Tư vấn sử dụng điện

Động tác đơn giản giảm hóa đơn tiền điện triệu đồng vào mùa hè

Thứ tư, 6/6/2018 | 09:29 GMT+7
Mùa hè nóng nực cũng là thời điểm các thiết bị làm mát trong nhà hoạt động hết công suất để phục vụ nhu cầu của người dùng. Cùng với đó là việc sử dụng các thiết bị khác trong nhà khiến hóa đơn tiền điện tăng vọt.

Dưới đây là những bí kíp đơn giản và không tốn kém giúp căn nhà của bạn luôn mát mẻ mà vẫn tiết kiệm điện, tiền bạc trong suốt những tháng hè nóng bức.
 
1. Đồ điện lạnh
 
Nhóm đồ điện lạnh là những đồ dùng tiêu tốn tiền điện nhiều nhất trong những ngày hè. Vậy bạn nên biết cách sử dụng đồ điện lạnh tiết kiệm tiền điện tối đa cho gia đình.
 
Điều hòa
 
+ Lắp đặt điều hòa có công suất phù hợp với diện tích phòng.
 
+ Đặt cục nóng điều hòa tại vị trí thoáng mát. Hãy cài đặt điều hòa ở chế độ Dry thay vì ở chế độ Cool công suất tiêu thụ điện của điều hòa sẽ giảm đi 10 lần.
 
+ Không bật nhiệt độ điều hòa quá thấp: chỉ nên để điều hòa nhiệt độ thấp khi mới bật làm mát phòng nhanh, sử dụng kèm với quạt, quạt thông gió sẽ rất tiết kiệm điện.
 
+ Không bật, tắt điều hòa liên tục khiến điều hòa nhanh hỏng do phải tiêu tốn nhiều điện năng khởi động.
 
+ Vào những khi thời tiết dịu mát (sáng sớm hoặc đêm), hãy tắt điều hòa và mở cửa để đón không khí ngoài trời.
 
+ Luôn giữ phòng bật điều hòa kín, đóng các cửa khi bật điều hòa, tránh việc hơi lạnh bị thất thoát ra ngoài dẫn tới lãng phí điện năng.
 
+ Vệ sinh điều hòa thường xuyên để giúp điều hòa tăng hiệu năng, tiết kiệm điện, tránh hỏng hóc.
 
Tủ lạnh
 
+ Chọn tủ lạnh có dung tích phù hợp, đủ dùng cho số người trong gia đình.
 
+ Thường xuyên vệ sinh tủ lạnh, dọn sạch những mảng tuyết đóng dày trong các khoang làm đông sẽ giúp tiết kiệm điện năng.
 
+ Nên đặt tủ lạnh ở những nơi tránh xa nguồn nhiệt.
 
+ Không để tủ lạnh còn trống, sẽ khiến tủ phải chạy nhiều hơn để duy trì nhiệt độ thấp hoặc để quá đầy thức ăn, sẽ ngăn sự lưu thông khí lạnh, dẫn đến làm lạnh kém hiệu quả, tốn điện.
 
+ Không nên đặt thức ăn nóng vào tủ lạnh sẽ khiến hơi nóng tỏa ra, làm ấm không khí bên trong. Khi đó máy nén của tủ lạnh phải làm việc nhiều hơn để làm mát không khí, gây lãng phí điện năng.
 
+ Hãy mở tủ lạnh nhanh tay và lưu ý đóng khít cánh cửa tủ và tuyệt đối tránh để hở.
 
+ Không tắt/bật tủ lạnh thường xuyên bởi mỗi lần khởi động sẽ tốn một lượng điện lớn. Trong trường hợp tủ lạnh lâu ngày không dùng thì mới ngắt nguồn điện.
 
Bình nóng lạnh
 
+ Chọn mua bình nóng lạnh có dung tích phù hợp với nhu cầu của gia đình.
 
+ Nên bật bình nóng lạnh trong khoảng thời gian 10-20 phút trước khi tắm và phải ngắt điện trước khi sử dụng.
 
+ Ngoài ra, hãy tận dụng ánh nắng mặt trời mùa hè để làm nóng nước, làm giảm thời gian sử dụng bình nóng lạnh.
 
2. Đồ điện tử
 
tiết kiệm điện,sử dụng điều hòa,điều hòa,tủ lạnh
Nên rút hẳn phích điện của các thiết bị khi không sử dụng.

