Điện và nghề nuôi tôm

Thứ năm, 25/8/2022 | 16:12 GMT+7
Tôi có dịp đến nhiều vùng nuôi tôm nước ngọt trong cả nước nhưng ấn tượng nhất đối với tôi vẫn là vùng nuôi tôm ở xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) bởi nơi đây có diện tích nuôi tôm lớn, năng suất cao, nhiều hộ nuôi tôm đổi đời và trở thành tỷ phú miền cát trắng.
 

Điện làm quay hệ thống quạt nước, tạo oxy cho sự phát triển của tôm ở xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
 
Trong sự thành công của nghề nuôi tôm hàng chục năm qua, có sự đóng góp thầm lặng nhưng rất quan trọng của ngành Điện, đặc biệt là từ khi có thêm đối tượng nuôi mới là tôm thẻ chân trắng. Điện sử dụng để làm quay hệ thống quạt nước, tạo oxy cho sự phát triển của tôm. Quá trình quạt nước phải thực hiện tùy thuộc vào độ tuổi của tôm nước ngọt. Cụ thể: trong 5 tuần đầu chỉ cần bật quạt nước 1 giờ/ ngày; Từ 6 - 8 tuần tiếp theo tăng lên khoảng 3 giờ/ ngày; Từ 9 - 12 tuần tiếp theo tăng lên khoảng 6 giờ/ ngày; Từ 13 - 15 tuần tiếp theo tăng lên khoảng 9 giờ/ ngày; Từ 15 tuần đến thu hoạch bật 11 giờ/ ngày. Thực tế cho thấy những chú tôm càng lớn sẽ càng cần nhiều oxy, quá trình bật quạt nước cần phải được chú ý cẩn thận nếu không muốn chúng phát triển chậm lại và ảnh hưởng đến giá trị kinh tế của người nuôi trồng.
 
Bên cạnh việc dùng điện, người nuôi tôm còn áp dụng nhiều giải pháp công nghệ khác như chuyển từ ao đất sang lót bạt, áp dụng công nghệ Biofloc (công nghệ làm sạch, ổn định môi trường bằng vi tảo, cung cấp nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho vật nuôi, ức chế sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh), thay thế việc sử dụng hóa chất hay kháng sinh bằng chế phẩm sinh học bảo đảm an toàn thực phẩm; năng suất bình quân đạt 25 tấn/ha/vụ, cá biệt có hộ đạt 40 tấn… 
 
Điển hình về nuôi tôm ở xã Vạn Thọ là hộ ông Lê Quang Toàn, ông rất thành công khi nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ Biofloc. Gia đình ông Lê Quang Toàn hiện có 15 ha đất, trong đó có khoảng 9 ha là hồ nuôi tôm công nghệ cao, tương ứng 40 ô nuôi tôm trải bạt; diện tích còn lại để làm ao lắng, ao chứa chất thải và một số diện tích dành nuôi ốc hương, cá. Do áp dụng công nghệ Biofloc, quá trình nuôi tôm công nghệ cao không dùng thuốc kháng sinh mà cấy vi sinh bằng cách dùng hỗn hợp nước, mật rỉ đường, vi sinh…tạo biofloc để đưa xuống ao nuôi thường xuyên. Vì vậy tôm nuôi phát triển, ăn mạnh và mau lớn dù ông thả với mật độ dày (1 m2 khoảng 400 con). Từ khi áp dụng nuôi tôm thẻ chân trắng trên bạt bằng phương pháp trên, mỗi năm ông nuôi 3 vụ, mỗi vụ nuôi từ 2 - 2,5 tháng là thu hoạch. Bình quân một vụ ông thu lãi khoảng 8 tỷ đồng, nếu thuận lợi mỗi năm cũng cho lãi trên dưới 20 tỷ đồng… 

 
Chia sẻ về nghề nuôi tôm thẻ, ông Lê Quang Toàn tâm sự: Phải thường xuyên theo dõi ao đìa, độ tăng trưởng của tôm nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, biết nắm bắt nhu cầu của thị trường... Trong nghề nuôi tôm, quan trọng là phải xử lý ao đáy tốt, nhất là khâu xử lý nước, xuống giống tôm phải đúng thời vụ và đặc biệt đảm bảo an toàn về môi trường. Ngoài nuôi trên nền bạt, ông Toàn còn đầu tư nuôi ốc hương, mở thêm nhà hàng tiệc cưới rộng lớn, dịch vụ cho thuê xe du lịch, làm đại lý thức ăn thủy sản…; tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động tại địa phương cùng 250 lao động thời vụ. Ông còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cho nhiều hộ trong vùng vươn lên làm ăn. Bên cạnh đó, ông còn đầu tư 4 bình điện 160KW-250KW để chia sẻ giúp đỡ cho các hộ nuôi tôm chưa đủ điều kiện hạ thế điện. 
 
