Những ngày cuối năm, về vùng biên giới Việt – Lào, chuyện khiến vùng biên rôm rả nhất là chuyện nơi đây chính thức có điện quốc gia. Theo thôn trưởng thôn A Choong (xã Ch’ Ơm) Alăng Nhị, từ những ngày các cán bộ ngành điện lực và UBND xã xuống vận động, nói rõ về hiệu quả của dự án cấp điện cho xã Ch’ Ơm cả thôn đã vui mừng lắm. “Nghe được hòa điện lưới quốc gia bà con ai cùng mừng rỡ vì lâu nay mua cái ti vi, nồi cơm điện về cũng ít dùng vì điện thủy luân chập chờn lắm. Giờ có điện lưới quốc gia rồi thì tối không lo sống trong bóng tối. Người dân được xem ti vi thỏa thích và biết nhiều tin tức hơn. Có điện cuộc sống đồng bào vùng biên sẽ đổi thay” – ông Alăng Nhị khẳng định.
Dự án không chỉ mang lại niềm vui nâng cao chất lượng đời sống sinh hoạt của nhân dân biên giới mà còn góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Khi dòng điện chảy về biên giới thầy trò ở các trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Ch’ Ơm và THCS liên xã Ch’ Ơm - Ga Ry sẽ không còn cảnh ăn học cùng chiếc đèn pin hoặc ngọn nến. “Có điện thì thầy cô sẽ có điều kiện thuận tiện hơn trong việc kết nối mạng để học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn. Đồng thời, các giáo án điện tử, dạy tin học sẽ được áp dụng giúp nâng cao chất lượng dạy học. Và quan trọng là chuyện sinh hoạt của các học sinh nội trú sẽ đỡ vất vả hơn, sẽ không còn cảnh các em em ngồi học dưới ánh đèn pin tù mù” - thầy giáo Phạm Công Đức, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Ch’ Ơm chia sẻ. Theo ông Alăng Rép – Phó Chủ tịch UBND xã Ch’ Ơm, Dự án Cấp điện cho xã Ch’Ơm cung cấp điện hộ gia đình cho các thôn A Choong, A Tu, Cha’ Nốc thuộc xã Ch’Ơm. “Chúng tôi đã có thể khép lại quá khứ sống “khát” ánh điện của cha ông. Từ nay các làng sẽ bừng sáng vào buổi tối. Đặc biệt, điện sẽ là điều kiện quan trọng nhất giúp địa phương từng bước có thể phát triển về kinh tế - xã hội trong tương lai” – ông Alăng Rép khẳng định.
Ngày xã đảo Tân Hiệp (TP. Hội An) đóng điện kỹ thuật kết nối với lưới điện quốc gia, những người dân trên đảo cảm thấy mãn nguyện khi ước vọng lâu nay của họ đã được đáp ứng. Không chỉ đời sống hằng ngày của nhân dân trên đảo bớt đi những bất tiện mà còn giúp cho việc phát triển du lịch nơi đây thuận lợi hơn. Các nhà hàng, quán cà phê trên đảo Cù Lao Chàm, du khách đều sử dụng các dịch vụ wifi, truyền hình để phục vụ du khách. Đặc biệt, dịch vụ lưu trú tại nhà trên đảo đã đáp ứng tốt các nhu cầu cho khách du lịch. “Nhờ có điện mình mới có thể lắp điều hòa cho các phòng nghỉ, mua sắm các tiện nghi khác để phục vụ khách du lịch lưu trú. Trước kia, vì điều kiện ở lại qua đêm chưa tốt nên khách ít lưu trú lâu. Còn giờ mình đầu tư máy điều hòa, tủ lạnh trong các phòng nên lượng khách đã tăng lên” – ông Trần Ngọc Vũ, chủ dịch vụ homestay Trang Vũ cho biết.
Dòng điện vươn mình ra đảo cũng đã tạo điều kiện cho nhiều người dân phát triển kinh tế bằng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình. Chị Lê Thị Bích Liên (thôn Bãi Ông, xã Tân Hiệp) đã mạnh dạn bỏ ra hơn 300 triệu đồng đầu tư làm cơ sở sản xuất nước đá. “Trước đây không có điện nên không thể sản xuất nước đá được, phải lấy từ TP. Hội An ra cung cấp cho các quán nước, các nhà hàng. Còn giờ đã có điện sản xuất nên tôi đầu tư luôn hệ thống làm đá cây có quy mô 120 cây đá/lần sản xuất. Như vậy việc kinh doanh sẽ có lời hơn so với việc nhập đá từ đất liền ra rồi bán lại”. Anh Nguyễn Xuân Định (thôn Bãi Ông) cho biết, nhờ có điện tiệm sửa xe máy của anh mới có thể mở rộng quy mô và có thêm nhiều khách hàng. Anh Định cho hay: “Nghề sửa xe máy có nhiều loại máy móc cần nguồn điện ổn định nên trước kia điện chập chờn, chỉ phát 8 tiếng/ngày khiến nhiều tiệm sửa xe máy nơi đây bỏ nghề. Giờ có điện rồi tôi mua thêm nhiều dụng cụ, đồ nghề để có thể sửa xe theo yêu cầu của khách hàng nên thu nhập cũng khá lên.
Có điện 24/24, sự học của con em nơi đảo Cù Lao Chàm cũng bớt thiệt thòi hơn. Phó Hiệu trưởng trường THCS Quang Trung (xã Tân Hiệp) Nguyễn Duy Tuấn kể chuyện: “Ngày xưa, học sinh khi về nhà phải tranh thủ học bài thật sớm vì đến 22 giờ là điện bị cắt. Còn các thầy cô muốn dạy 1 giờ tin học, hay trình chiếu giáo án điện tử… là phải chạy máy phát điện và các thầy cô cùng tranh thủ dạy. Mà kinh phí nhà nước cấp không đủ nên các thầy cô góp tiền lại mua dầu diesel lại mới có mà dùng. Rồi chuyện trao đổi trong công tác quản lý cũng chẳng thể thông suốt. Bây giờ thì ngoài việc có thể triển khai các tiết học sử dụng giáo án điện tử, học tin học dễ dàng hơn thì nhà trường đã triển khai được hệ thống quản lý bằng mạng nội bộ, kênh tiếp nhận văn bản chỉ đạo từ cấp trên qua mạng cũng được xuyên suốt”. Theo Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp Nguyễn Văn An, việc được kết nối với điện lưới quốc gia đã làm thay đổi bộ mặt của xã đảo Tân Hiệp và giúp hòn đảo này chuyển mình mạnh mẽ. “Khó kể cụ thể hết những mặt tích cực của việc có điện 24/24 mà chỉ ngắn gọn rằng: được kết nối lưới điện quốc gia nghĩa là xã đảo như kéo gần khoảng cách lại với đất liền” .