Công nhân Điện lực Mường Chà kiểm tra hệ thống điện tại Trạm biến áp Púng Giắt, xã Mường Mươn.
Bản Nậm Đích, xã Chà Nưa là bản đặc biệt khó khăn của huyện Nậm Pồ, với gần 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trước đây cuộc sống của bà con rất khó khăn, nguồn thắp sáng chủ yếu là đèn dầu. Cuối năm 2023 bản có 90 hộ dân chính thức được sử dụng điện lưới quốc gia. Trưởng bản Mùa A Trang phấn khởi chia sẻ: “Trước đây chưa có điện, cuộc sống bà con cơ cực lắm, muốn làm gì cũng khó! Nay khác rồi. Ơn Đảng, Nhà nước đã đầu tư hệ thống điện lưới quốc gia làm thay đổi cuộc sống của hơn 90 hộ dân và tạo diện mạo nông thôn mới cho bản với sự no ấm đủ đầy. Có điện, được tiếp cận thông tin qua các chương trình truyền hình, phát thanh, bà con nắm bắt thêm thông tin hữu ích, nhất là việc thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
“Từ khi được sử dụng điện lưới, cuộc sống của gia đình tôi thay đổi. Gia đình đã mua nhiều thiết bị phục vụ sinh hoạt như nồi cơm, bếp điện, quạt điện. Vui nhất là mua ti vi về xem, qua các chương trình truyền hình tôi có thể học hỏi nhiều kiến thức về sản xuất nông nghiệp, ứng dụng vào trồng trọt, chăn nuôi. Tôi còn tích góp tiền mua máy móc phục vụ sản xuất, góp phần giảm nhân công, tăng năng suất lao động” - ông Vàng A Của, bản Nậm Đích chia sẻ.
Huyện Nậm Pồ thành lập năm 2013. Lúc mới thành lập, toàn huyện chỉ 55/121 thôn, bản có điện; 8/15 xã có điện. Hơn 10 năm qua, nhiều dự án đưa điện về vùng sâu, vùng xa đã được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện. Đến nay, 15/15 xã và 101/121 bản của huyện có điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ sử dụng điện ước đạt 89,52%.
Kết quả trên thể hiện sự nỗ lực đưa điện về vùng cao song đến nay huyện Nậm Pồ vẫn còn 20 bản chưa được sử dụng điện. Để xóa bản “trắng” về điện, cấp ủy, chính quyền huyện đã và đang huy động mọi nguồn lực triển khai các dự án kéo điện về vùng cao. Đặc biệt dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, chương trình “Bừng sáng Điện Biên” tại huyện Nậm Pồ, xây dựng hệ thống lưới điện nông thôn cấp điện sinh hoạt và sản xuất cho 13 bản thuộc 8 xã trên địa bàn huyện sẽ góp phần làm thay đổi đời sống nhân dân. Dự án có quy mô đầu tư xây dựng mới 11 đoạn tuyến đường dây trung thế, tổng chiều dài 40,445km; 11 trạm biến áp với tổng dung lượng 550kVA; 25,428km đường dây hạ thế sau các trạm biến áp xây dựng mới và 2 đoạn phát triển hạ thế sau trạm biến áp hiện có; lắp đặt mới 582 công tơ.
Đoàn công tác huyện Nậm Pồ tuyên truyền giải phóng mặt bằng dự án cấp điện. Ảnh: CTV
Ông Cao Xuân Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Dự án và Phát triển quỹ đất huyện Nậm Pồ cho biết: Dự án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1418/QĐ-UBND với tổng mức đầu tư trên 163 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, thời gian thực hiện dự án từ năm 2024 - 2026. Đến nay, đơn vị tư vấn đã hoàn thành công tác lập, thẩm định và phát hành hồ sơ mời thầu các gói thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia vào ngày 12/11/2024; trong đó sắp xếp thứ tự ưu tiên thi công xây dựng theo nguyên tắc “Thi công dứt điểm cho từng điểm bản để có thể đấu nối, đóng điện cho khách hàng; các điểm bản thuận lợi về mặt bằng thi công trước, điểm bản khó khăn thi công sau”. Về công tác giải phóng mặt bằng, UBND huyện phối hợp với tổ tuyên truyền, tổ giải phóng mặt bằng và các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động được 286/316 hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tự nguyên trả lại đất cho Nhà nước (hiến đất) với diện tích 5.986,5m2 tại 13 điểm bản trên địa bàn huyện để thực hiện dự án. Việc thực hiện dự án sẽ góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất, mở ra cơ hội để người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Với địa bàn vùng cao, biên giới, địa hình hiểm trở, nhiều thôn, bản trên địa bàn tỉnh chưa có điện lưới quốc gia. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu hưởng thụ cũng như việc nâng cao đời sống nhân dân. Tại một số địa phương, người dân phải dựa vào các nguồn điện tạm thời, chất lượng điện không ổn định, chi phí cao. Đưa điện về vùng cao, tỉnh đã tập trung lồng ghép nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình điện nông thôn. Hàng loạt dự án được triển khai với mục tiêu đưa điện đến từng hộ dân, dù ở vùng hẻo lánh nhất. Đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh có 129/129 xã phường, thị trấn được cấp điện lưới quốc gia, đạt 100%. Số hộ dân toàn tỉnh được dùng điện lưới quốc gia đạt 93,9%, trong đó số hộ nông thôn có điện đạt 92,6%.
Nhờ có điện lưới, người dân xã Mường Mươn, huyện Mường Chà đã sử dụng máy móc hiện đại trong sản xuất và đời sống.
Để xóa bản “trắng” điện lưới quốc gia, năm 2024 tỉnh Điện Biên đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia thuộc Chương trình “Bừng sáng Điện Biên” với mục tiêu xây dựng hệ thống điện nông thôn cấp điện sinh hoạt và sản xuất cho 5.093 hộ dân của 110 thôn, bản thuộc 47 xã trên địa bàn các huyện: Điện Biên, Mường Nhé, Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa. Đây là các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Quy mô dự án đầu tư xây dựng, lắp đặt mới 365,197km đường dây trung áp 35kV; 105 trạm biến áp với tổng công suất là 5.550KVA; 159,276km đường dây hạ áp 0,4kV và 5.093 công tơ. Dự án phân chia thành 7 dự án thành phần với tổng mức đầu tư 1.260 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2024 đến năm 2026. Đây là dự án quan trọng, góp phần mang lại ánh sáng và hy vọng cho các bản làng vùng sâu, vùng xa.
Có thể khẳng định, nỗ lực đưa điện về vùng cao của tỉnh Điện Biên là minh chứng rõ ràng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở các bản làng vùng sâu, vùng xa, biên giới. Ánh sáng điện không chỉ thắp sáng bản làng, thay đổi diện mạo nông thôn mới mà còn mở ra cơ hội để người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; đặc biệt là thúc đẩy nền kinh tế, giáo dục và y tế ở địa phương.
Link gốc