Các thiết bị điện tử tiêu tốn tương đối nhiều điện trong gia đình. Do đó, bạn nên chú ý khi dùng các thiết bị này.

Nhiều thiết bị điện tử vẫn sử dụng điện năng ngay cả khi đã tắt. Vì vậy, hãy rút nguồn tất cả các thiết bị không còn sử dụng, như: máy tính, TV, cục sạc pin, smartphone, iPad, quạt điện tử, lò vi sóng và những thiết bị có bộ đếm giờ nói chung.

Cắt giảm những thiết bị điện không cần thiết: Thay vì dùng máy sấy tóc, bạn có thể để tóc mình khô tự nhiên hay đơn giản chỉ là tự tay quét nhà thay vì dùng máy hút bụi. Ngoài ra, khi ra khỏi phòng, bạn cũng nên tắt các thiết bị điện không cần thiết như: đèn chiếu sáng, quạt, điều hòa.
 
Tắt máy tính khi không dùng: Để tiết kiệm điện, bạn nên tắt máy tính nếu như không có ý định dùng trong vòng 15 phút trở lên. Nếu bạn chỉ cần sử dụng âm thanh từ máy tính (nghe nhạc, học tiếng Anh) hãy tắt màn hình.

Nên sử dụng đèn LED: Đây là loại đèn có hiệu suất chiếu sáng lên đến 90%, có tuổi thọ cao gấp đôi đèn huỳnh quang và gấp 20 lần đèn sợi đốt. Ngoài ra, việc lau chùi bóng đèn sạch sẽ giúp đèn tỏa sáng hơn và còn tiết kiệm điện hơn.
 
Quạt điện: Lau sạch cánh, lồng bảo vệ sẽ giúp tăng lưu lượng gió, dòng điện giảm, máy chạy nhẹ, ít tiêu tốn điện năng.
 
3. Đồ gia dụng
 

tiết kiệm điện,sử dụng điều hòa,điều hòa,tủ lạnh
Vệ sinh nồi cơm điện thường xuyên.

Nồi cơm điện:  Nên sử dụng nồi cơm điện có công suất và dung tích phù hợp, năng lau chùi đáy nồi, mâm nhiệt.

Không nên nấu cơm quá sớm, chỉ nên nấu trước khi ăn 30-45 phút để hạn chế thời gian hâm nóng.
 
Vệ sinh nồi cơm điện thường xuyên: Nên ngâm gạo trước khi nấu với nước ấm hoặc nóng trước khi nấu. Cách này sẽ khiến cơm nhanh chín và tiết kiệm đến 30% điện năng tiêu thụ.
 
Máy giặt
 
Không nên dồn nhiều quần áo vào giặt một lần vì khi đó, máy sẽ hoạt động sai công suất, gây giảm tuổi thọ máy và tiêu thụ nhiều điện hơn nữa.
 
Nếu không thật sự cần thiết bạn không nên giặt nước nóng.
 
4. Các đồ vật trong nhà
 
Cửa sổ: Nếu thời tiết nơi bạn ở nóng vào ban ngày nhưng mát vào ban đêm thì khi đêm xuống, hãy tắt các thiết bị làm mát, mở cửa sổ trong lúc ngủ để khí mát tràn vào phòng. Khi thức dậy vào buổi sáng, hãy đóng tất cả cửa sổ và che rèm để giữ không khí mát bên trong và ngăn khí nóng.
 
Rèm cửa: Theo Bộ Năng lượng Mỹ, khả năng chống nóng của rèm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại vải (dày hay mỏng), màu sắc. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những loại rèm có màu sắc trung tính và mặt trong là chất liệu màu trắng, vải tráng nhựa giúp ngăn khí nóng tới 33%.

Sơn tường, sử dụng đồ vật trong phòng có tông sáng màu giúp phản ánh sáng tốt hơn, giúp căn phòng đỡ bị tình trạng "hấp nhiệt", đặc biệt là mỗi khi bị ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp.

Lưu ý việc che chắn cho căn phòng của mình vào những ngày nắng nóng. Bạn có thể lắp mái/trần cách nhiệt, lắp cửa kính phản quang, hoặc dùng các biện pháp khác nhằm ngăn ánh nắng chiếu rọi trực tiếp vào phòng - khiến tăng mạnh nhiệt độ mà dù có bật điều hòa cũng không thể "tải" nổi.
Theo: VietNamNet