Hàng nghìn tỷ đồng cho phát triển lưới điện
Có được điều đó là do từ nhiều năm nay, Công ty Điện lực Hải Phòng liên tục đầu tư và phát triển lưới điện, theo đúng phương châm” điện đi trước một bước”, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, giữ vững QPAN.
Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Điện lực Hải Phòng Vũ Đức Hoan cho biết, chỉ tính từ năm 2005- 2013, công ty đã đầu tư phát triển lưới điện 110 KV hơn 1000 tỷ đồng; đầu tư cho lưới điện trung, hạ thế là hơn 500 tỷ đồng. Đây là một khoản tiền không nhỏ nhưng xuất phát từ yêu cầu thực tế, từ nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ về xây dựng Hải Phòng, với mục tiêu về trước cả nước trong sự nghiệp CNH- HĐH, công ty tìm mọi giải pháp, sử dụng nguồn vốn tự có đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của Tập đoàn Điện lực, Tổng công ty Điện lực miền Bắc huy động các nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng quốc tế như WB, JICA, KFW… đầu tư phát triển lưới điện.
Nhờ vậy, đã có 16 trạm 110 KV và đường dây được đầu tư xây dựng mới, đáp ứng yêu cầu phát triển các phụ tải như trạm Khu CN Tràng Duệ ( 98 tỷ đồng); Cát Hải ( 50 tỷ đồng); trạm Công ty Thép Việt Ý (98 tỷ đồng) ; trạm Khu CN Đồ Sơn (53 tỷ đồng); đường dây 110 KV Nhiệt điện Hải Phòng- Bến Rừng, Bắc sông Cấm phục vụ cấp điện cho Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Hải Phòng (56 tỷ đồng); cải tạo đường dây 110 KV Đồng Hòa- Long Bối thuộc dự án phân phối lưới điện nông thôn trị giá 222 tỷ đồng… Ngoài ra còn một loạt các trạm biến áp 110 KV được cải tạo, mở rộng như trạm Cửa Cấm, Vĩnh Bảo, Lê Chân, Hạ Lý…; xây dựng các trạm An Lạc, Cát Bi, Thép Đình Vũ, Thép Vạn Lợi, Thép Cửu Long…
Chính nhờ có sự đầu tư tích cực, luôn đón trước yêu cầu phát triển kinh tế nên khu công nghiệp, nhà máy xây dựng tới đâu, điện đáp ứng đến đó. Không những thế, theo ông Vũ Đức Hoan, công suất bảo đảm chuyên tải của hệ thống lưới điện dự kiến sẽ đáp ứng cho các phụ tải tăng trưởng đến năm 2016. Từ năm 2016 đến năm 2020, theo quy hoạch phát triển điện lực và dự kiến tốc độ tăng trưởng phụ tải, công ty dự kiến xây dựng thêm khoảng 3 trạm biến áp với giá trị gần 400 tỷ đồng.
Khó về vốn, bó về giải phóng mặt bằng
Mặc dù luôn tuân thủ sự chỉ đạo của thành phố, đáp ứng yêu cầu đầu tư theo phương châm điện đi trước nhưng Công ty Điện lực Hải Phòng cũng gặp không ít khó khăn về nguồn vốn và giải phóng mặt bằng. Theo lãnh đạo công ty, có thời điểm, công ty bỏ ra hàng trăm tỷ đồng xây dựng trạm biến áp 110 KV cho khu công nghiệp nhưng phải rất nhiều năm sau mới có sự tăng trưởng về phụ tải. Nguồn vốn này đối với một doanh nghiệp là không nhỏ, chưa kể hàng loạt khu vực khác cũng rất cần điện, rất cần được đầu tư nên vốn luôn luôn khó. Đã thế, có công trình điện vay vốn nước ngoài nhưng do vướng mắc về giải phóng mặt bằng nên bị kéo dài hết năm này qua năm khác, chẳng những bị đội vốn mà còn liên tục bị phía nước ngoài dọa sẽ cắt vốn, đặt công ty vào những thử thách không nhỏ và nhiều tình huống nan giải. Mới đây, tại dự án đường dây 110 KV thép Việt Ý, tại khoảng cột 12- 21, phương án đền bù đã được phê duyệt nhưng có một số hộ dân tiếp tục trồng cây với mật độ dày đặc trong hành lang để đòi thêm tiền đền bù khoảng 7 tỷ đồng. Vụ việc đã được chính quyền địa phương, các ngành vào cuộc nhưng chưa giải quyết dứt điểm, làm chậm trễ tiến độ thi công và cũng làm khó cho doanh nghiệp điện.
Công ty Điện lực cho biết, từ nay tới năm 2018, dự kiến sẽ cần hàng nghìn tỷ đồng nữa cho đầu tư phát triển lưới điện với hàng chục công trình điện lớn (năm 2014- 2016 cần 1440 tỷ đồng). Về vốn, công ty đã tiếp cận các tổ chức như WB, JICA, KFB…, cùng nguồn vốn XDCB của công ty, nhưng cũng luôn phải cân nhắc giữa đầu tư và thu hồi vốn. Thêm vào đó, công tác đền bù GPMB cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ và nguồn vốn của dự án. Bởi vậy, công ty mong muốn thành phố, các ngành, các địa phương, đặc biệt là khách hàng công nghiệp cùng ủng hộ, chia sẻ, phối hợp tốt trong đầu tư phát triển lưới điện, trong GPMB để bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án điện.
Trong cuộc làm việc mới đây tại Công ty Điện lực, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Sơn ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của công ty, nhất là lo vốn thực hiện công trình điện trong bối cảnh luôn phải co kéo nhiều bề. Tuy nhiên, theo đồng chí Phó chủ tịch, dù khó đến đâu, điện cũng vẫn phải đi trước một bước. Do đó, công ty tiếp tục bám sát yêu cầu phát triển KTXH của thành phố để đáp ứng nhu cầu điện, đồng thời chỉ đạo các ngành, các địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ với công ty trong GPMB, bảo đảm để các công trình điện được thực hiện thuận lợi, vì sự phát triển chung của thành phố.
Năm 2013 và 2014, có một loạt công trình điện lớn được hoàn thành như trạm và đường dây 110 KV Tiên Lãng (gần 100 tỷ đồng); đường dây 110 KV Công ty Thép Việt Ý ( 55,6 tỷ đồng); mở rộng lộ 22 KV Đình Vũ cấp điện cho Nhà máy sản xuất lốp xe Bridgestone 25,7 tỷ đồng; nâng công suất trạm biến áp 110 KV Kiến An 30,8 tỷ đồng; trạm 110 KV Nam Đình Vũ 1 và nhánh rẽ 120 tỷ đồng; trạm 110 KV Cát Bà (35 tỷ đồng). Công trình đường dây 110KV cấp điện cho Khu công nghiệp An Dương trị giá 55 tỷ đồng; nhánh rẽ trạm biến áp Khu công nghiệp Minh Đức 25 tỷ đồng dự kiến hoàn thành năm 2014- 2015. |