Thiết bị lọc nước sử dụng năng lượng mặt trời được lắp đặt tại thôn Ea Rớt, xã Cư Pui.
Hệ thống tích hợp này có công suất lắp đặt 6,24 kWp, sử dụng các tấm thu điện năng lượng mặt trời (tấm pin năng lượng mặt trời) để tạo ra năng lượng điện cho mục đích sinh hoạt của người dân và cung cấp điện cho hệ thống lọc nước tinh khiết RO.
Theo công suất thiết kế, hệ thống có thể sản xuất 20 kWh/ngày, đáp ứng đủ nhu cầu thắp sáng cho khoảng 20 hộ dân và cung cấp từ 700 đến một nghìn lít nước sạch mỗi ngày cho người dân trong thôn. Để cung cấp điện cho quá trình làm ra nước sạch, hệ thống cần khoảng bốn giờ nắng nhất trong ngày, từ 10 giờ sáng đến 14 giờ chiều. Lượng điện làm ra còn lại sẽ được tích trữ vào bình ắc-quy để bà con dùng cho việc thắp sáng vào buổi tối. Khi nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng lên, công suất phát điện của hệ thống có thể dễ dàng điều chỉnh tăng theo để đáp ứng nhu cầu. Hệ thống cung cấp điện và nước sạch bằng năng lượng mặt trời góp phần cải thiện cuộc sống của người dân sống tại thôn Ea Rớt.
Hệ thống cung cấp điện và nước sạch sử dụng năng lượng mặt trời có tuổi thọ 20 năm, với tổng giá trị đầu tư khoảng 500 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được Quỹ McKnight tài trợ, nằm trong khuôn khổ của dự án “Hỗ trợ sự tham gia của các bên liên quan và các giải pháp năng lượng bền vững trong kế hoạch phát triển năng lượng của Việt Nam”, do GreenID phối hợp Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk thực hiện từ tháng 1-2016 đến tháng 12-2017. Người dân địa phương đóng góp đất và ngày công xây dựng hệ thống.
Nhằm bảo đảm tính bền vững của hệ thống, người dân sẽ trả hai nghìn đồng cho một số điện sử dụng và khoảng bảy đến tám nghìn đồng cho một bình nước uống tinh khiết có dung tích 20 lít. Số tiền đóng góp này sẽ bù đắp cho việc vận hành, thay thế thiết bị, sửa chữa hệ thống và do người dân quản lý hoàn toàn.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành của GreenID cho biết: Công trình này giúp mang lại ánh sáng, thông tin và đặc biệt góp phần cải thiện sức khỏe của bà con trong thôn Ea Rớt. Đây là một thành công của GreenID trong nỗ lực xây dựng mô hình cộng đồng xanh, ứng dụng 100% năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Công tác vận hành bảo dưỡng hệ thống khá đơn giản nên công trình có thể dễ dàng quản lý và vận hành bởi người dân địa phương. Mô hình này hoàn toàn có thể nhân rộng tại các địa bàn trong khu vực Tây Nguyên cũng như các địa phương khác trên cả nước.
Đến dự buổi lễ, ông Sùng A Thào, một người dân ở thôn Ea Rớt vui mừng: “Người dân chúng tôi di cư vào sinh sống ở đây đã 20 năm, phải sống trong cảnh tù mù, tối tăm và biệt lập với bên ngoài vì không có đường giao thông dẫn vào, không có điện hay nước sạch... Vì vậy, cuộc sống hết sức khó khăn, đa số các hộ dân ở đây đều thuộc diện đói nghèo. Hôm nay, tôi cũng như bà con hết sức vui mừng, vì từ nay, một số hộ dân trong thôn đã có điện thắp sáng và được sử dụng nguồn nước sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, dự án này mới đáp ứng được điện thắp sáng cho khoảng 20 hộ, còn rất nhiều hộ dân trong thôn vẫn chưa có điện thắp sáng và nguồn nước hợp vệ sinh để sử dụng. Tôi mong rằng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp, ngành chức năng của tỉnh cần nhân rộng mô hình này để đông đảo người dân ở vùng sâu, vùng xa như chúng tôi được sử dụng điện thắp sáng và nguồn nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt nhằm cải thiện cuộc sống”.