Đồng Nai có dư địa lớn phát triển điện rác

Thứ năm, 22/2/2024 | 13:54 GMT+7
Đã có 2 doanh nghiệp (DN) nước ngoài và 1 tập đoàn trong nước đề xuất tỉnh Đồng Nai được thực hiện dự án đốt rác sinh hoạt phát điện. Nếu tính cả các dự án tỉnh và DN đang xúc tiến, tới đây Đồng Nai sẽ có 5-7 dự án điện rác.


Đốt rác thải công nghiệp nguy hại tại Khu xử lý chất thải xã Quang Trung, H.Thống Nhất. Ảnh: B.Mai

Là tỉnh có nguồn rác thải lớn, được phân bổ chỉ tiêu phát triển điện rác cao, Đồng Nai đang là “miếng bánh ngọt” của các nhà đầu tư ở lĩnh vực này.

Nhiều “ông lớn” đề xuất làm điện rác

Đầu năm 2024, nhà đầu tư đến từ Đài Loan là Công ty TNHH Đầu tư Chiêu Minh (trụ sở ở TP.HCM) đề xuất với tỉnh thực hiện dự án Xử lý chất thải bằng công nghệ đốt rác phát điện tại H.Cẩm Mỹ. Ông Fan Hao, đại diện đơn vị đề xuất dự án cho biết, DN đã tìm hiểu và mong muốn đầu tư công nghệ xử lý chất thải công nghiệp, nguy hại, sinh hoạt vào khu xử lý chất thải Xuân Mỹ.

Đây không phải là dự án mới hoàn toàn, mà đầu tư thêm hạ tầng và đổi mới công nghệ cho khu xử lý hiện hữu. Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần bảo vệ môi trường sống và môi trường sinh thái cho tỉnh, tạo ra sản phẩm tái chế theo hướng công nghiệp xanh, tạo việc làm cho lao động địa phương.

“Chúng tôi mong muốn thực hiện dự án này vì mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường của tỉnh lẫn DN. Dự án đáp ứng tiêu chuẩn của Việt Nam về xử lý chất thải, phù hợp với quy hoạch các khu xử lý chất thải của Đồng Nai” - ông Fan Hao chia sẻ.

Một DN nước ngoài khác cũng muốn đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác sinh hoạt là Công ty Asia New Generation (trụ sở ở TP.HCM) đã làm việc với lãnh đạo tỉnh vào tháng 12-2023, ông Willy Andreas Kirsch, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, DN muốn đưa công nghệ xử lý rác hiện đại của Đức vào khu xử lý chất thải ở xã Xuân Tâm (H.Xuân Lộc). Đó là công nghệ INTEC-TCP (nhiệt phân), rác thải không cần phân loại, không đốt trực tiếp, mà xử lý rác bằng phương pháp khí hóa nên hạn chế phát sinh khí thải, có thể tạo ra từ 1,2-1,8 MWh điện năng/tấn rác.

Cũng theo ông Willy Andreas Kirsch, nếu pháp lý thuận lợi, dự án này có thể khởi động ngay đầu năm 2024. Việc này góp phần thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường, hiện thực hóa mục tiêu Net Zero của Chính phủ Việt Nam.

Trước đó, một tập đoàn trong nước là Amaccao (trụ sở ở TP.Hà Nội) đề xuất với tỉnh thực hiện đồng thời 2 dự án đốt rác phát điện; một dự án hợp tác chuyển đổi công nghiệp tại khu xử lý hiện hữu và một dự án đầu tư mới hoàn toàn. Tập đoàn này phân tích các lợi thế của mình là đã đầu tư dự án đốt rác phát điện tại TP.Hà Nội, sử dụng công nghệ nhập khẩu từ châu Âu, tái sử dụng triệt để tro xỉ từ hoạt động đốt rác để làm gạch.

Ngoài 3 “ông lớn” đề xuất dự án nói trên, tỉnh đang triển khai dự án đốt rác phát điện quy mô 1,2 ngàn tấn/ngày tại xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu). Cùng với đó, các chủ đầu tư khu xử lý rác đang hoạt động tại các xã: Quang Trung (H.Thống Nhất), Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu), Bàu Cạn (H.Long Thành) đang lên kế hoạch đầu tư chuyển đổi sang công nghệ đốt rác phát điện, trong đó có dự án đã được bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh và Quy hoạch điện VIII.

Nhiều dư địa cho phát triển điện rác

Sở dĩ Đồng Nai đang trở thành “miếng bánh ngọt” của các nhà đầu tư trong lĩnh vực điện rác bởi 3 lý do chính. Thứ nhất, tỉnh có lượng rác sinh hoạt lớn, bình quân hơn 2 ngàn tấn/ngày, tốc độ tăng 5%/năm. Thứ hai, đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do UBND tỉnh ban hành cuối năm 2023 đề ra mục tiêu năm 2025, các khu xử lý phải chuyển sang công nghệ đốt thu hồi năng lượng. Thứ ba, dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, Đồng Nai được phân bổ 66MW điện rác (đứng thứ 3 cả nước, sau TP.Hà Nội và TP.HCM).

Ngoài các lý do trên, xử lý rác bằng công nghệ đốt thu hồi năng lượng được pháp luật về môi trường khuyến khích, là lĩnh vực tỉnh ưu tiên mời gọi đầu tư. Dự án góp phần gia tăng năng lượng tái tạo, thực hiện mục tiêu trung hòa carbon.

Hiện tại, tỉnh đã xác định 4/7 khu xử lý rác sẽ đầu tư công nghệ để chuyển sang đốt rác thu hồi năng lượng là: Túc Trưng, Bàu Cạn, Vĩnh Tân và Quang Trung. Các khu xử lý này có công suất khoảng 3,8 ngàn tấn/ngày, đảm bảo tiếp nhận hết rác sinh hoạt của các địa phương và từ DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ quan, trường học… đến năm 2030. 3 khu xử lý rác còn lại sau này chỉ thực hiện tiếp nhận và xử lý rác thải từ các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết, tỉnh chào đón các dự án môi trường sử dụng công nghệ hiện đại, góp phần vào sự phát triển bền vững chung. Đối với các DN đề xuất đầu tư vào khu xử lý rác hiện hữu thì các bên thỏa thuận hình thức góp vốn cùng làm hoặc chuyển nhượng dự án, trên cơ sở đó đề xuất tỉnh tiếp tục triển khai để giảm bớt thủ tục. Đối với dự án đốt rác phát điện quy mô 1,2 ngàn tấn/ngày, sau khi hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tỉnh sẽ thực hiện các thủ tục tiếp theo để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đối tác công tư - PPP.

Đồng Nai có dư địa lớn phát triển điện rác. Hiện các khu xử lý chuyển đổi sang công nghệ đốt thu hồi năng lượng đã được tỉnh tính toán, chỉ tiêu phát triển điện rác đã được phân bổ. Nhu cầu về năng lượng của tỉnh, cũng như nhu cầu sử dụng điện tái tạo của các DN sản xuất công nghiệp cao. Nếu khả năng kết nối với hệ thống truyền tải điện thuận lợi và giá mua điện rác phù hợp sẽ thúc đẩy nhà đầu tư sớm thực hiện dự án và đưa vào vận hành thương mại.

Link gốc

Theo: Báo Đồng Nai