Ông Trần Quang Khánh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ cho biết: Hộ ông Toàn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương, đồng thời là tấm gương sáng để các hội viên khác học tập kinh nghiệm. Ông Toàn không chỉ biết làm giàu cho mình mà còn chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm công nghệ cho nhiều hộ nuôi tôm trong xã. 
Hàng năm, ông Toàn giúp tư vấn, hướng dẫn kinh nghiệm nuôi tôm công nghệ cao, kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao và bán thức ăn, thuốc xử lý nuôi tôm cho các hộ nuôi tôm. Mô hình nuôi tôm khép kín, không gây ô nhiễm môi trường, tận dụng được phế phẩm của tôm dùng vào việc nuôi cá. Ngoài ra, ông Toàn còn thường xuyên giúp đỡ các hội viên nông dân khó khăn trong xã về vốn, kỹ thuật phát triển kinh tế, tạo cơ hội cho nhiều hộ thoát nghèo. Với những hộ khó khăn, ông Toàn sẵn sàng hỗ trợ vốn cải tạo ao, tạo điều kiện cung cấp thức ăn, thuốc cho tôm đến cuối vụ mới thanh toán tiền mà không hề lấy đồng lãi nào. Trước đây, những hộ nuôi tôm trải bạt chỉ tính trên đầu ngón tay, nhờ ông Toàn giúp đỡ mà đã nhân rộng mô hình này. Hiện xã Vạn Thọ có gần 100 hộ/47ha đã áp dụng kỹ thuật nuôi tôm trải bạt. Do làm ăn bài bản và đúng hướng, từ năm 2012 - 2016, ông Lê Quang Toàn đạt danh hiệu nông dân sán xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Năm 2017, ông được Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tặng Bằng khen. Ông Toàn là 1 trong 63 nhà nông trên cả nước được bình chọn, trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018"…
 
Trong “bảng vàng” thành tích của nghề nuôi tôm ít khi thấy ai nhắc đến công lao của ngành Điện, nhưng với trách nhiệm của mình, ngành điện luôn quan tâm đầu tư thi công, sửa chữa… đáp ứng tốt nhất nhu cầu về điện cho sản xuất và tiêu dùng, trong đó có nghề nuôi tôm. Nói đến vai trò của điện trong nuôi tôm ai cũng biết là rất quan trọng, bởi mọi tiến bộ về khoa học - công nghệ phục vụ nuôi tôm có cao siêu đến đâu, nếu không có điện cũng khó mà hoạt động trơn tru được. Và, chỉ có người nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh mới thấu hiểu hết cảnh khổ lúc chưa có điện cũng như niềm vui kể từ ngày điện về phục vụ nuôi tôm. Khi chưa có điện chi phí đầu tư cho việc chạy quạt ôxy bằng máy dầu rất tốn kém, cao gấp 3 - 4 lần chạy điện. Chi phí mua máy phát điện khi chưa có điện cao hơn nhiều so với mô tơ điện và rã máy sửa chữa sau mỗi vụ tôm. Trước đây nhiều hộ dân tự ý kết hợp việc sử dụng điện sinh hoạt vào phục vụ nuôi tôm dẫn đến tình trạng lưới điện quá tải, chất lượng điện áp không đảm bảo, mất an toàn. Tuy nhiên, hiện nay đã được đầu tư điện khí hóa phục vụ nuôi tôm. Người nuôi cũng đã tích cực tham gia, đóng góp bằng cách hiến đất đai, cây trồng, tạo thuận lợi về mặt bằng cho ngành điện thi công hệ thống điện đúng tiến độ. Đối với những trang trại, hộ nuôi tôm lớn còn tự đầu tư bình hạ thế, trụ, đường dây, góp phần cùng với ngành Điện, đưa điện về đến tận ao nuôi. 
 
Thực tế hàng chục năm qua, ngành Điện luôn đồng hành cùng người nuôi tôm, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển phụ tải, bảo đảm lưới điện vận hành an toàn, liên tục, cung cấp điện ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống cho người dân nói chung và người nuôi tôm nói riêng.
Nguyễn Xuân Tư