Tấm kính trong suốt sẽ giúp tăng thêm thẩm mỹ trong nhà. Ảnh: CNET
Công ty khởi nghiệp Ubiquitous Energry đã phát triển pin mặt trời trong suốt để tạo ra các cửa sổ mà họ đặt tên là ClearView Power, một loại "kính mặt trời" có thể biến ánh sáng mặt trời thành năng lượng mà không cần các tấm tế bào quang điện màu xám mờ quen thuộc. Công ty này đã tách khỏi Viện công nghệ Massachusetts (MIT) vào năm 2012, họ hy vọng sẽ sử dụng công nghệ mới để biến bất kỳ bề mặt kính gia dụng nào dùng cho kiến trúc ngoại thất cũng trở thành nguồn thu thập năng lượng mặt trời.
Miles Barr, người sáng lập và cũng là Giám đốc công nghệ của Ubiquitous Energy chia sẻ với CNN, "Nó có thể được áp dụng cho các cửa sổ ở các tòa nhà chọc trời, nhưng cũng có thể được dùng cho các kính chắn gió và kính ở cửa xe ô tô, thậm chí nó có thể được dùng cho lớp kính trên màn hình chiếc iPhone của bạn”.
Hiện công ty đang tìm cách tận dụng sự bùng nổ năng lượng tái tạo ở Mỹ, với các dự báo khả quan của Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng Mỹ thì năng lượng mặt trời và năng lượng gió tại đây dự kiến sẽ vượt qua năng lượng từ than đá vào năm 2021.
Trong khi một số công ty đang trong giai đoạn phát triển các sản phẩm tương tự nhưng chủ yếu vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, thì đây là một sản phẩm mới nổi bật cho phép khai thác năng lượng mặt trời ở mức độ thương mại hóa dễ dàng bên cạnh các giải pháp khác. Tiểu bang California nơi Ubiquitous Energy đặt trụ sở là một trong những nơi đầu tiên yêu cầu mọi ngôi nhà mới đều kết hợp một số công nghệ khai thác năng lượng mặt trời nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch vốn đang dần cạn kiệt. Ông Barr nói, điều này khiến loại cửa sổ ClearView Power của chúng tôi trở thành sản phẩm lý tưởng vì chủ nhà có thể dùng nó theo cách truyền thống nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu này và giảm bớt hóa đơn tiền điện.
Điểm tạo ra sự khác biệt của sản phẩm là thuốc nhuộm hữu cơ được sử dụng để phủ lên bề mặt kính, thuốc nhuộm này cho phép ánh sáng mặt trời đi xuyên qua - giống như các cửa sổ bình thường - nhưng lại hấp thu được các tia hồng ngoại có trong luồng ánh sáng mặt trời đó. Theo ông Barr, "Thuốc nhuộm hấp thụ ánh sáng xuất hiện ở quanh chúng ta. Chúng có ở trong sơn, ở các bột màu nhuộm quần áo và thậm chí trong các thiết bị điện tử. Những gì chúng tôi làm là thiết kế ra một loại thuốc nhuộm có thể hấp thụ một cách chọn lọc đối với ánh sáng hồng ngoại và chuyển đổi nó thành điện năng”.
Điều đó có nghĩa là một phần năng lượng bị thất thoát, nên hạn chế cơ bản của phương pháp này là hiệu quả tương đối thấp. Chúng rẻ hơn và nằm trên một diện tích tương đối lớn, sử dụng không bị giới hạn nhiều như pin mặt trời truyền thống thì đó có thể là một giải pháp tốt như kiến trúc sư Anne Grete Hestnes tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy chuyên về năng lượng mặt trời phân tích.
Barr cho biết, các tấm trong suốt của Ubiquitous Energy có thể tạo ra tới 2/3 năng lượng mà các tấm pin năng lượng mặt trời truyền thống có thể tạo ra. Nhưng ông tự tin khi cho biết giải pháp mới giảm tới 20% chi phí lắp đặt và dễ dàng sử dụng mà không bị giới hạn về mặt thẩm mỹ và công năng do nó trong suốt như các loại kính thông thường.
Theo: Thanh niên