng đã tìm ra một số cây trồng cây thích hợp, chẳng hạn như xoài, cây keo, phi lao… Nhà máy cũng đã trồng khá nhiều cây ăn quả rồi nhưng đang nghiên cứu xây dựng tiếp mô hình trồng một số cây ăn quả tầm thấp".

Nhiệt điện than đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng. Tính theo công suất lắp đặt nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia, nhiệt điện than hiện đang chiếm tỷ trọng 33,2% và cũng đóng góp hơn 1/3 nhu cầu sử dụng điện của cả nước. Trong nhiều thời gian cao điểm của mùa khô, nhiệt điện than được huy động lên tới hơn 60% sản lượng cung cấp cho hệ thống điện. Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 11 tháng của năm 2024, nhiệt điện than được huy động gần 50% công suất toàn hệ thống. 

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cây xanh không những tạo cảnh quan, mỹ quan mà còn giúp điều hoà không khí, giảm nhiệt, tạo không khí trong lành hơn, giúp giảm tiếng ồn và ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Vì thế, cây được phủ xanh, chống bụi tại các tuyến đường nội bộ, khu vực sản xuất, kho cảng than… của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 nói riêng cũng như ở nhiều nhà máy nhiệt điện than hiện nay trên cả nước, và coi đây là một trong những giải pháp quan trọng, bước đầu trong tiến trình “xanh hoá” các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam. 

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, cho biết, bãi xỉ hiện nay đa phần các nhà máy nhiệt điện than đã có những phương án như là khoanh vùng, trồng cây che phủ để tránh việc phát tán bụi trong trường hợp thời tiết khô, nóng, và cả tưới ướt nữa. Việc các nhà máy trồng hệ thống cây xanh chắn bụi là một giải pháp thích ứng và khá hiệu quả, vừa tạo được không gian xanh, tạo cảnh quan, và cũng là hàng rào tự nhiên để tránh việc phát tán các chất thải rắn dưới dạng bụi ra môi trường xung quanh, phía bên ngoài của nhà máy.

Chia sẻ thực tế này, bà Lê Thị Trang - Chuyên viên phòng an toàn và môi trường Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn cho biết, mặc dù việc tiêu thụ tro xỉ của Nhiệt điện Nghi Sơn 1 đang được tiêu thụ gần như toàn bộ, cung cấp cho các đơn vị làm vật liệu xây dựng như phụ gia xi măng, sản xuất gạch… nhưng việc giảm triệt để bụi thải từ các khu chứa tro xỉ luôn được quan tâm, đầu tư công nghệ và tìm tòi sáng kiến, ý tưởng.

"Nhiệt điện Nghi Sơn áp dụng thải xỉ ướt nên không có phát thải bụi ở ngoài bãi xỉ. Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn thải xỉ ướt là dùng nước để đẩy xỉ theo đường ống kín từ bể chứa bùn xỉ trong nhà máy ra ngoài bãi xỉ nên đảm bảo là xỉ luôn luôn ướt. Ở ngoài bãi xỉ sẽ có một khoảng nước để giữ cho xỉ nằm ở dưới nước thì sẽ không bao giờ có bụi".

Cùng với nỗ lực “xanh hoá” bằng hệ thống cây xanh, các nhà máy nhiệt điện than đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, từng bước cải thiện các tiêu chuẩn ESG - “môi trường - xã hội và quản trị doanh nghiệp”. Trong đó có việc đầu tư xử lý nước thải, xỉ thải, coi trọng xây dựng và quản trị văn hoá doanh nghiệp, nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên than, điện, dầu, nước… để góp phần làm “xanh hơn” cảnh quan môi trường, “xanh hơn” sản phẩm điện năng cung ứng ra thị trường. 

Còn tiếp.

Nguyên Long