Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương biểu dương, cảm ơn Ban Quản lý đự án Điện 1 (EVNPMB1) và các nhà thầu đã đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, tổ chức thi công với tiến độ nhanh, đảm bảo an toàn, chất lượng trên công trường.
Cụ thể, khối lượng tổng thể trong quý 3 năm 2024 của dự án đạt nhiều kết quả tích cực. Thi công bê tông cửa lấy nước đạt 158% kế hoạch; thi công bê tông hầm số 1 và hầm số 2 lần lượt đạt 184% và 136% kế hoạch; đổ bê tông giếng đứng số 2 đạt 138% kế hoạch.
Giám đốc EVNPMB1 Bùi Phương Nam cho biết, công tác thi công bê tông cửa lấy nước đã đạt đến cao trình cao nhất 106,7m. Tại khu vực thi công nhà máy, đã hoàn thành lắp đặt giếng tuabin tổ máy 1, 2 và các hệ thống thiết bị phụ theo tiến độ bê tông.
Đối với hầm dẫn nước dự án, đây là hầm dẫn nước thủy điện xuyên núi lớn nhất Việt Nam, với đường kính hầm gần 14m. Kiểm tra thực tế hầm dẫn nước dự án, Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương đánh giá cao chất lượng bê tông bề mặt.
Thực tế, trong quý 3, công trường gặp nhiều bất lợi do thời tiết xấu, mưa nhiều, bão lũ ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thi công. Tuy nhiên, EVNPMB1 và các nhà thầu chủ động triển khai giải pháp bơm tiêu nước hố móng, trong hầm, giếng đứng; che chắn cho các khối đổ nên công tác thi công bê tông không bị gián đoạn. Nhà thầu đã có nhiều nỗ lực trong việc điều động nhân lực, thiết bị, nguyên vật liệu, tổ chức thi công thích nghi linh hoạt với điều kiện thời tiết.
Các công việc trên công trường cũng được tích cực triển khai đồng bộ. Công tác quản lý chất lượng được tư vấn giám sát thực hiện theo các quy định, các kết quả thí nghiệm cho thấy chất lượng bê tông, vật liệu liên quan đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Đối với công tác môi trường, tại công trường đã tổ chức lấy mẫu thí nghiệm định kỳ quan trắc môi trường nước, không khí, tiếng ồn. Kết quả cho thấy các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy định hiện hành.
Trong quý 3, nhà thầu cũng đã tổ chức 2 lớp huấn luyện về an toàn lao động và an toàn điện cho cán bộ, người lao động trên công trường; thành lập đội xung kích PCTT&TKCN năm 2024. EVNPMB1 đã tiếp tục đôn đốc, giám sát, quản lý nhà thầu thực hiện công tác an toàn, vệ sinh môi trường theo kế hoạch đã được chấp thuận.
Sẵn sàng hoàn thành kế hoạch năm 2024
Trong quý 4, công trường đặt ra một số mục tiêu quan trọng như: thi công bê tông cửa lấy nước đến cao độ 120,7m; đổ bê tông kết cấu nhà máy khu vực hạ lưu đến cao độ 31m; đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thép lót các phân đoạn và bê tông hầm dẫn nước; thúc đẩy thi công đường dây 500kV đấu nối của dự án...
Phó Tổng giám EVN Phạm Hồng Phương đề nghị liên danh nhà thầu tiếp tục phát huy thành tích đạt được trong quý 3, lấy đó làm nền tảng để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong quý 4.
Với công tác thi công, nhà thầu các nhà thầu tiếp tục khẩn trương huy động tăng cường nhân lực, thiết bị và lập kế hoạch chi tiết khối lượng thi công theo tuần, tháng, quý để triển khai thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng và kế hoạch của dự án. Các nhà thầu cần tiếp tục tuân thủ nghiêm công tác an toàn lao động, đảm bảo sức khỏe và vệ sinh môi trường tại công trường.
Đơn vị tư vấn thiết kế phối hợp với Ban điều hành dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng, đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công bám sát công trường để xử lý các vấn đề thiết kế trong quá trình xây dựng và lắp đặt thiết bị; tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị điều chỉnh các thiết kế kỹ thuật hoàn thiện, đảm bảo điều kiện thực tiễn trên công trường. Với công tác lắp máy, lãnh đạo EVN yêu cầu cần kiểm soát công tác lập kế hoạch tiến độ giữa bên xây, bên lắp, phối hợp nhịp nhàng, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng để tham gia công việc trên công trường.
EVN và các đơn vị đang dốc toàn lực để thi công dự án. NMTĐ Hòa Bình mở rộng khi đi vào vận hành năm 2025 sẽ tăng khả năng khai thác công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, nâng cao khả năng điều tần, độ an toàn, ổn định và hiệu quả vận hành hệ thống điện quốc gia. NMTĐ Hòa Bình mở rộng sẽ cung cấp thêm cho hệ thống điện quốc gia khoảng 500 triệu kWh/năm, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hằng năm vào mùa lũ của công trình NMTĐ Hòa Bình hiện hữu để phát điện; đồng thời, góp phần giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.
Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng:
- Tổng mức đầu tư: Hơn 9.220 tỷ đồng
- Công trình xây dựng cấp đặc biệt, 2 tổ máy với tổng công suất thiết kế 480MW
- Vị trí xây dựng: Bờ phải tuyến đập Thủy điện Hòa Bình hiện hữu
- Chủ đầu tư: EVN
- Ban Quản lý dự án (QLDA) Điện 1 quản lý, điều hành dự án.
|