Ngày càng nhiều buôn làng vùng sâu, vùng xa được sử dụng điện lưới quốc gia.
Ông Thái Đắc Toàn - Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng - cho biết, năm 2008 ngành điện đầu tư 210 tỷ đồng thực hiện Dự án cấp điện cho các thôn bản của tỉnh Lâm Đồng. Dự án đã giúp cho hơn 27.300 hộ đồng bào dân tộc ít người được sử dụng điện lưới quốc gia. Theo ông Toàn, đến nay tỷ lệ người dân có điện ở Lâm Đồng đã đạt 99,3%, trong đó khu vực đồng bào dân tộc sinh sống ở vùng cao chiếm trên 98%.
Địa bàn Tu Tra, có hơn 2/3 dân số là người C’Ho, Chu Ru. Trước đây, Tu Tra là 1 trong 5 xã nghèo nhất của huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Vào năm 2015, xã Tu Tra đã đạt 19/19 tiêu chí của xã nông thôn mới. Sự đổi thay này có được là nhờ những đóng góp không nhỏ của dòng điện lưới quốc gia. Ông Ya Nhu, người dân xã Tu Tra cho hay, từ khi có điện việc sản xuất, kinh doanh của đồng bào rất thuận tiện, cuộc sống ngày càng khá lên nhờ cây trồng, vật nuôi cho năng suất, hiệu quả cao hơn.
Không chỉ có Lâm Đồng, đồng bào các dân thộc thiểu số ở những địa phương khác như: Sóc Trăng, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Thuận… điện lưới quốc gia cũng đã kéo về đến tận các thôn làng và làm thay đổi cuộc sống của nhiều hộ gia đình.
Tỉnh Bình Thuận hiện có 34 dân tộc thiểu số với hơn 100.000 người đang sinh sống. Trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã đầu tư nhiều tỷ đồng để thực hiện chương trình “điện, đường, trường, trạm” tại những vùng nông thôn, khu vực miền núi. Nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống tại các huyện: Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh và Đức Linh.
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, tính đến cuối năm 2019, tỉnh Bình Thuận đã cấp hơn 15.200 héc-ta đất cho hơn 14.200 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số để sản xuất. Tổng diện tích canh tác của bà con hiện đạt hơn 50.000 héc-ta, chủ yếu trồng các loại cây như điều, tiêu, thanh long, nho, bắp, rau xanh…giúp nâng thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số lên 21 triệu đồng/người/năm và kéo giảm số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm xuống còn 10%. Tính đến nay, Bình Thuận có 100% xã đạt chuẩn tiêu chí điện nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu này, ngành điện lực miền Nam đã đầu tư nhiều tỷ đồng để kéo điện đến từng buôn làng phục vụ người dân sinh hoạt, sản xuất.
Tỉnh Sóc Trăng hiện có gần 470.000 người dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào Khmer có hơn 400.000 người, chiếm 30,71% dân số toàn tỉnh. Khi xưa, các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đều là những làng quê nghèo, do đất khô cằn và thiếu điện để dùng. Tuy nhiên, cùng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chương trình đưa điện lưới quốc gia đến với người đồng bào dân tộc đã được các cấp chính quyền và ngành điện lực đầu tư mạnh mẽ, giúp cho cuộc sống của nhiều buôn làng vượt qua khó nghèo và từng bước hồi sinh.
Bà Chà Thị Linh ngụ tại xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng cho biết, kể từ năm 2010, khi điện lưới quốc gia kéo về, cuộc sống ở đây thay đổi từng ngày. Ngoài sinh hoạt tiện dụng trong gia đình, điện đã giúp cho người nông dân tưới tiêu, chăn nuôi dễ dàng. Vì vậy, thu hoạch đạt năng suất cao, thu nhập hàng năm cũng cao hơn nhiều so với trước.
Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam đánh giá, kể từ ngày thống nhất đất nước đến nay, ngành điện lực miền Nam đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để đưa điện lưới quốc gia đến với các buôn làng xa xôi. hẻo lánh ở khu vực miền Nam. Điện về buôn làng đã giúp bà con dân tộc thiểu số thuận lợi trong canh tác, chăn nuôi, chế biến nông sản; năng suất vật nuôi, cây trồng được cải thiện rõ rệt và không ngừng tăng lên qua từng mùa vụ. Từ đó, cuộc sống của đồng bào ngày càng khấm khá hơn.