Tiến độ công trình

Dự án Cải tạo và phát triển lưới điện trung hạ áp tại Quảng Nam: Nguy cơ chậm tiến độ

Thứ sáu, 3/6/2022 | 13:55 GMT+7
Dự án Cải tạo và phát triển lưới điện trung hạ áp khu vực trung tâm huyện lỵ, thị xã, thành phố tại Quảng Nam - giai đoạn 2 đang được triển khai thi công ở 4 địa phương gồm: Núi Thành, Điện Bàn, Tam Kỳ và Hội An. 
Ngành điện lực chú trọng đầu tư nâng cấp lưới điện đáp ứng phục vụ khách hàng. TRONG ẢNH: Cải tạo lưới điện ở Hội An. Ảnh: Đ.H
 
Đây là dự án đa mục tiêu nhằm tiếp tục cải tạo nâng cấp, xây dựng mới hệ thống lưới điện trung, hạ áp và hình thành các khu vực đóng cắt tại các địa phương để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, từng bước hiện đại hóa lưới điện, tiến tới xây dựng lưới điện thông minh.
 
Nâng cao độ tin cậy
 
Do nhu cầu phụ tải phát triển khá nhanh, 4 địa phương Núi Thành, Điện Bàn, Tam Kỳ và Hội An có điện năng tiêu thụ mạnh, đặc biệt trong những tháng mùa hè nắng nóng cao điểm, dịp tết, công suất sử dụng điện tăng cao đột biến, chất lượng điện ở một số nơi không được ổn định...
 
Để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, trên cơ sở đề nghị của Công ty Điện lực Quảng Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Bộ Công Thương đã phê duyệt, triển khai thực hiện Dự án Cải tạo và phát triển lưới điện trung hạ áp khu vực trung tâm huyện lỵ, thị xã, thành phố tại Quảng Nam - giai đoạn 2 (KfW3.2) trong đó 4 địa phương nêu trên được chọn triển khai.
 
Hầu hết công trình của dự án KfW3.2 ở Quảng Nam khởi công đồng loạt vào ngày 30.9.2021, dự kiến hoàn thành ngày 24.9.2022. Triển khai dự án, các địa phương được đầu tư kéo mới và cải tạo, nâng cấp các đường dây trung, hạ áp và thiết bị đóng cắt... Theo đó, đường dây trung áp gồm kéo mới và cải tạo có tổng chiều dài 76,565km và đường dây hạ áp có tổng chiều dài 3,386km...
 
Mục tiêu của dự án là tăng cường khả năng cung cấp điện và nối mạch vòng lưới điện 110kV, lưới điện trung áp giữa các trạm biến áp 220kV, 110kV đảm bảo tiêu chuẩn cấp điện N-1 cho lưới điện 110kV tại các địa phương.
 
Dự án mở rộng lưới điện hạ áp nhằm giảm tổn thất điện năng trên lưới điện, cải thiện chất lượng điện năng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và đảm bảo an toàn lưới điện phân phối (lưới điện trung áp, hạ áp), tạo tiền đề cho quá trình phát triển lưới điện thông minh theo lộ trình hiện đại hóa hệ thống điện Việt Nam.
 
Đẩy nhanh tiến độ thi công
 
Có nhiều hạng mục còn trở ngại là nguyên nhân dẫn đến dự án trên triển khai thi công chậm tiến độ. Dự án đã được phê duyệt thiết kế từ năm 2015 nhưng đến năm 2021 mới khởi công. Hơn 6 năm mới triển khai, nên thực tế đã thay đổi rất nhiều. Cụ thể, như trước đây, đoạn qua cầu Ông Điền (tại TP.Hội An) nay cần phải thay đổi thiết kế. Phải lập thủ tục phê duyệt lại.
 
Trước đây, do thiết kế từ đường dây đi nổi để vượt sông nay chuyển sang phương án đường dây đi ngầm để phù hợp với quy hoạch của địa phương. Việc thay đổi này cần thời gian để thực hiện các thủ tục pháp lý phát sinh. Về phần móng trụ, đến nay trong số 936 móng trụ toàn dự án, còn đến gần 50% số móng trụ chưa được các địa phương bàn giao cho đơn vị thi công.
 
Qua đi kiểm tra thực tế tại các địa phương mới đây, ông Trương Thiết Hùng - Chủ tịch HĐTV EVNCPC đánh giá, hiện nhiều hạng mục vẫn còn ngổn ngang, có nguy cơ làm chậm tiến độ chung của dự án. Chỉ còn 4 tháng nữa công trình sẽ được đóng điện.
 
Theo đó, ông Hùng yêu cầu các đơn vị bám sát công trường, vướng ở đâu tháo gỡ ngay ở đó. Cụ thể, yêu cầu Ban Quản lý dự án cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, sớm điều chỉnh thiết kế, kết hợp thực hiện các thủ tục ở những vị trí không phù hợp, cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm để bàn giao các thủ tục về đất đai, mặt bằng...; giám sát chéo nhân sự của nhà thầu, vật tư thiết bị cung cấp cho đơn vị thi công, để không ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
 
Yêu cầu các ban của EVNCPC thực hiện giám sát và phối họp triển khai nhanh các thủ tục hỗ trợ kịp thời để giải quyết những vướng mắc của Ban Quản lý dự án để dự án được hoàn thành đúng tiến độ.
 
Ngoài ra, giao Công ty Điện lực Quảng Nam phối hợp, hỗ trợ, giải quyết vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án theo chỉ đạo của EVNCPC; bố trí thời gian ngừng cung cấp điện hợp lý, hạn chế kết hợp các công tác khác làm ảnh hưởng đến thời gian cấp điện trở lại; bố trí nhân sự tham gia công tác nghiệm thu...
 
Dự án KfW3.2 do EVNCPC làm chủ đầu tư gồm 12 tiểu dự án 110kV và 8 tiểu dự án lưới điện phân phối tại các tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên, với tổng mức đầu tư hơn 2.211 tỷ đồng; trong đó vốn vay Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) 44 triệu EUR, vốn đối ứng 45,59 triệu EUR.
 
 
Theo: Báo Quảng Nam