Một góc nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ.
Trong khi các địa phương như Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh đang đau đầu vì tình trạng rác thải ùn ứ; thì TP.Cần Thơ lại đang là điểm sáng trong câu chuyện này. Mới đây, Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường (BVMT). Nhà máy được khởi công vào tháng 6.2017, trên diện tích 5,3ha, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12.2018.
Trước khi có nhà máy này, trong suốt nhiều năm, Cần Thơ đã gặp phải sự phản ứng dữ dội của người dân do vấn đề rác thải gây ô nhiễm.
Sở TNMT TP.Cần Thơ cho biết, mỗi ngày, TP có khoảng 650 tấn rác thải sinh hoạt được thu gom, đạt từ 85% - 90%, phần còn lại người dân tự chôn lấp hoặc đốt. Lượng rác trên được vận chuyển đến các bãi rác tại quận Ô Môn, huyện Cờ Đỏ và lò đốt rác ở quận Thốt Nốt. Các cơ sở này xử lý rác theo hình thức chôn lấp và đốt không thu hồi năng lượng. Tuy nhiên, các cơ sở này đều đã quá tải, đến nay vẫn còn tồn đọng hàng chục nghìn tấn rác, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Theo Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ (đơn vị đầu tư xây dựng và quản lý Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ), sau gần 2 năm, diện tích 5,3ha, lượng rác trung bình tiếp nhận mỗi ngày hơn 453 tấn (chiếm khoảng 70% lượng rác sinh hoạt thải ra hằng ngày của TP Cần Thơ). Tổng lượng rác xử lý đến cuối tháng 8.2020 hơn 317.000 tấn, tạo ra gần 103 triệu kWh điện. Ðến nay, nhà máy đã hoàn thành 5 công trình BVMT, gồm: Công trình thu gom và xử lý nước thải; công trình xử lý bụi, khí thải; công trình lưu giữ, xử lý chất thải rắn thông thường; công trình và thiết bị lưu giữ chất thải nguy hại và các công trình, biện pháp BVMT khác.
Trong đó, đối với việc xử lý nước rỉ rác, nhà máy đã xây dựng hệ thống xử lý với công suất 200m3/ngày, đêm. Nước rỉ rác sau khi xử lý đạt quy chuẩn được tái sử dụng cho hoạt động của nhà máy, không thải ra môi trường. Tro xỉ còn lại sau quá trình đốt rác được sơ chế, xử lý tại khu vực lưu chứa của nhà máy và sẽ được chuyển giao cho đơn vị chức năng xử lý hoặc sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng (đối với tro xỉ đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định)…
Ngoài ra, Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ cũng được xác nhận hoàn thành chương trình quan trắc môi trường gồm giám sát chất lượng nước thải định kỳ, giám sát khí thải và giám sát bùn thải từ hệ thống xử lý nước rỉ rác.
Sau khi có nhà máy này, Cần Thơ vẫn còn một lượng lớn rác thải tồn đọng tại các bãi rác phường Phước Thới (quận Ô Môn) và bãi rác Đông Thắng (huyện Cờ Đỏ).
Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho biết: Từ cuối năm 2019, TP đã chấp thuận cho Nhà máy xử lý, đốt lượng rác còn tồn đọng này. Lượng rác cũ được nhà máy thử nghiệm là 2.500 tấn, với khối lượng bình quân mỗi ngày từ 50 - 100 tấn. Sau khi hoàn thành đốt thử nghiệm, TP sẽ xây dựng phương án để tiếp tục đốt khối lượng rác thải còn lại của bãi rác Đông Thắng và 35.000 tấn rác tồn đọng tại bãi rác quận Ô Môn.
“Đây là dự án đầu tiên tại địa phương đưa công nghệ tiên tiến vào giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt, tạo ra nguồn năng lượng mới thân thiện với môi trường. Qua đó, giúp TP tiếp cận với công nghệ xử lý hiệu quả nhằm giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện môi trường sống”.
Nhiều địa phương ở ĐBSCL hiện đau đầu vì vấn đề rác thải. Tỉnh Trà Vinh đã cho triển khai Dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt và dự án xử lý ô nhiễm môi trường bãi rác TP.Trà Vinh. Tuy nhiên cả 2 dự án này đều đang chậm tiến độ vì có nhiều sai sót. Mới đây, UBND tỉnh Trà Vinh đã phải có văn bản “cầu cứu” UBND TP.Cần Thơ về việc vận chuyển 30.000 tấn rác đưa sang nhà máy đốt rác điện ở Cần Thơ để xử lý...